Dệt may, da giày bắt đầu tìm lại quỹ đạo tăng trưởng

Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng Bộ Công Thương nhận định tín hiệu thị trường đối với 2 ngành này đã dần hồi phục.

Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may, da giày trong quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. 

Việc các nước liên tục đưa vaccine phòng Covid-19 vào tiêm cho người dân cũng đã tăng niềm tin, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may, da giày tăng trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.

Báo cáo Quý I/2021 của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất ngành dệt tính chung 3 tháng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 5,3% so với cùng kỳ); chỉ số sản xuất trang phục tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 0,1%). 

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 143 triệu m2, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 266,3 triệu m2, tăng 2,5% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.077,5 triệu cái, tăng 1,3%. 

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng dệt và may mặc quý I/2021 cũng tăng trở lại dù tốc độ còn khá khiêm tốn so với các mặt hàng khác, với mức tăng 1,1%, đạt 7,18 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giầy, dép da 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 64,2 triệu đôi, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 4,74 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Thy Thảo