Dệt may Việt Nam tìm cách đối phó với rào cản phi thuế quan

Việc ký kết các FTA mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì các biện pháp phi thuế (NTMs) lại đang tạo ra thách

Nguy cơ từ hàng rào phi thuế quan

Sáng 11/4/2018, buổi “Đối thoại Công-Tư APEC về Tăng cường hiểu biết các biện pháp phi thuế quan trong ngành dệt may” đã được diễn ra nhằm nâng cao hiểu biết chung về NTMs, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới NTMs, hướng tới thúc đẩy thương mại quốc tế.

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá cao việc APEC đã có nhiều nỗ lực tạo thuận lợi cho tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy các hoạt động liên quan đến NTMs, trong đó có hoạt động hỗ trợ nhằm giảm chi phí cho ngành dệt may trong khu vực APEC.

Khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì NTMs đang tạo ra thách thức đối với ngành dệt may - Thứ trưởng Khánh nhận định

Theo Thứ trưởng, dệt may hiện đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu với giá trị lên đến gần 3 nghìn tỷ USD và chiếm khoảng 2% tổng GDP toàn cầu. Theo thống kê của Bộ Công Thương, lĩnh vực dệt may tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 60 triệu lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại đang diễn ra, các hiệp định thương mại tự do (FTAs) ngày càng phổ biến dẫn tới việc giảm dần thuế quan và loại bỏ hạn ngạch, các nền kinh tế đang phát triển có định hướng phát triển ngành dệt may sẽ được hưởng lợi từ FTAs.

“Tuy nhiên, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì NTMs đang tạo ra thách thức đối với ngành quan trọng này”, Thứ trưởng Khánh nhận định.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, NTMs là không thể thiếu cho phát triển kinh tế bền vững nhằm phục vụ các mục tiêu chính sách của chính phủ. Nhưng, NTMs có thể làm tăng chi phí và gây trở ngại cho thương mại và phát triển kinh tế, đặc biệt gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính, chi phí cho NTMs mà các doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực APEC phải bỏ ra cao gấp 3 lần so với thuế quan. Mặc dù hầu hết NTMs đều được áp dụng chung cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước nhưng NTMs có ảnh hưởng khác nhau đến các nền kinh tế và ngành hàng xuất khẩu khác nhau. Các nền kinh tế có thu nhập thấp có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước có thu nhập cao vì chi phí cho NTMs thường cao hơn.

“Việc giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến NTMs trong ngành dệt may là mối quan tâm lớn của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển bởi nó đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Khánh cho biết.

Việc giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến NTMs trong ngành dệt may là mối quan tâm lớn của nhiều nền kinh t

Cùng quan điểm với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, bà Ngô Lê Chi - Chuyên gia phân tích thương mại của Tổ chức Liên hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, trong lĩnh vực dệt may, hiện nay 90% lượng hàng xuất khẩu là đưa vào các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các FTA.

Chẳng hạn chúng ta đã xuất 64,7% lượng hàng xuất khẩu dệt may vào khối TPP; riêng Mỹ là 48%, Nhật Bản 12%, EU 15%, Hàn Quốc 10%... Việc ký kết các FTA được kỳ vọng sẽ mang đến khả năng bứt phá mạnh mẽ cho ngành dệt may khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, rào cản thương mại ngày càng tăng không phải là từ thuế quan mà là từ các biện pháp phi thuế quan.

Bà Chi khẳng định, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước. Trong đó, 3 công cụ phòng vệ thương mại được các nước áp dụng chủ yếu là: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

“Đây cũng được coi là “bộ ba” ngoại lệ trong quy định của WTO về tự do hóa thương mại quốc tế. Chống bán phá giá là công cụ được sử dụng nhiều nhất trong các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, thường được áp dụng bởi các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, EU… Trong khi đó các biện pháp tự vệ lại chủ yếu được thực hiện bởi các quốc gia đang phát triển, nhằm bảo vệ nền sản xuất còn yếu trong nước của mình” bà Chi nhấn mạnh.

Việt Nam thích ứng với NTMs - kinh nghiệm từ thế giới

Là một quốc gia đang phát triển, ngoài cơ hội, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Theo xu hướng chung, hiện nay việc sử dụng các hàng rào phi thuế quan nhằm bảo vệ thị trường nội địa cũng trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Có thể thấy, việc quan sát kinh nghiệm của các quốc gia khác đã mang lại những bài học có giá trị cho Việt Nam, chuyên gia phân tích Ngô Lê Chi chia sẻ.

Buổi Đối thoại nhằm mục đích nâng cao hiểu biết chung về NTMs, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới NTMs của thế giới và Việt Nam

Cụ thể, theo bà Chi, từ EU, Việt Nam có thể học tập trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật với 5 tiêu chuẩn của sản phẩm bao gồm: tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động.

Nếu Việt Nam có thể áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn này, tình trạng những hàng hóa có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, những hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ không còn tràn lan trên thị trường như hiện nay.

Bên cạnh đó, giấy phép nhập khẩu và phân bổ hạn ngạch là bài học mà Việt Nam có thể học được từ kinh nghiệm của Nhật Bản. Với một số mặt hàng nhất định, các doanh nghiệp chỉ có thể được nhập khẩu nếu được cấp giấy phép sau khi được cơ quan chủ quản tính toán và phân bổ hạn ngạch.

Đây là cách làm mang tính quản lý hành chính nhưng lại hiệu quả trong trường hợp nhập khẩu các mặt hàng nhạy cảm hoặc các mặt hàng ảnh hưởng nhiều đến nhà sản xuất trong nước.

Với ngành dệt may khi gặp phải các rào cản kỹ thuật trên, ngành cũng phải tìm ra các giải pháp để chuyển đổi sang các thị trường có điều kiện tốt hơn. “Việc phòng vệ ở đây là giải pháp của cơ quan nhà nước, còn với các doanh nghiệp thì phải chuyển dịch cơ cấu ngay lập tức để không bị phụ thuộc một thị trường”, bà Ngô Lê Chi nhấn mạnh.

Tiếp nối quan điểm, bà Chi cũng chia sẻ thêm, để thích ứng với NTMs, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam cũng cần chú trọng tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu, mẫu mã, đặt phương châm nâng cao chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Một doanh nghiệp có thương hiệu tốt là một doanh nghiệp uy tín trong lòng người tiêu dùng, do vậy việc xây dựng thương hiệu cần được các doanh nghiệt dệt may Việt Nam chú trọng xây dựng và phát triển. Cùng với việc xây dựng và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Hoàng Hòa