Đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn

TS. Lâm Việt Dũng và nhóm nghiên cứu (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Trước thực trạng thị trường bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn hiện nay vẫn phát triển chậm và thiếu bền vững, trong khi lực lượng nòng cốt đảm nhiệm khâu phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng trên thị trường này chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn gặp nhiều khó khăn, vẫn chưa phát huy được hết vai trò, khả năng của mình,… nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn.

Từ khóa: Thị trường bán lẻ hàng hóa, khu vực nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân phối bán lẻ hàng hóa.

1. Đặt vấn đề

Khu vực nông thôn hiện nay có khoảng 70% dân số sinh sống, chiếm trên 60% tổng GDP và có số lượng người tiêu dùng nhiều gấp hơn 2 lần khu vực thành thị. Sự gia tăng nhu cầu mua bán, tiêu dùng của dân cư trên địa bàn nông thôn đã và đang mang lại cơ hội phát triển thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là về phương diện tổ chức thị trường, cung ứng hàng hóa, thị trường bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn hiện nay vẫn phát triển chậm và thiếu bền vững. Trong khi đó lực lượng nòng cốt đảm nhiệm khâu phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng trên địa bàn thị trường này chính là các DNNVV vẫn chưa phát huy được hết khả năng và vai trò; còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, tiếp cận các ưu đãi từ cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô, cũng như những hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước trong hoạt động kinh doanh ở khu vực địa bàn này.

Để giải quyết những vấn đề trên, nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn” đã tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn, như: hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thủ tục hành chính thuế), chế độ kế toán; hỗ trợ công nghệ (nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp); hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,... Đồng thời, căn cứ Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển các loại hình dịch vụ, hoạt động hỗ trợ kinh doanh hàng hóa, nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ vừa tại khu vực nông thôn.

2. Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa trên địa bàn nông thôn

2.1. Các giải pháp chung

Các giải pháp chung để phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa bao gồm:

Thứ nhất, đề xuất nhóm giải pháp xây dựng cơ chế quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa (bao gồm xây dựng các qui chế quản lý dịch vụ; Phân cấp quản lý đối với hoạt động dịch vụ; Đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngành dịch vụ).

Thứ hai, đề xuất nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ (bao gồm giải pháp hình thành và phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ trên địa bàn nông thôn; Giải pháp phát triển các cơ cấu tham gia hoạt động dịch vụ; Giải pháp tăng cường các liên kết trong hoạt động dịch vụ; Đa dạng hóa các phương thức cung ứng dịch vụ).

Thứ ba, đề xuất nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức đối với việc phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa.

2.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng của các dịch vụ hỗ trợ các DNNVV trong hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa khu vực nông thôn

- Nhóm giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức cung ứng dịch vụ.

Tính chuyên nghiệp của các tổ chức cung ứng dịch vụ thể hiện ở: Trình độ công nghệ của nhà cung cấp, hệ thống thiết bị kỹ thuật cung cấp dịch vụ, khả năng chuyên môn của các cán bộ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức và tính hiệu quả của mạng lưới cung cấp dịch vụ và cuối cùng là chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu của dịch vụ đối với người sử dụng, hay là giá trị gia tăng của doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ. Do vậy, để nâng cao được tính chuyên nghiệp của các tổ chức cung ứng dịch vụ, phải tập trung nâng cao chất lượng của các yếu tố trên. Trước mắt, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Có chính sách thuế ưu đãi nhập khẩu các máy móc, thiết bị và công nghệ phục vụ các hoạt động dịch vụ trên địa bàn nông thôn; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ và cung ứng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hoá trên các địa bàn nông thôn.

Nhà nước hỗ trợ nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của các cán bộ làm việc trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa ở khu vực nông thôn. Kết hợp các chương trình, dự án hỗ trợ của nước ngoài với các chương trình nâng cao năng lực cán bộ trong nước, mở rộng ra khối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn khu vực nông thôn.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn khu vực nông thôn có điều kiện phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ tiếp cận đến từng đối tượng sử dụng dịch vụ.

- Nhóm giải pháp sử dụng marketing dịch vụ để phát hiện và đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ.

- Nhóm giải pháp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ.

Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa có những đặc tính riêng khác với hàng hoá như tính vô hình, tính không đồng nhất... Do vậy, việc đánh giá và quản lý chất lượng của các dịch vụ cũng có nhiều điểm khác biệt và phức tạp hơn so với của hàng hóa. Cũng giống như sản xuất và kinh doanh hàng hóa, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ cho thấy tính chuyên nghiệp và trình độ cung cấp dịch vụ ở mức nào. Cần quán triệt một quan điểm là kinh doanh dịch vụ ở những địa bàn nông thôn càng cần được quan tâm phát triển một cách cơ bản, đồng bộ có tính hệ thống và tính qui chuẩn nhất định. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nông thôn cũng cần quán triệt tư tưởng này trong hoạt động kinh doanh của mình. Để làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ phù hợp, đạt tiêu chuẩn trong nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn nông thôn trong việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành phù hợp với điều kiện và xu thế phát triển của các địa phương cũng như các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa trên các địa bàn này.

- Nhóm giải pháp khai thác và nâng cao hiệu quả hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức dịch vụ quốc tế để phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa khu vực nông thôn nước ta.

2.3. Giải pháp phát triển một số loại hình dịch vụ hỗ trợ cụ thể

Thứ nhất, đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ tài chính tín dụng bao gồm:

Thủ tục cho vay cần được rà soát lại và các bước vay vốn cần được đơn giản hóa và chuẩn hóa để có thể giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay.

Cung cấp nhiều thông tin về các cơ hội tín dụng và tư vấn cho DNNVV về việc sử dụng vốn, giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả đồng vốn và tạo lợi nhuận.

Thứ hai, đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ đại lý mua, bán hàng hóa bao gồm:

Phát triển đa dạng sự tham gia của các chủ thể tham gia kinh doanh dịch vụ đại lý mua, bán hàng hóa.

Tăng cường sự liên kết giữa các chủ thể kinh doanh dịch vụ đại lý mua, bán hàng hóa.

Thứ ba, đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ nghiên cứu thị trường bao gồm: Hình thành và phát triển hệ thống cung cấp thông tin, dự báo thị trường; Đa dạng hóa nội dung nghiên cứu thị trường; Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thị trường; Phát triển mạng lưới cung cấp thông tin; Nâng cao vai trò của các cơ quan Nhà nước trong công tác nghiên cứu thị trường và cung cấp thông tin, dự báo thị trường; Nhà nước hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nghiên cứu thị trường tại khu vực nông thôn. 

Thứ tư, đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ tư vấn bao gồm: Qui định và chính sách cụ thể về hỗ trợ, đào tạo cho các công ty tư vấn và chuyên gia tư vấn (Chính sách sử dụng chuyên gia tư vấn đối với các địa bàn nông thôn, qui định về quyền và nghĩa vụ của nhà tư vấn, chính sách đào tạo chuyên gia tư vấn, chính sách hỗ trợ tư vấn cho các địa bàn nông thôn còn nhiều khó khăn, chính sách đa dạng hóa sở hữu, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia hoạt động tư vấn, chính sách tài chính hỗ trợ phát triển dịch vụ tư vấn trên địa bàn nông thôn như chính sách thuế, tín dụng, nộp quĩ của các tổ chức...); Chuyên môn hóa các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn; Đa dạng hóa hình thức tư vấn; Hình thành và phát triển mạng lưới tư vấn; Các tổ chức tư vấn Nhà nước phải đóng vai trò quyết định trong hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn cho địa bàn nông thôn.

Thứ năm, đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ kho dự trữ, bảo quản bao gồm: Xây dựng hệ thống kho dự trữ, bảo quản ở các cụm xã, thôn, bản; Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kho dự trữ, bảo quản nông - lâm sản; Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ bảo quản hàng hóa phù hợp với đặc điểm sản xuất và khí hậu của từng vùng, từng địa phương; Hỗ trợ một phần chi phí thuê kho, chi phí bảo quản cho nông dân ở những vùng còn nhiều khó khăn.

Thứ sáu, đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận chuyển và giao nhận bao gồm: Đầu tư cải tạo hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, liên bản, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất hàng hóa qui mô vừa và nhỏ tại các địa bàn nông thôn; Xây dựng mô hình vận chuyển, giao nhận từ trung tâm đến tận địa bàn sản xuất của người dân; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận trên địa bàn khu vực nông thôn.

Qua phân tích, đánh giá thực trạng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa ở khu vực nông thôn giai đoạn 2013 - 2017, nhóm nghiên cứu nhận thấy DNNVV hoạt động trong lĩnh vực trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như:

- Khó khăn trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng chính thức.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp còn gặp nhiều khó khăn (thông qua tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV).

- Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng thương mại nông thôn còn chậm so với yêu cầu.

- Mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn không hợp lý khi ở mức tương.

- Doanh nghiệp dễ gặp nhiều rủi ro khi không được hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường hàng hóa tại khu vực nông thôn.

- Nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động Xúc tiến thương mại và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, để hỗ trợ cho DNNVV nói chung và DNNVV trong lĩnh vực phân phối hàng hóa tại khu vực nông thôn để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn nhiều hạn chế, không ổn định trong khi nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều.

Trong đó, có nguyên nhân do cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn, kết hợp với phân tích xu hướng cũng như kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ DNNVV hoạt động trong lĩnh vực trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các mục tiêu, quan điểm và định hướng và những giải pháp chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn đến năm 2025.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Bên cạnh đề xuất những giải pháp hỗ trợ DNNVV, nhóm nghiên cứu có những kiến nghị, đề xuất cụ thể như sau:

- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, để có căn cứ pháp lý cụ thể hỗ trợ hiệu quả DNNVV tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong thời gian tới.

- Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có Chương trình hành động cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV.

- Kiến nghị các Bộ, ban, ngành và các DNNVV phân phối bán lẻ hàng hóa tiếp tục chủ động cùng Bộ Công Thương tổ chức, triển khai các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa (chương trình cấp vùng), nhằm hỗ trợ hàng hóa của DNNVV hiện diện tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và truyền thống.

 - Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh triển khai Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 về hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực  cho DNNVV, nhằm hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh, đào tạo trực tiếp tại DNNVV; tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên phương tiện thông tin đại chúng cho DNNVV; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hướng dẫn Quy chế hoạt động của mạng lưới tư vấn viên (tổ chức và cá nhân làm dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hàng hóa; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ tư vấn của mạng lưới tư vấn viên thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP), nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các DNNVV trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2010), Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010).
  2. Bộ Công Thương (2014), Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014).
  3. Nguyễn Thanh Bình (2012), Luận án Tiến sỹ “Hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.
  4. Phạm Hồng Tú (2012), Luận án Tiến sỹ “Phát triển thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020”.
  5. Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương (2012), Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu ở nước ta”.
  6. Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương (2014), Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu chính sách đẩy mạnh hàng Việt Nam về nông thôn”.
  7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Báo cáo của Chính phủ về Kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  1. Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội (2017), Báo cáo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển có hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020”.
  2. Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương (2018), Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp phát triển thị trường bán lẻ vật tư nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam”.
  3. Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chủ yếu vào thị trường phân phối”.
  4. Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (2018), Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu định hướng và giải pháp phát triển thương mại bán lẻ của Việt Nam thời kỳ đến năm 2030”.
  5. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề số 15 “Đổi mới phương thức hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam”.
  6. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017.
  7. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  8. Chính phủ (2019), Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  9. Nielsen (2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo nghiên cứu về nông thôn Việt Nam.

Solutions to support SMEs which are specialized in distributing goods in rural areas

Ph.D Lam Viet Dung

Department of Domestic Markets, Ministry of Industry and Trade

Abstract:

The growth of retail market in rural areas of Vietnam is still slow and usustainable, meanwhile small and medium-sized enterpires (SMEs) which play a key role in distributing goods to consumers in rural areas have faced many difficulties, hindering their abilities. Based on this current situation, this research proposes a number of solutions to support SMEs which are specialized in distributing goods in rural areas.

Keywords: Retail market, rural areas, small and medium-sized enterprises, retail and goods distribution.