Điều gì khiến cổ phiếu OCB có mạch tăng giá dài nhất lịch sử niêm yết?

Cổ phiếu OCB của Ngân hàng OCB đã có mạch tăng giá kéo dài 8 ngày liên tiếp, vượt trội so với đà tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng khác và cũng là nhịp lên giá dài nhất lịch sử niêm yết của chính cổ phiếu này.

Cổ phiếu OCB thiết lập mạch tăng giá dài nhất lịch sử niêm yết

Đóng cửa thị trường ngày giao dịch cuối tuần qua, mã cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB) tăng 0,5% lên 21.300 đồng/cổ phiếu; trở thành một trong số ít các mã cổ phiếu ngân hàng duy trì được “sắc xanh”.

Đáng chú ý, đây cũng là ngày thứ 8 liên tiếp ghi nhận cổ phiếu OCB tăng giá - thiết lập mạch tăng giá dài nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này trên sàn HoSE kể từ năm 2020. Cổ phiếu OCB cũng đã vượt cổ phiếu LPB và cổ phiếu HDB để trở thành cổ phiếu ngân hàng có chuỗi lên giá dài nhất trong cùng thời điểm.

Cổ phiếu OCB Ngân hàng OCB Tạp chí Công Thương
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu OCB của Ngân hàng OCB kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu OCB đã tăng 16%  - mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung, cùng với đó là thanh khoản cao đột biến so với thông thường cho thấy sức hút của mã cổ phiếu này đối với các nhà đầu tư.

Đà tăng của cổ phiếu OCB xuất hiện trong bối cảnh, vào ngày 21/9 tới đây, Ngân hàng OCB sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành (tỷ lệ 2:1) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu OCB sẽ được 01 quyền, cứ 02 quyền sẽ được nhận 01 cổ phiếu OCB mới. Với 1,369 tỷ cổ phiếu OCB đang được lưu hành trên thị trường hiện nay, Ngân hàng OCB dự kiến sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho đợt tăng vốn cổ phần lần này.

Sau phát hành, vốn điều của ngân hàng này sẽ tăng từ 13.699 tỷ lên 20.548 tỷ đồng. Đồng thời, cổ đông chiến lược nước ngoài Aozora Bank (Nhật Bản) sẽ vẫn là cổ đông lớn, nắm giữ 15% vốn cổ phần của Ngân hàng OCB.

Xem thêm: Lãi suất giảm, tỷ lệ hấp thụ căn hộ phục hồi, liệu thị trường bất động sản sắp “ấm lại”? trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngân hàng có tăng trưởng lãi ròng cao thứ 2 hệ thống

Ngân hàng OCB
Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng OCB ghi nhận tăng trưởng lãi ròng lên đến hơn 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng OCB ghi nhận tổng thu nhập thuần hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng lại lên tới hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai trong số các ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt nam.

Biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng này vào cuối quý 2/2023 được duy trì tại mức 3,8%, so với mức 3,9% của quý 1/2023 và mức 3,7% của quý 2/2022.

Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng OCB trong nửa đầu năm 2023 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, lên 884 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí hoạt động cũng được kiểm soát chặt chẽ nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu hoá vận hành. Theo đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của Ngân hàng OCB trong nửa đầu năm 2023 đạt 31,9%, so với mức 39,7% của nửa đầu năm 2022. Theo đánh giá mới đây của Vietcombank Securities (VCBS), Ngân hàng OCB hiện tại là một trong những ngân hàng có nền tảng công nghệ tốt tại Việt Nam.

Về chất lượng tài sản, VCBS cho biết, kết thúc nửa đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 3,2% (theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN và dựa trên Báo cáo tài chính của Ngân hàng OCB). Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhiều, chỉ còn đạt 47% vào cuối quý 2/2023, so với mức 59% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, nợ xấu trong riêng quý 2/2023 đã có tín hiệu giảm xuống. Theo ban lãnh đạo Ngân hàng OCB, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã đạt đỉnh trong quý 1/2023 và sẽ giảm dần trong thời gian tới.  

Quỳnh Trang