Điều hành cung ứng xăng dầu: Câu chuyện nhận diện vấn đề và thời điểm

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược bởi nó không chỉ phục vụ trực tiếp đời sống sinh hoạt của người dân mà còn là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy việc dự báo sớm, phân tích thị trường và đưa ra quyết sách kịp thời, “trúng vấn đề, đúng thời điểm” là cực kỳ quan trọng.

Năm 2020-2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm khá nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, bước vào giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu xăng dầu tăng nhanh. Tiếp đến là sự căng thẳng dẫn đến xung đột giữa Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng xăng dầu toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó một trong hai nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam là Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại cắt giảm công suất trong tháng 1/2022, đã đặt ra những vấn đề lớn về nguồn cung.  

Rõ ràng trong bối cảnh này, công tác dự báo sớm, lường trước các nguy cơ, rủi ro từ phía cơ quan quản lý nhà nước để điều hành kịp thời là rất quan trọng. Và Bộ Công Thương đã nhận diện đúng vấn đề để đưa ra những quyết định trúng đích vào đúng thời điểm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp khẩn chiều 9/2/2022 về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp khẩn chiều 9/2/2022 về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước

Linh hoạt để đảm bảo nguồn cung

Trước hết, để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, từ tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất tăng cường công suất hoạt động. Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tăng công suất hoạt động của nhà máy Dung Quất lên trên 105%, điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất hơn 15% so với kế hoạch ban đầu. Trong tháng 1 và tháng 2, Bình Sơn đã bán vượt 15% sản lượng cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng.

Đối với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, yêu cầu báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu đã đăng ký với Bộ Công Thương, cùng với đó là kế hoạch giao hàng theo các hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong Quý I/2022. Yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm nguồn hàng giao cho khách hàng theo các hợp đồng đã ký kết.

Về phía các đơn vị kinh doanh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOil, Xăng dầu quân đội,… đã nỗ lực trong chủ động tìm kiếm nguồn cung bổ sung và đảm bảo hệ thống phân phối ổn định đến tay người tiêu dùng. Được biết, lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường.

Tính riêng tháng 2/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đã đạt mức 1,45 triệu m3, tăng cao gấp 3 lần so với các tháng thông thường. Cùng với lượng tồn đầu tháng 1,3 triệu m3, lượng mua từ sản xuất trong nước, tồn kho gối đầu trong tháng 3 khoảng 1,6 - 1,8 triệu m3, nguồn cung xăng dầu cho thị trường từ các nguồn trong Quý I/2022 được bảo đảm khi nhu cầu trong nước được tính toán ở mức khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu - bao gồm cả trong nước và nhập khẩu
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu - bao gồm cả trong nước và nhập khẩu

Việc giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong Quý II/2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch mới đây cũng được đánh giá là một quyết sách phù hợp và kịp thời. Bởi lẽ khi nguồn cung trong nước bấp bênh, thì thúc đẩy nhập khẩu lúc này là hoàn toàn hợp lý, linh hoạt và bám sát thực tiễn. Hơn nữa, việc sớm ban hành quyết sách cũng giúp cho doanh nghiệp đầu mối có thời gian đàm phán, triển khai.

Trong đó, Bộ cũng yêu cầu rõ không chỉ tổng lượng nhập khẩu tăng thêm cả Quý, mà cả lượng nhập bổ sung của từng doanh nghiệp trong từng tháng 4, 5, 6, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5/2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022. Cách làm này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt tổng thể nguồn cung, hạn chế rủi ro thiếu hụt trong ngắn hạn.

Ổn định và lành mạnh hóa thị trường trong dài hạn

Khi thị trường có biến động về giá và nguồn cung, một số hiện tượng đã xuất hiện như đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn;…

Chia sẻ tại cuộc họp với Bộ Công Thương ngày 9/2/2022, đại diện Petrolimex cho hay doanh nghiệp nhất trí và ủng hộ quan điểm quyết liệt của lãnh đạo Bộ về vấn đề này, rằng dù những hiện tượng này chỉ xuất hiện rải rác ở một số địa phương, chưa trở thành phổ biến nhưng không thể chủ quan, bởi nó sẽ trở nên phổ biến nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ, nếu không xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Việc thành lập Đoàn kiểm tra là quyết định cần thiết và hợp lý.

Nhìn ra xa hơn, có thể lo lắng về nguồn cung chỉ ở một thời điểm nhất định, thị trường rồi cũng sẽ trở lại với sự ổn định vốn có. Tuy nhiên, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu lúc này là giải pháp cần thiết để  tiếp tục lành mạnh hóa thị trường trong dài hạn, một mặt bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong nước và mặt khác tạo điều kiện cho công tác điều hành cung ứng xăng dầu, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đột xuất kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số cây xăng tại Long An
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đột xuất kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số cây xăng tại Long An

Mặt khác, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương - Tài Chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và Quỹ bình ổn giá không còn nhiều, để có dư địa điều hành, Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đưa ra, cụ thể là giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.

Kiến nghị này đã được xem xét và chấp thuận đưa vào Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Nếu được thông qua tại phiên họp sắp tới, việc giảm thuế sẽ góp phần lớn vào bình ổn giá xăng dầu trong 3 Quý còn lại của năm 2022, tất nhiên có tính toán đến việc cân bằng giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Thời gian tới, trong bối cảnh thị trường xăng dầu được dự báo còn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát các tín hiệu trên thị trường quốc tế và tình hình cung ứng trong nước, chủ động sẵn sàng phương án điều hành linh hoạt và kịp thời để một mặt thúc đẩy đảm bảo nguồn cung xăng dầu - bao gồm cả nguồn trong nước và nhập khẩu, mặt khác  tăng cường các hoạt động để hướng đến quản lý đầu vào - đầu ra chuỗi cung ứng xăng dầu thực sự thông suốt, ổn định, minh bạch và hiệu quả.

Thy Thảo