Đề xuất một số giải pháp chống gian lận, thất thu thuế

PHẠM THỊ KIM OANH (Đội phó Đội kiểm tra Chi cục Thuế Thanh Trì)

TÓM TẮT:

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Tài chính là hết sức nặng nề... Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò này cần phải đặt thuế trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, bởi vì chính sự tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội là cơ sở tồn tại và phát triển của thuế. Trước tình hình đó, toàn ngành Thuế đang triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, hạn chế nợ đọng thuế nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, vi phạm trong sản xuất kinh doanh, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế…

Từ khóa: Ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính...

I. Đặt vấn đề

Thuế không chỉ đơn thuần là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước mà thuế còn gắn liền với các vấn đề về sự tăng trưởng kinh tế, về sự công bằng trong phân phối và sự ổn định xã hội. Thuế với các vai trò cơ bản của nó là: tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kích thích tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh thu nhập. Vì vậy, để chống thất thu ngân sách thì ngành Thuế cần có những giải pháp kịp thời và phù hợp với thực tế.

II. Chống gian lận, thất thu luôn là thách thức đặt ra đối với toàn ngành thuế

1. Tình hình thu thuế trong cả nước năm vừa qua

Năm 2016, tình hình tài chính, tiền tệ, kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, trong nước diễn biến thời tiết có nhiều bất lợi với thiên tai, lũ lụt, hạn hán diễn ra liên tục đã tác động xấu đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự nỗ lực của Tổng cục Thuế, ngành Thuế đã huy động, khai thác kịp thời nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, gắn liền với tăng cường kỷ cương kỉ luật nội ngành. Kết quả, năm 2016 toàn ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2016, số thu do ngành Thuế quản lý ước đạt 884.399 tỷ đồng, vượt 9,3% so dự toán pháp lệnh (tương ứng vượt 74.899 tỷ đồng). Thu từ dầu thô đạt 40.186 tỷ đồng (bằng 73,7% dự toán). Thu nội địa ước đạt 844.214 tỷ đồng (bằng 111,8% dự toán). Trong đó: Thu tiền sử dụng đất đạt 97.495 tỷ đồng, bằng 195% dự toán (vượt 47.495 tỷ đồng); Thu cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 74.168 tỷ đồng (bằng 134,9% dự toán); Thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 672.550 tỷ đồng (bằng 103,5% dự toán).

Trong năm qua, toàn ngành Thuế đã tập trung hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng chính sách, pháp luật thuế, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Công tác kiểm kê, rà soát mã số thuế luôn được cơ quan thuế các cấp quan tâm và chú trọng đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế, để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Đáng chú ý, công tác thanh tra kiểm tra năm 2016 được xem là một trong những nhiệm vụ được ngành Thuế đặc biệt quan tâm và chú trọng. Ước thực hiện năm 2016, toàn ngành thanh tra, kiểm tra 84.472 doanh nghiệp (đạt 94,2% kế hoạch năm 2016) với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.164 tỷ đồng, từ đó số tiền thuế nộp vào ngân sách là 11.907 tỷ.

Số thu do ngành Thuế quản lý ước đạt 884.399 tỷ đồng, vượt 9,3% so dự toán pháp lệnh (tương ứng vượt 74.899 tỷ đồng). Thu từ dầu thô đạt 40.186 tỷ đồng (bằng 73,7% dự toán). Thu nội địa ước đạt 844.214 tỷ đồng (bằng 111,8% dự toán). Trong đó: Thu tiền sử dụng đất đạt 97.495 tỷ đồng, bằng 195% dự toán (vượt 47.495 tỷ đồng); Thu cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 74.168 tỷ đồng (bằng 134,9% dự toán); Thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 672.550 tỷ đồng (bằng 103,5% dự toán).

Tại hội nghị, nhiều Cục Thuế địa phương đã thực hiện báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2016 như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai... Hầu hết các địa phương đều hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao và cam kết bước sang năm 2017 sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu mà Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã giao.

Theo báo cáo, năm 2017, toàn ngành Thuế sẽ tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 968.580 tỷ đồng. Con số này tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó dầu thô là 38.300 tỷ đồng và thu nội địa là 930.280 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, Tổng cục Thuế đã đề ra 4 nhóm giải pháp và 28 biện pháp cụ thể tập trung vào những vấn đề: Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017; Triển khai thực hiên kịp thời, có hiệu quả các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; Đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế; Các giải pháp về thực hiện tốt chương trình phòng và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và tăng cường công tác quản lý nội ngành.

Nhìn nhận về công tác thu thuế trong năm qua, ghi nhận, biểu dương kết quả và những nỗ lực mà ngành Thuế đã đạt được. Năm 2016, ngành Thuế đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ. Đó là tình trạng thua lỗ kinh doanh kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước dẫn tới thu ngân sách chỉ bằng 95% so với năm 2015, giảm gần 9.000 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính của khu vực Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn với số thu thuế chỉ bằng khoảng 79% so với năm 2014, 2015 do phải xử lý nợ xấu. Cùng với đó giá dầu giảm mạnh so với dự toán. Do vậy, kết quả mà ngành Thuế đạt được phản ánh sự nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm cao độ của lãnh đạo ngành cũng như toàn thể người lao động.

Nhiệm vụ năm 2017 của ngành Thuế hết sức khó khăn. Để hoàn thành tốt, trước hết Tổng cục Thuế phải quyết liệt thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn lực tài chính quốc gia. Công tác quản lý xử lý nợ đọng thế cũng cần được chú trọng để tăng thu, giảm nợ đọng vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, công tác thanh tra cũng cần được đẩy mạnh trên toàn ngành.

2. Giải pháp chống gian lận và thất thu thuế

Bên cạnh những nỗ lực của toàn ngành Thuế trong công tác thu ngân sách, chống thất thu gian lận thuế, thực tế trong hoạt động cũng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, do số lượng cán bộ công chức thuế còn “mỏng” nên chưa bao quát hết tình trạng người nộp thuế (NNT) và DN có hành vi trốn thuế và gian lận thuế ngày càng tinh vi. Trong khi đó, tỷ lệ văn bản tồn đọng chưa giải quyết còn cao, dẫn đến công tác giải đáp vướng mắc chưa kịp thời.

Thứ hai, hiện nay, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý, sử dụng hóa đơn, không ít DN (nhất là DN kinh doanh, xuất khẩu hàng bách hóa tổng hợp qua biên giới đất liền, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy hải sản) đã thực hiện mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, để khấu trừ thuế GTGT, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Thứ ba, việc tổ chức các “Tuần lễ lắng nghe ý kiến NNT” và tổ chức các Hội nghị đối thoại với DN, bên cạnh một số địa phương làm tốt, ở một số địa phương còn chưa đáp ứng được đầy đủ, chưa đồng bộ; Chưa phân loại được NNT để áp dụng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ phù hợp.

3. Giải pháp chống gian lận, tăng thu ngân sách nhà nước

Một là, bám sát, triển khai đầy đủ, kịp thời chương trình công tác, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính; Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, các Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo đúng chính sách, chế độ; công khai, minh bạch và công bằng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng và phát triển bền vững nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá.

Hai là, chỉ đạo các cục thuế địa phương đẩy mạnh kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh để phát hiện kịp thời các trường hợp thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý. Tập trung rà soát việc kê khai của các tổ chức, cá nhân, phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; theo dõi chặt chẽ việc kê khai thuế của các DN có số thu lớn, yêu cầu kê khai sát số phát sinh.

Ba là, thực hiện đầy đủ, kịp thời và công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi về thuế cho các DN; tạo thuận lợi góp phần giúp DN sớm hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh; Tham mưu cho UBND các địa phương thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách tại địa phương, tăng cường các biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và nợ đọng thuế năm 2017.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Đồng thời, công khai DN có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nhất là những DN sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.

Đồng thời chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn đối với các DN mới thành lập; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thí điểm dự án chống giả hóa đơn và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu bảng kê hóa đơn và ứng dụng đối chiếu chéo hóa đơn giữa các cục thuế địa phương trong phạm vi toàn quốc.

Năm là, tập trung thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, đặc biệt các DN có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh qua mạng; DN giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; DN nằm trong danh sách “đen” kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu đặc biệt là cà phê... Đôn đốc thu kịp thời các khoản thuế truy thu và phạt qua kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán (ít nhất phải đạt 80% trong phạm vi 90 ngày, đối với những kết luận, kiến nghị không có khiếu nại).

Sáu là, triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, trong đó tập trung bám sát những DN nợ thuế lớn; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết quả thu nợ thuế của các địa phương, đôn đốc nhắc nhở kịp thời những đơn vị có tỷ lệ nợ thuế tăng cao; Thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình thu, nộp của các ngành nghề, lĩnh vực số nợ lớn để đôn đốc thu nộp kịp thời số tiền nợ thuế vào ngân sách...

Bảy là, tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức đại lý thuế... để mở rộng các hình thức nộp thuế hiện đại. Thực hiện duy trì, củng cố chất lượng đối với các DN đã thực hiện kê khai thuế qua mạng internet. Khẩn trương hoàn thành Đề án kế toán thuế nội địa, thí điểm, tiến tới mở rộng triển khai nộp thuế điện tử...

Chú trọng công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra những đơn vị phát sinh nhiều đơn thư khiếu tố. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ, chú trọng vào những khâu có rủi ro trong lãng phí, tham nhũng nhằm phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cafef.vn

2. http://www.mof.gov.vn

3. http://www.gdt.gov.vn

SOLUTIONS TO PREVENT TAX FRAUDS AND REDUCE LOSSES TO

THE STATE BUDGET

PHAM THI KIM OANH

Deputy Head of Controlling Board, Tax deparment of Thanh Tri district

ABSTRACT:

Tax is the main source of revenue for the State budget. Collecting taxes is a difficult task for the Ministry of Finance in the context of economic fluctuations. It is important to link the role of taxes with the economic growth and the implementation of social justice in order to collect taxes effectively. This is because the economic growth and the implementation of social justice are fundamental conditions for the development of taxes. The Vietnamese taxation sector is implementing synchronous solutions to manage taxes collection, reduce losses to the State budget and curb tax debts to prevent tax frauds, violation of business laws and raise awareness of taxpayers of obeying laws.

Keywords: State budget, the General Department of Taxation, the Ministry of Finance.