Điện Biên: Khai thác các thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP

Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đã đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng định hình thương hiệu, chất lượng sản phẩm thế mạnh của địa phương, tạo động lực để Điện Biên đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tỉnh Điện Biên có nhiều sản phẩm thế mạnh đặc trưng như: dệt thổ cẩm, mây tre đan… có các vùng sản xuất chuyên canh: gạo, cà phê, cao su, mắc ca, chè… Nhằm khai thác có hiệu quả những lợi thế trên, tỉnh Điện Biên xác định, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm của Chương trình là nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm; xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại.

Cây Mắc ca ở huyện Điện Biên

Sau khi khảo sát, thu thập thông tin các sản phẩm thế mạnh để quy hoạch hướng phát triển và xây dựng đề án triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Điện Biên đã xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực để thực hiện chương trình gồm: Thực phẩm (gồm đồ uống, thảo dược, vải và may mặc) lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ và du lịch. Trong 6 nhóm, tỉnh lựa chọn 21 sản phẩm chủ lực để phát triển, như: gạo, mật ong, cà phê, chè …

Năm 2019, Ðiện Biên dự kiến xây dựng thành công 11 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, song ngay sau khi triển khai có tới 32 sản phẩm đăng ký xét duyệt. Kết quả là 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được Hội đồng tỉnh công nhận (vượt 15 sản phẩm so kế hoạch.... Trong số 26 sản phẩm được công nhận, có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống. Các huyện có sản phẩm được công nhận, gồm: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông…

Chè Tuyết shan ở huyện Tủa Chùa

Với kết quả sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP đã đem lại luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư, bởi từ nay họ hoàn toàn tự tin đưa sản phẩm thế mạnh của Ðiện Biên như: Rượu Mông Pê, chè Tủa Chùa, sản phẩm mây tre đan Nà Tấu, dệt thổ cẩm Na Sang, tảo xoắn ở Mường Ảng, cá nước lạnh,… hòa nhập thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế với các thông số, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn rõ ràng.

Sản phẩm Mây tre đan

Tuy nhiên, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại Điện Biên cũng gặp nhiều khó khăn do đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, phần lớn các sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu ở trong nước. Nhằm khai thác những tiềm năng lớn về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, tạo cho các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân…

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển làng nghề, sản phẩm đặc sản của nhiều địa phương trong cả nước. Đồng thời là giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sắc, truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh của các địa phương.

Lê Hoa