Điều gì đang khiến giá ngô, đậu tương toàn cầu tăng cao kỳ lục?

Tính từ đầu năm đến nay, giá ngô trên thị trường quốc tế đã tăng gần 48% và chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2013. Đà tăng của giá ngô đã kéo theo giá đậu tương và lúa mì tăng. Nguyên nhân do nguồn cung từ Brazil và Hoa Kỳ ở mức thấp, không theo kịp nhu cầu tăng lên của nhiều nước, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Tính từ đầu năm đến nay, giá ngô trên thị trường quốc tế đã tăng gần 48% và chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2013. Đà tăng của giá ngô đã kéo théo giá một số loại ngũ cốc khác như đậu tương và lúa mì tăng theo, với mức tăng khoảng 16% kể từ đầu năm đến nay.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung từ Brazil và Hoa Kỳ ở mức thấp, gây ra tình trạng thiếu hụt khi nhu cầu sử dụng của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc tăng cao. Ngô, đậu tương và lúa mì là ba loại nguyên liệu cơ bản dùng trong hoạt động chăn nuôi.

Sự tăng giá mạnh của giá ngô, đậu tương và lúa mì đang gây ra những thay đổi trong dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi và dự báo điều này sẽ kéo giá thịt gia súc, gia cầm tăng lên trong thời gian tới.

Câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay là liệu giá ngũ cốc sẽ còn tăng cao đến mức nào, đợt tăng giá lần này sẽ kéo dài trong bao lâu và điều gì đang thực sự thúc đẩy nhu cầu ngũ cốc trên thị trường?.

Mất mùa tại Brazil

Ông Arlan Suderman, trưởng ban phân tích thị trường hàng hoá tại tập đoàn tài chính StoneX (Hoa Kỳ), cho biết một trong những nguyên nhân chính đẩy giá ngô tăng cao liên tục trong thời gian qua là do thị trường lo ngại nguồn cung từ Brazil sẽ sụt giảm khi tình trạng hạn hán diễn ra diễn rộng ở đây. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ hai thế giới.

Khoảng 60% diện tích gieo trồng ngô vụ Đông (Safrinha, mùa vụ thứ hai trong năm) của Brazil hiện đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài trong vòng 2 tháng trở lại đây. Vụ Đông thường chiếm đến 75% - 80% tổng sản lượng ngô của nước này.

Dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Brazil cho thấy khoảng 44% diện tích canh tác ngô tại vùng Mato Grosso – khu vực gieo trồng ngô lớn nhất Brazil đối mặt các tác động tiêu cực của thời tiết. Tính đến ngày 29/4 vừa qua, diện tích ngô chịu tác động tiêu cực của thời tiết tại vùng Parana – khu vực canh tác ngô lớn thứ hai Brazil cũng đã tăng lên đáng kể.

Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) đã hạ dự báo sản lượng ngô của Brazil niên vụ 2020/2021 xuống mức 105 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với các dự báo trước đó. Trong khi đó, hãng tư vấn nông nghiệp AgRural (Brazil) dự báo sản lượng ngô sẽ chỉ đạt khoảng 103,4 triệu tấn. Một số dự báo khác thậm chí nhận định sản lượng ngô của Brazil sẽ ở dưới mức 100 triệu tấn do tình hình thời tiết bất lợi.

Giá ngô
 Diễn biến giá ngô trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) từ tháng 4/2018 đến nay (Ảnh: S&P Global Platts)

Trong tuần cuối cùng của tháng 4 vừa qua, giá ngô tại vùng Mato Grosso đã chạm mức cao kỷ lục 77,6 Real/kg (tương đương 237,83 USD/tấn), tăng 4,3% so với 1 tuần trước đó và tăng tới 108,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ngô tại nhiều khu vực khác của Brazil hiện cũng tăng khoảng 80% - 100% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Bên cạnh đó, Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil (CONAB) cho biết nông dân nước này đang có xu hướng tích trữ ngô thay vì bán ra với kỳ vọng giá ngô sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi tình trạng hạn hán được dự báo sẽ xảy ra tại khu vực miền Trung Brazil. Điều này khiến nguồn cung ngô từ Brazil trở nên căng thẳng hơn. Mức giá thu mua nội địa cao đã đẩy giá xuất khẩu ngô của Brazil tăng lên, kéo theo đó là giá ngô của Hoa Kỳ.

Vào đầu tuần này, Bộ Nông nghiệp Brazil đã quyết định kéo dài việc miễn thuế nhập khẩu ngô, đậu tương và dầu đầu nành đối với các quốc gia nằm ngoài Khối Thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR cho đến cuối năm nay nhằm giữ ổn định lạm phát trong nước trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc nội địa đẩy giá lượng thực tăng vọt.

Nhu cầu từ Trung Quốc tăng vọt

Một số chuyên gia nhận định giá ngô cũng như các loại ngũ cốc khác sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi nhu cầu của các quốc gia khác dần hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu ngô và đậu tương tại Trung Quốc đang gia tăng mạnh khi nông dân nước này bắt đầu tái đàn heo trở lại sau đợt dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2019. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy tổng số lợn nái sinh sản của nước này hiện đương đương 95% mức cuối năm 2017 – thời điểm trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra; trong khi đó, đàn lợn hơi hiện ở mức trên 400 triệu con và sản lượng lợn hơi của nước này được nhận định đang trên đà phục hồi ổn định.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng khẳng định nếu tính đến các yếu tố như sản lượng lợn hơi sớm phục hồi, số lượng lợn con... dự kiến ​​số lượng lợn hơi xuất chuồng trong nửa đầu năm nay sẽ tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các dự báo trước đây đều đánh giá thấp nhu cầu nhập khẩu ngô và đậu tương của Trung Quốc. Ông Peter Meyer, trưởng ban phân tích ngũ cốc và dầu thực vật thuộc hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts, cho biết “Mới 6 tháng trước đây, hầu như không có ai quan tâm đến việc nhập khẩu ngô của Trung Quốc nhưng giờ đây các doanh nghiệp nước này đang ồ ạt thu mua ngô của Hoa Kỳ”.

Trong báo cáo tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong niên vụ 2020/2021 lên mức cao kỷ lục 28 triệu tấn. Trước đó, vào tháng 10/2020, USDA chỉ dự báo tổng lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu trên toàn cầu sẽ chỉ ở mức 7 triệu tấn. USDA cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngô trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục kéo dài, do đó giá ngô sẽ còn neo ở mức cao trong thời gian tới.

Ông Peter Meyer cũng cho biết lượng lúa mì được Trung Quốc nhập khẩu trên toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 ước đạt 10,5 triệu tấn, gần gấp đôi với các dự báo trước đó. Lượng đậu tương được nước này nhập khẩu trong niên vụ 2020/2021 dự báo tăng nhẹ 1,5% so với niên vụ trước, lên mức 100 triệu tấn.

Bên cạnh đó, việc ngành nhà hàng khách sạn tại nhiều nơi trên thế giới bắt đầu phục hồi, hoạt động trở lại đã kéo theo nhu cầu về tiêu thụ thịt, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc.

Quang Đặng