Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp; Chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp; Trách nhiệm của địa phương; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp.