Đề xuất quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
chat luong hang hóa
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Triển khai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được sửa đổi, bổ sung; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 có nhiều quy định mới và thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới nội dung quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Do đó, Bộ KH&CN đã xây dựng dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (dự thảo Thông tư) thay thế Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN.

Theo dự thảo, phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phân loại như sau:

Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được người có thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm tra theo kế hoạch này không cần báo trước cho chủ sở hữu hàng hóa.

Kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa trên thị trường. Căn cứ để quyết định kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường:

a) Theo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa;

c) Thông tin, cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về hàng hóa không bảo đảm chất lượng có nguy cơ đe dọa an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường;

d) Kết quả khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa. Một trong những nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa là thông tin về hàng hóa: Kiểm tra nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy thể hiện trên hàng hóa; kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá theo quy định pháp luật; các thông tin khác liên quan đến chất lượng thể hiện trên hàng hoá.

Về chất lượng, kiểm tra điều kiện bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc trên nhãn hàng hóa; kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tài liệu kèm theo; kiểm tra các nội dung khác liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Trong trường hợp cần lấy mẫu hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu theo quy định.

Đối với hàng hoá kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, ngoài kiểm tra theo quy định, người có thẩm quyền kiểm tra tiến hành kiểm tra so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế của hàng hoá được kiểm tra.

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nội dung, trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

 Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đối tượng quản lý

a) Hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam.

b) Hàng hóa sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng kiểm tra quy định tại Thông tư này.

Thanh Xuân