Điều gì khiến Anh đệ đơn gia nhập hiệp định CPTPP?

Vào ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh đã chính thức đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy đâu là lý do chính khiến một quốc gia chỉ tiếp giáp với Đại Tây Dương lại muốn gia nhập vào một hiệp định thương mại gồm 11 quốc gia nằm ở nửa bán cầu phía bên kia?
Vương quốc Anh
 Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không phải là lý do duy nhất khiến Vương quốc Anh đệ đơn gia nhập Hiệp định CPTPP (Ảnh: The Financial Express)

Quyết định đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Vương quốc Anh được đưa ra chỉ sau thời gian ngắn nước này chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Hiệp định CPTPP hiện có 11 quốc gia, gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Trong số các quốc gia thành viên, Nhật Bản hiên là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và các nước khác cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.

CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do rộng lớn, với phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người, quy mô chiếm 13,5% tổng GDP toàn cầu. Các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình.

Trong năm 2020, tổng kim ngạch thương mại của Vương quốc Anh với các nước thành viên CPTPP là 110 tỷ bảng Anh. Con số này tuy không quá lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.400 tỷ bảng Anh của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, trong bối cảnh, trọng tâm kinh tế thế giới đang dịch chuyển về phía Đông, việc gia nhập khu vực kinh tế của 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều đối với Vương quốc Anh.  

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cho biết “Việc tăng cường thương mại với các nền kinh tế này (các quốc gia thành viên CPTPP), vốn có quy mô chiếm gần 9.000 tỷ bảng trong tổng GDP thế giới, sẽ là chìa khoá thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bằng cách tạo thêm việc làm và hỗ trợ tăng trưởng các lĩnh vực chủ chốt của nước Anh”.

Tuy nhiên, tờ báo Telegraph (Anh) nhận định tăng trưởng kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất của Vương quốc Anh khi đệ đơn gia nhập hiệp định CPTPP. Việc gia nhập hiệp định thương mại tự do khổng lồ này là một cách tiếp cận quan trọng để Vương quốc Anh tác động và định hình các chính sách thương mại quốc tế tốt hơn.

Tờ báo Telegraph dẫn một nguồn tin thuộc Chính phủ Vương quốc Anh cho biết “CPTPP là một bức tường thành thực sự quan trọng chống lại các hành vi không công bằng trong hệ thống thương mại toàn cầu và sẽ thực sự gây áp lực lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc cải cách”

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng việc gia nhập hiệp định CPTPP sẽ không đem lại các tác động tức thì với nền kinh tế Vương quốc Anh. Nền kinh tế của Vương quốc Anh dựa nhiều vào các ngành dịch vụ. Trong khi đó, hiệp định CPTPP không bao trùm nhiều lĩnh vực dịch vụ ngoài những điều khoản cam kết duy trì các quyền tiếp cận hiện tại và sẽ thảo luận về các mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, Giáo sư kinh tế học Alan Winters tại Đại học Sussex (Anh) cho biết: “Vương quốc Anh đã có các thỏa thuận thương mại với khá nhiều nước thành viên thuộc hiệp định CPTPP và mức độ tự do hoá thương mại trong khu vực CPTPP không đặc biệt lớn với nước Anh. Hiệp định CPTPP giúp xoá bỏ thuế quan đối với 95% dòng hàng hoá giữa các nước thành viên nhưng Vương quốc Anh hiện đã có thoả thuận với Nhật Bản giúp xoá bỏ thuế quan đối với 99% dòng hàng hoá trong vòng 10 năm”.

Tuy nhiên, việc trở thành thành viên của hiệp định CPTPP cũng mang lại một số lợi ích nhất định cho Vương quốc Anh hơn là việc theo đuổi các thỏa thuận riêng rẽ đối với từng quốc gia thành viên CPTPP.

Theo ông Sam Lowe, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Cải cách Châu Âu, tham gia CPTPP mang lại lợi ích lớn hơn việc có các thỏa thuận song phương riêng lẻ với từng nước thành viên đó là có thể sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các nước thành viên khác để đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và do đó có thể dễ dàng hơn trong việc được hưởng thuế quan bằng không.

Bên cạnh đó, việc gắn kết chặt chẽ hơn với khu vực Thái Bình Dương cũng có tiềm năng mang lại một số lợi ích gián tiếp cho nền kinh tế Vương quốc Anh. Theo ông Miles Celic, Giám đốc điều hành tập đoàn tài chính TheCityUK, việc trở thành thành viên CPTPP sẽ giúp Vương quốc Anh tiếp cận sâu rộng với các quốc gia đang phát triển nhanh. Đây cũng chính là những nơi cần sử dụng các dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên môn khác mà các doanh nghiệp Anh có thế mạnh.

Bà Allie Renison, trưởng ban chính sách EU và thương mại thuộc Viện Giám đốc (Anh) nhận định lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ tại Châu Á cũng có thể giúp cho Vương quốc Anh có vị thế thuận lợi để thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương hơn nữa.

Ngoài ra, tác động quan trọng nhất của việc gia nhập CPTPP có thể là sửa sai các định kiến về Vương quốc Anh. Ông Sam Lowe cho biết “Phần lớn thế giới xem sự kiện Brexit là một ví dụ cho thấy chủ nghĩa dân tộc đã chiến thắng trước xu hướng tự do. Việc gia nhập CPTPP sẽ chứng minh Brexit là quyết định độc lập và Vương quốc Anh vẫn ủng hộ các hoạt động thương mại dựa trên luật lệ”.

Quang Đặng (Tham khảo Telegraph)