Điện Biên đánh thức tiềm năng ngành “công nghiệp không khói”

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu văn hóa, đưa Điện Biên trở thành địa phương có hệ thống di sản văn hóa phong phú, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Bức tranh đa sắc

Nhắc đến Ðiện Biên, không chỉ du khách trong nước mà du khách cả thế giới biết đến với cuộc chiến tranh “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ðiện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau, là nơi để du khách đến tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

Hệ thống di sản văn hóa vật thể của Điện Biên gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đó là các thửa ruộng bậc thang gắn với hệ thống mương - phai - lái - lín (hệ thống tưới tiêu nổi tiếng của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc); không gian văn hóa của các bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát được trang trí bởi khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người dân tộc Thái) đa dạng về kiểu dáng.

Ở khu vực rẻo cao của huyện Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo, người Hmông khéo léo dựng các nếp nhà trình tường có kiến trúc độc đáo bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng rẻo cao. Ở vùng biên giới giáp Lào, các bản của người Khơ-mú với các nếp nhà nằm sát cạnh nhau. Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục đã góp phần làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa các tộc người.

Hệ thống di sản văn hóa vật thể của Điện Biên gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Điện Biên cũng có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian… thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân vùng núi rừng, biên cương. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, Tết Nào pê chầu của người Hmông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng), Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)…

Đặc biệt, Ðiện Biên có nhiều danh lam thắng cảnh, suối khoáng nóng, hồ nước rộng lớn, cánh rừng nguyên sinh. Điểm nhấn của du lịch Điện Biên là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi có bức tranh panorama lớn nhất thế giới “Trận chiến Điện Biên Phủ”. Bức tranh thể hiện các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ... là điều kiện thuận lợi để phát triển “ngành công nghiệp không khói” trong thời gian gần.

Với tiềm năng, lợi thế đó mà lượng khách du lịch đến Điện Biên ngày càng một tăng, nhất là du khách quốc tế. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, đạt gần 3 triệu lượt, tăng 52% so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó khách quốc tế đạt 437.800 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015; góp phần giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 6.000 lao động trực tiếp. Dự ước tổng lượng khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 329.958 lượt, đạt 36,26% kế hoạch. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 540,6 tỷ, đạt 41,58% kế hoạch.

Hồ Pá Khoang, điểm đến ưa thích của du khách

Thời gian qua, tỉnh cũng đã từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với lợi thế và tiềm năng của tỉnh như: Du lịch lịch sử; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái - khám phá; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng… Cùng với đó, các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch khác như, du lịch biên giới, du lịch thương mại, du lịch trải nghiệm cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại địa phương.

Đưa du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn

Sự phong phú của hệ thống di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, một mặt, tạo nên một không gian văn hóa Điện Biên vô cùng đặc sắc; mặt khác, đóng góp quan trọng vào sự đa dạng của văn hóa Việt Nam và sự phát triển du lịch - ngành công nghiệp “không khói” được xác định là mũi nhọn phát triển của tỉnh Điện Biên.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Khu di tích lịch sử Đồi A1

Nghị quyết xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, bao gồm: Nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại Điện Biên từ 3 ngày trở lên; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15%/năm. Đến năm 2030, nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 14%/năm.

Riêng trong năm 2021, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ lập, trình phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường quảng bá và kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát; tăng cường tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước, trọng tâm là tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên tại Hà Nội năm 2021”; triển khai các hoạt động hợp tác đối ngoại với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan. Từng bước đưa du lịch Điện Biên phát triển bền vững.

Phạm Ân