Dệt May một năm vượt bão về đích “ngoạn mục”

Công bố trong buổi họp báo vào chiều ngày 23/12/2021, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid–19 nhưng ngành Dệt May Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt trong năm 2021.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Theo Vinatex, Dệt May Việt Nam giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2020.

Đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt dẫn dắt các giải pháp chung của Ngành, Vinatex cho biết trong năm 2021 hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn được duy trì hiệu quả. Cụ thể Tập đoàn có doanh thu và lợi nhuận hợp nhất ước đạt hơn 16.436 tỷ đồng (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước) trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng bằng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước (đạt 170% kế hoạch )…

Nhà máy Sợi 2 của Vinatex
Sợi có một năm thành công góp phần đáng kể vào kết quả SXKD ấn tượng của Vinatex. 

Nổi bật trong đó là các doanh nghiệp ngành Sợi với mức tăng trưởng ngoạn mục cả về doanh thu và lợi nhuận, qua đó đóng góp vào kết quả SXKD ấn tượng của Vinatex, hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn. Trong năm 2021, Vinatex đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy sợi mới là Nhà máy Sợi 3, (Công ty CP Sợi Phú Bài, có quy mô 32.000 cọc sợi hoạt động từ tháng 6/2021) và Nhà máy Sợi 2 (Công ty CP Vinatex Phú Hưng, có quy mô 22800 cọc sợi, hoạt động từ tháng 10/2021), đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do (CPTPP, EVFTA), gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Thích ứng linh hoạt bảo toàn lực lượng lao động

Tại sự kiện ông Cao Hữu Hiếu Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết năm 2021 thực sự khó khăn với ngành Dệt May, nhất là những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam khi phải thực hiện hiện giãn cách.

Quý 3/2021 nhiều doanh nghiệp ở 19 tỉnh phía Nam, trọng điểm là khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hạn chế số lượng lao động làm việc trực tiếp… chuỗi sản xuất gần như đứt gãy nên đã xảy ra tình trạng không đảm bảo tiến độ giao hàng, bị phạt hợp đồng, một số khách hàng chuyển đơn hàng sang thị trường khác, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Việc phải hỗ trợ lao động ngừng việc đã làm cho các doanh nghiệp May ở phía Nam mất một khoản chi phí khá lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả DN…

Hơn thế, tại thời điểm đó công nhân bị nghỉ việc 3 tháng nên đã về quê, nhưng tỷ lệ sẵn sàng quay trở lại sản xuất thấp (theo khảo sát nhanh vào tháng 10/2021, ở một số doanh nghiệp lượng công nhân sẵn sàng quay lại làm việc ngay từ ngày đầu mở cửa ở mức dưới 50% lượng công nhân).

Tuy nhiên theo chia sẻ của Vinatex bên cạnh các giải pháp thích ứng linh hoạt chế độ đãi ngộ, giành sự quan tâm tốt nhất, coi người lao động là tài sản của doanh nghiệp, đầu Quý 4 năm nay, khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở trong khi các doanh nghiệp khác tỷ lệ lao động quay lại không cao thì Ngành đã lấy lại được gần như toàn bộ người lao động, nhiều đơn vị đạt đến 90% lao động quay lại doanh nghiệp đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp các doanh nghiêp bứt tốc về đích.

Qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương từ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đến doanh nghiệp thành viên thông qua hình thức tuyên truyền sáng tạo như qua kênh phát thanh của công đoàn, phổ biến trong chào cờ, trong giờ nghỉ tại từng phân xưởng sản xuất. Nhờ đó, nhìn chung giữ được tinh thần tốt cho người lao động, làm việc vất vả hơn nhưng lại có năng suất cao hơn, kỷ luật lao động tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm thấp hơn bình quân các năm trên 30%.

Theo chia sẻ của ông Hiếu tại sự kiện đến nay các DN may đã có đơn đến Quý 1 sang năm thậm trí nhiều đơn vị có đơn đến Quý 2, đây là những tín hiêu đầy lạc quan với Dệt May trong năm 2022.

Với những kết quả ấn tượng năm 2021 (đặc biệt là sự thành công của ngành Sợi, tạo ra lợi thế về chuỗi liên kết), Vinatex cho biết sẽ cùng các đơn vị thành viên tiếp tục phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang. Mục tiêu giai đoạn 2022-2025 của Ngành là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín.

Bên cạnh các giải pháp đồng bộ Vinatex cho biết sẽ tập trung chuyển đổi số, tiến tới Công ty mẹ và toàn bộ các đơn vị chi phối cùng chung một môi trường số hóa quản trị toàn bộ hoạt động, coi đây là chìa khóa để đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược giai đoạn 2022-2025. Đồng thời hoàn thiện quy trình quản trị theo nhóm ngành, phát huy vai trò của các Ban SXKD, Sợi, Vải, May

Vinatex cũng cho biết có chiến lược tập trung vào các sản phẩm khác biệt hóa, thị trường ngách, các sản phẩm tiện dụng chi phí thấp, sản phẩm xanh thân thiện môi trường sản phẩm tái chế …

công đoàn Dệt May hỗ trợ đi chợ hộ cho người lao động tại Tp Hồ Chí Minh
Cán bộ Công đoàn các doanh nghiệp dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh "đi chợ" giúp người lao động. Ảnh: CĐN

Công đoàn luôn sát cánh bên người lao động

Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết năm 2021 ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, NLĐ trong hệ thống với 49 doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng trực tiếp (32 DN thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 15.267 NLĐ, 17 DN phải tạm ngừng sản xuất); 12 NLĐ tử vong 6.300 NLĐ là F0; hơn 35 nghìn lao động ngừng việc từ 2-2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, cánc ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất, DN phải chịu nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ”…

Trong bối cảnh này Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết đồng hành cùng DN với tổng mức hỗ trợ hơn 34,9 tỷ đồng (bao gồm: Hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch; trợ cấp cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ chăm lo bữa ăn ca; hỗ trợ “Gói an sinh công đoàn” cho NLĐ…). Ngoài ra trong giai đoạn người lao động nghỉ việc Hệ thống Công đoàn, đoàn thể trong các đơn vị trong Ngành vẫn liên hệ, động viên người lao động, tổ chức cứu trợ, giúp đỡ… Đây chính là điều kiện tiên quyết để toàn Ngành có thể thực hiện thành công mục tiêu kép

 

Pvi