Điện Biên: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngành du lịch Điện Biên đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua và đang hướng tới là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những năm qua ngành du lịch Điện Biên có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu đã xây dựng thương hiệu du lịch, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Điện Biên đón 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015.

Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 215 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.954 buồng/5.139 giường, 11 bản văn hóa có khả năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch, 04 homestay, 16 điểm vui chơi, giải trí có khả năng phục vụ cùng lúc 83.000 lượt khách, có trên 120 nhà hàng có quy mô phục vụ cùng lúc từ 100 đến 1.300 khách.

Hoạt động du lịch đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân có những thay đổi, chuyển biến theo hướng tích cực; không gian phát triển du lịch được mở rộng; một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác thu hút khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được chú trọng, hình thức quảng bá xúc tiến đa dạng, phong phú hơn, thông tin quảng bá đặc sắc, bước đầu ứng dụng được công nghệ thông tin trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, khách du lịch dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, kết nối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Điện Biên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ngành du lịch cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định như quy mô hoạt động du lịch của tỉnh còn nhỏ, số lượng khách đến Điện Biên có sự gia tăng qua từng năm nhưng chưa cao, thời gian lưu trú ngắn, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao.

Công tác lập, triển khai quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch còn chậm; công tác quản lý du lịch còn hạn chế chưa ban hành được cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển du lịch; các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn ít về số lượng, yếu về năng lực.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá còn thiếu bài bản, hạn chế về quy mô và nguồn lực, công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo thị trường chưa thật đầy đủ; công tác xã hội hóa các hoạt động du lịch còn khó khăn; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong triển khai các hoạt động du lịch còn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Điện Biên cả về phạm vi, quy mô, tính chất, đảm bảo hiệu quả, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung các nguồn lực đầu tư, xây dựng, phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng Điện Biên trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng trung du miền núi phía Bắc. Là điểm đến quan trọng, điểm kết nối phát triển du lịch giữa các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan với các tỉnh Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam và tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Điện Biên phấn đấu năm 2025 đón 1.300.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 300.000 lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 2.400 tỷ đồng, đóng góp khoảng 7,3% GRDP bình quân của tỉnh, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 15.200 lao động. Đến năm 2030, đón 2.000.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 400.000 lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 5.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh; tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 25.000 lao động.

Hoàng Lâm