Đề xuất một số giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Đây được xem là các văn bản quan trọng khẳng định cam kết của Nhà nước Việt Nam về phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà trong đó đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), với mục tiêu đưa doanh nghiệp khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Để quy định chi tiết Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo hành lang pháp lý thống nhất cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Đây là nội dung thay đổi lớn, có ý nghĩa quan trọng đưa công tác hỗ trợ pháp lý triển khai có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, hướng đến đối tượng thực sự có nhu cầu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này là hợp lý, vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có nguồn lực nhỏ, ít, chưa có điều kiện tổ chức được bộ phận pháp chế nội bộ nên thường gặp khó khăn trong tuân thủ pháp luật.

Kể từ thời điểm Luật và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có sự tham gia của nhiều Bộ ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tập trung vào các mặt như thông tin pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, đa số các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình từ khung quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sang Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Do đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn những hạn chế, vướng mắc như sau: một số chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; thiếu các quy định hướng dẫn về phân bổ kinh phí cho các Bộ ngành, địa phương; trình tự thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và vừa thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn bất cập; kinh phí bố trí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; còn tình trạng lúng túng trong việc cụ thể hóa các chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện, đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương; công tác tổ chức các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai còn chậm, tản mát, thiếu tập trung, chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa – đối tượng thụ hưởng chưa thực sự chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin các chương trình, chính sách hỗ trợ, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ còn khiêm tốn…Vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức tư vấn pháp lý còn mờ nhạt.

hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai có trọng tâm, trọng điểm

Để khắc phục những hạn chế, bất cập ở trên, đưa các quy định, chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đi vào đời sống, phát huy hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hoàn thiện đầy đủ cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cả ở cấp trung ương và địa phương, trong đó:

Một là, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rà soát, hoàn thiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ghi nhận các tổ chức đại diện doanh nghiệp như một chủ thể tích cực và năng động của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có thể độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước trong tiến hành hỗ trợ pháp lý.

Hai là, kiến nghị Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hoàn thiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể hóa các giải pháp quy định tại Luật và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừađang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19 theo hướng dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, ngành nghề và lĩnh vực.

Ba là, kiến nghị Bộ Tài chính cần sủa đổi Thông tư hướng dẫn tài chính các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sửa đổi định mức tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội, các tổ chức xã hội cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật, vụ việc, vướng mắc pháp lý theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Bốn là, kiến nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu có văn bản hướng dẫn tiêu chí công nhận tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện công nhận và công bố theo quy định.

Năm là, các Bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Các Bộ ngành, địa phương chưa xây dựng Chương trình, Kế hoạch, chưa hình thành mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khẩn trương xây dựng theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các chương trình, đề án phát triển ngành, địa phương.

Sáu là, cần tăng cường nguồn lực cho các Bộ ngành, địa phương, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, vật chất để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Bảy là, cần phát huy vai trò của xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao vai trò, năng lực của các Hiệp hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là chức năng tham vấn và phản biện xã hội. Có cơ chế thu hút sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật tham gia hỗ trợ công tác này… Việc tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư tham gia Chương trình còn mang lại lợi ích về lâu dài: tạo thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; đội ngũ luật sư có điều kiện để nâng cao nghiệp vụ và hoạt động chuyên sâu; những điều này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển thị trường dịch vụ pháp lý và từng bước nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp, đây mới là mục tiêu cơ bản, quan trọng cần hướng tới.

Tám là, bản thân mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nêu cao ý thức chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, hiệp hội và địa phương để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Tích cực tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để nắm bắt thông tin pháp lý, tận dụng tối đa các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, RCEP...trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đây chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tóm lại, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới cần phải đổi mới cách làm, điều chỉnh các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bám sát xu thế và bối cảnh mới, đồng thời cần có sự chung tay của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương tổ chức đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương”, Đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Giang.

ThS. Nguyễn Thị Giang.