Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng đại diện thương mại - So sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp

ThS. NGUYỄN THỊ HÀ TRANG (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Các hoạt động trung gian thương mại sẽ là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp, trong đó có hoạt động đại diện cho thương nhân. Trong các hợp đồng trung gian thương mại, các điều khoản về bảo mật thông tin (confidential clause) và điều khoản cấm cạnh tranh (non-competition clause) thường được các bên thỏa thuận. Bài viết tập trung phân tích hai điều khoản nói trên trong hợp đồng đại diện thương mại bằng phương pháp đối sánh giữa pháp luật của Cộng hòa Pháp và Việt Nam.

Từ khóa: điều khoản, bảo mật thông tin, cấm cạnh tranh, đại diện thương mại, đại diện cho thương nhân, Pháp, Việt Nam.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các thương nhân thông qua mua bán là điều kiện quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong thương mại có hai phương thức giao dịch mua bán chủ yếu là phương thức giao dịch trực tiếp và phương thức giao dịch gián tiếp. Mỗi phương thức đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu như phương thức giao dịch trực tiếp chỉ có hai chủ thể trực tiếp thiết lập quan hệ với nhau thì trong phương thức giao dịch qua trung gian sẽ xuất hiện chủ thể thứ ba đứng ở vị trí độc lập với hai bên và là người thực hiện dịch vụ theo sự ủy quyền và vì lợi ích của người khác để hưởng thù lao. Có thể gọi công việc do người trung gian thực hiện trong hoạt động thương mại để hưởng thù lao là dịch vụ trung gian thương mại. Dịch vụ này được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực phân phối thương mại và đối với nhà sản xuất thì thông qua dịch vụ này giúp họ tiếp cận với người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn.

Dưới góc độ pháp lý, hiện tượng thương nhân nhận ủy quyền của người khác để tiến hành các hoạt động vì lợi ích của bên ủy quyền để mua, bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ thương mại được pháp luật một số nước khái quát bằng khái niệm “trung gian tiêu thụ” hoặc “đại diện thương mại”. Ở Việt Nam, được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, hoạt động trung gian thương mại được xác định là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định và bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại (khoản 11 điều 3 Luật Thương mại năm 2005).

Bài viết đề cập đến các điều khoản về bảo mật thông tin (confidential clause) và điều khoản cấm cạnh tranh (non-competition clause) trong hợp đồng đại diện thương mại thường được các bên thỏa thuận để đảm bảo hoạt động kinh doanh của các bên và tạo sự cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp.

2. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh trung gian thương mại theo pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Pháp

Điều L134-1 của Bộ luật Thương mại Pháp đưa ra định nghĩa về đại diện thương mại: “là người đại diện, với tư cách là người đại diện độc lập, được giao nhiệm vụ đàm phán và có thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, thuê, cung cấp dịch vụ nhân danh nhà sản xuất, nhà tư bản công nghiệp, thương gia hoặc người đại diện thương mại khác…”. Đơn giản hơn, đại diện thương mại là người trung gian (có thể là thể nhân hoặc pháp nhân) thay mặt, nhân danh công ty khác với khách hàng.

Theo quy định tại Điều 141 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam: “Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy quyền (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện”.

Có thể nhận thấy, về bản chất của khái niệm đại diện cho thương nhân của pháp luật Việt Nam tương tự như khái niệm đại diện thương mại trong luật của Pháp. Nghĩa là, đại diện thương mại (đại diện cho thương nhân theo pháp luật Việt Nam), đây là loại hình hoạt động thương mại mà một bên (bên đại diện) thực hiện các hoạt động nghề nghiệp độc lập, được ủy thác nhân danh và thay mặt cho bên khác (bên giao đại diện) để mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm hưởng thù lao. Tuy nhiên,  khi trong quy định luật của Pháp, yếu tố “thương nhân” không phải là điều kiện đối với các đại diện thương mại, thì Luật Thương mại 2005 của Việt Nam lại điều chỉnh hoạt động đại diện thương mại theo phạm vi hẹp hơn đó là không xét trên khía cạnh hành vi mà xét trên quan hệ chủ thể, theo đó đại diện thương mại giữa người đại diện là thương nhân đại diện cho một thương nhân khác để giao kết, thực hiện hoạt động thương mại nhân danh và vì lợi ích của thương nhân được đại diện.

Như vậy, từ khái niệm đại diện thương mại, có thể định nghĩa loại hợp đồng này. Hợp đồng đại diện thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên là thương nhân với tư cách là bên được ủy quyền thực hiện hoạt động đại diện cho thương nhân vì lợi ích của bên ủy quyền với mục tiêu hưởng thù lao còn bên ủy quyền có nghĩa vụ trả tiền thù lao cho bên được ủy quyền. Đối với hợp đồng đại diện cho thương nhân, các bên bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thành và nghĩa vụ cung cấp thông tin có đi có lại. Đồng thời các bên trong hợp đồng đại diện phải tôn trọng tất cả các nguyên tắc của hợp đồng nói chung: sự tự nguyện, năng lực giao kết của các bên trong hợp đồng, đối tượng hợp đồng cụ thể và xác định, không vi phạm điều cấm, trái pháp luật.

3. Nghĩa vụ bảo mật thông tin trong hợp đồng đại diện thương mại

Đại diện thương mại là một hoạt động thương mại độc lập nhưng họ sẽ bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thành với công ty mà họ được ủy quyền. Đại diện thương mại cũng phải bảo mật mọi thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng và cả sau khi kết thúc nhiệm vụ. Do đó, thông tin mà anh ta biết được để thực hiện sứ mệnh của mình là một phần của bí quyết của công ty, bí mật kỹ thuật, các yếu tố của chức năng, nhà sản xuất,… Vì thông tin này rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của bên ủy quyền ở hiện tại mà thậm chí ở trong tương lai, nên cần phải có điều khoản bảo mật, không chỉ trong khi thực hiện nhiệm vụ mà còn sau khi chấm dứt hợp đồng đại diện.

Tại Điều L134-4 Bộ luật Thương mại của Pháp có quy định: “Quan hệ giữa đại diện thương mại và bên giao đại diện được xác định bởi nghĩa vụ trung thành và nghĩa vụ thông tin có đi có lại”. Căn cứ trên quy định này, thực tế tại Pháp, các bên trong hợp đồng đại diện thương mại tự thỏa thuận với nhau về nghĩa vụ bảo mật thông tin. Thông thường, hợp đồng sẽ quy định người đại diện phải tuân theo nghĩa vụ bảo mật về thương mại hoặc bí mật kinh doanh của bên giao đại lý, và không được sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc thực hiện hợp đồng trừ những thông tin liên quan đến trật tự công cộng. Đơn cử như tại Điều 8 của hợp đồng đại diện giữa công ty X của Pháp và bên đại diện về kinh doanh xuất khẩu rượu vang quy định: “Người đại diện cam kết giữ bí mật tuyệt đối tất cả các thông tin mà mình có thể biết được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và không được tiết lộ dưới bất kỳ phương thức nào, và trong bất kỳ tình huống nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng này và sau khi chấm dứt”.

Luật hợp đồng Việt Nam coi trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, vì vậy các bên được tự do đặt tên cho các điều khoản, điều kiện và thời hạn của điều khoản. Ví dụ, trong hợp đồng đại diện cho thương nhân giữa bên A (bên giao đại diện) và bên B (bên đại diện) có quy định Điều 4 - Điều khoản chung: “Bên B có nghĩa vụ phải thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa vì lợi ích của bên A, không được xúc tiến các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc các hoạt động mang tính chất cạnh tranh đối với bên A.

Trong thời gian làm đại diện cho bên A, bên B không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên A trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn là.... năm, kể từ khi hợp đồng đại diện chấm dứt”.

Trong số các nghĩa vụ của bên đại diện, pháp luật Việt Nam quy định cho bên đại diện thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nghĩa vụ không được tiết lộ hoặc cung cấp cho bên thứ ba những bí mật liên quan đến hoạt động kinh doanh của bên giao đại lý trong thời hạn của đại diện và trong 2 năm kể từ ngày hợp đồng đại diện kết thúc. Tại Khoản 5 Điều 145 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam có quy định: “Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện”.

Mặc dù Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam không định nghĩa thế nào là “các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại”, tuy nhiên các thương nhân có thể dựa vào quy định tại khoản 23, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, sửa đổi 2019: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Vì vậy khi phải cung cấp các bí mật cho người đại diện thì nên thỏa thuận cụ thể chi tiết trong Hợp đồng đại diện hay một bản thoả thuận riêng khác. Các bí mật này có thể là bí quyết công nghệ, các phát minh, sáng chế, các giải pháp kỹ thuật hay kỹ năng thương mại đặc biệt,... mà người khác chưa hoặc không thể có được.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cơ chế công nhận quyền sở hữu đối với bí mật kinh doanh là dựa trên việc sở hữu bí mật kinh doanh đó một cách hợp pháp và có hành vi thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó (Điểm c, khoản 3 điều 6 Luật SHTT 2009, sửa đổi 2019). Để được mặc nhiên bảo hộ bởi quy định của pháp luật, bí mật kinh doanh còn phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 84 Luật SHTT 2009 như sau: “Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được”.

Như vậy, cũng giống pháp luật của Pháp, Việt Nam cũng có quy định về nghĩa vụ của bên đại diện cho thương nhân, không được tiết lộ, cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện.

Tuy nhiên, khác với luật của Pháp, Luật thương mại Việt Nam quy định thời hạn chính xác là 2 năm để tôn trọng bí mật của bên giao đại diện sau khi chấm dứt hợp đồng, ngoại trừ các bên có  thỏa thuận khác. Đây là nguyên nhân làm phát sinh một vấn đề thực tiễn: Liệu các bên thỏa thuận với điều khoản bảo mật với thời hạn là 1 năm, 3 năm hay 4 năm có được không? Thời hạn hai năm kể từ ngày hợp đồng đại diện kết thúc trong quy định của Luật Thương mại 2005 không có giá trị tối đa hoặc tối thiểu. Vì vậy, các văn bản pháp luật cần được quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn. Sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta quy định “... tối đa là 2 năm kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng đại diện”. Hơn nữa, với cách hiểu như vậy, một vấn đề phát sinh là sau 2 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện, bản thân bên nhận đại diện sẽ được sử dụng các thông tin, cơ sở dữ liệu, bí mật kinh doanh của đối tác để thực hiện các hoạt động thương mại. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh trạnh của bên được đại diện.

4. Điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng đại diện thương mại

Theo pháp luật thương mại của hầu hết các nước, thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh có mục đích ràng buộc nghĩa vụ của người đại diện và bảo vệ quyền lợi chung của người được đại diện. Hay nói cách khác điều khoản không cạnh tranh (non-competition clause) có thể được định nghĩa là một “thỏa thuận hợp đồng theo đó một bên bị tước quyền thực hiện trong một khoảng thời gian và không gian nhất định một hoạt động nghề nghiệp có khả năng cạnh tranh với hoạt động của công ty cũ”. Trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người được đại diện đó, pháp luật thương mại của nhiều nước thường đưa ra điều kiện cấm người đại diện cạnh tranh với người được đại diện trong phạm vi được đại diện. Bởi vì nếu hai bên đại diện và được đại diện mà hoạt động trong cùng một điều kiện cạnh tranh lẫn nhau thì chắc chắn mục đích của hoạt động đại diện sẽ không còn, người đại diện sẽ luôn có khả năng giành ưu thế về phía mình, nhất là khi họ đã có những thông tin kinh doanh do bên giao đại diện cung cấp. Điều này cũng lý giải cho nghĩa vụ cấm cạnh tranh mà đại diện thương mại bị ràng buộc, và đồng thời cũng sẽ tránh được việc tiết lộ thông tin cho đối thủ cạnh tranh khi thực hiện nhiệm vụ/chức năng của bên đại diện. Bộ luật thương mại Đức còn cấm người đại diện cạnh tranh với người được đại diện trong một thời gian nhất định.

Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 cũng đưa ra một điều khoản hướng dẫn để các bên có thể thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh, điều 91 Luật Thương mại năm 2005 quy định “Các bên có thể thỏa thuận người đại diện không được thực hiện các hoạt động thương mại cạnh tranh với người được đại diện và không được làm đại diện cho đối thủ cạnh tranh của người được đại diện”.

Theo quy định tại Điều L134-15, khoản 3 của Bộ luật Thương mại Pháp: “Hợp đồng có thể có điều khoản không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng. Điều khoản này phải được thiết lập bằng văn bản và liên quan đến khu vực địa lý và nếu có thể, nhóm người được ủy thác cho đại lý thương mại cũng như loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà anh ta thực hiện đại diện theo các điều khoản của hợp đồng. Điều khoản không cạnh tranh chỉ có hiệu lực trong thời hạn tối đa là hai năm sau khi chấm dứt hợp đồng”.

Ví dụ như tại điều 9 của hợp đồng được ký kết giữa công ty X và đại diện thương mại, các bên đã thỏa thuận vấn đề này: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng và trong thời hạn 10 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng, vì bất kỳ lý do gì, người đại diện không được trực tiếp hoặc gián tiếp đại diện thương mại trong lĩnh vực được xác định ở trên, bất kỳ sản phẩm cạnh tranh được đề cập trong hợp đồng này, trừ trường hợp có sự đồng ý của bên giao đại diện.

Tương tự như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng và trong thời hạn 10 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng, bên đại diện không được thay mặt mình thực hiện các giao dịch thương mại mà có thể cạnh tranh với người giao đại diện, trừ trường hợp được sự cho phép của bên giao đại diện thương mại”.

Trên thực tế các hợp đồng đã thực hiện trước đó, lệnh cấm cạnh tranh bắt buộc giữa công ty X và bên đại diện thương mại đã được thực hiện trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng và có thời hạn 10 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng trong lĩnh vực xuất khẩu rượu vang trong khu vực Châu Âu/ Châu Á, trừ khi được sự đồng ý rõ ràng của bên giao đại diện. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều L134-15, khoản 3 của Bộ luật Thương mại Pháp như đã trình bày ở trên.

Thật vậy, nếu người đại diện không muốn người đại diện cạnh tranh với mình sau khi chấm dứt hợp đồng, vì bất cứ lý do gì, các bên phải quy định rõ trong hợp đồng. Việc không cạnh tranh tại thời điểm này chỉ được áp dụng nếu các bên đã ký kết một điều khoản có thời hạn tối đa là hai năm. Trường hợp nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ này sẽ dẫn đến chấm dứt hợp đồng mà không phát sinh trách nhiệm bồi thường. Như vậy, theo quy định của pháp luật Pháp, đại diện thương mại cam kết tôn trọng điều khoản này sau khi chấm dứt hợp đồng đại diện nếu có đủ ba điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, có thỏa thuận cấm cạnh trạnh và thỏa thuận này phải được xác lập bằng văn bản.
  • Thứ hai, điều khoản cấm cạnh tranh chỉ được áp dụng trong phạm vi địa lý, lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm thuộc đối tượng của hợp đồng đại diện, dù là nhân danh, vì lợi ích của mình hay của khách hàng khác.
  • Thứ ba, về hiệu lực, điều khoản cấm cạnh tranh có giá trị thi hành trong thời gian thực hiện hợp đồng và thời hạn tối đa là 2 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng.

Rõ ràng, với quy định trên, các nhà làm luật của Pháp điều chỉnh quyền tham gia điều khoản không cạnh tranh bằng cách giới hạn thời gian và phạm vi của lệnh cấm cạnh tranh để bảo vệ các đại diện thương mại. Nhờ những điều kiện trên, ngoài mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đại diện thương mại có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình với khách hàng khác để thu lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên giao đại diện sau khi kết thúc hợp đồng.

Ngược lại, Luật Việt Nam không có quy định nào liên quan đến vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại, kể cả luật chung. Bộ luật Dân sự 2015 dường như chỉ công nhận mối quan hệ chủ yếu giữa các bên vào thời điểm giao kết hợp đồng, không quan tâm lắm đến quan hệ sau hợp đồng của các bên giao kết hợp đồng.

Trên thực tế, dựa theo nguyên tắc tự do hợp đồng, điều khoản không cạnh tranh cũng có thể được áp dụng trong hầu hết các hợp đồng thương mại, kể cả hợp đồng đại diện cho thương nhân. Bên giao đại diện có thể tự do thỏa thuận các điều kiện áp dụng không cạnh tranh khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, nếu không xác định rõ phạm vi, đối tượng của thỏa thuận không cạnh tranh, quyền tự do này có thể dẫn đến sự lạm dụng đối với người ủy quyền, điều này ngăn cản các đại diện thương mại thực hiện hoạt động nghề nghiệp của mình. Hay nói cách khác, nó không chỉ là một trở lực đối với tự do sản xuất, kinh doanh, mà còn đi ngược lại nguyên tắc tự do cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế. Trên thực tế, trong lĩnh vực phân phối thương mại hoặc lĩnh vực trung gian, hỗ trợ hoạt động kinh doanh thương mại, điều khoản không cạnh tranh cũng đã được chứng minh là bất lợi đối với các thương nhân hoạt động trung gian thương mại.

Khi chấm dứt ủy thác, người trung gian sẽ phải đối mặt với tình thế khó xử: hoặc là chờ hết thời hạn không cạnh tranh quy định trong hợp đồng ủy thác, điều này khiến họ không thể kinh doanh và mất lợi nhuận; hoặc trong quá trình hoạt động kinh doanh, họ đã tạo ra một số lượng khách hàng, nhưng vì điều khoản không cạnh tranh nên họ sẽ không thể khai thác được lượng khách hàng đó, do đó mất cơ hội kinh doanh. Vì vậy, việc xác định rõ, cụ thể hóa phạm vi, đối tượng của hoạt động thương mại cạnh tranh sẽ giúp khắc phục những hạn chế, tình huống phát sinh, tạo sự tự do kinh doanh cho bên đại diện cũng như vẫn đảm bảo quyền lợi của bên giao đại diện.

Do những mặt hạn chế nêu trên, các nhà làm luật ở nhiều nước đang đặt ra một số điều kiện rất khắt khe để dung hòa các lợi ích trái ngược nhau: giữa nhu cầu bảo vệ bí mật thương mại và quyền tự do kinh doanh. Do đó, luật của Pháp quy định về các điều kiện địa lý, thời gian và cả hình thức của điều khoản này. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ điều khoản nào để điều chỉnh nó. Đó là lý do tại sao, trong bối cảnh phát triển của hoạt động trung gian trong lĩnh vực thương mại hiện nay, các nhà lập pháp Việt Nam cần quy định chính xác các ngưỡng thời hạn hoặc điều kiện về lĩnh vực địa lý hoặc lĩnh vực áp dụng cấm cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng trung gian, kể cả hợp đồng đại diện cho thương nhân.

5. Xử lý vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin và cấm cạnh tranh

Theo Điều L134-13 Bộ Luật Thương mại của Pháp có quy định các trường hợp đình chỉ hợp đồng đại diện thương mại, trong đó có trường hợp vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng. Vi phạm điều khoản bảo mật thông tin và cấm cạnh tranh được coi là vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng, do đó có thể là căn cứ chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, phát sinh vấn đề bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Cũng như đã phân tích ở trên, sau khi chấm dứt hợp đồng, đại diện thương mại cam kết tôn trọng điều khoản cấm cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng đại diện nếu hội đủ các điều kiện (Điều L134-14 Bộ luật Thương mại Pháp) và đảm bảo bí mật thông tin của bên giao đại diện.

Pháp luật Việt Nam không có quy định riêng điều chỉnh vấn đề pháp lý này cho hợp đồng đại diện cho thương nhân. Tuy nhiên, trong thương mại, tại Điều 312 Luật Thương mại 2005 lại có quy định: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây: (a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Hay rộng hơn, pháp luật thực định Việt Nam cho phép các bên tự do giao kết hợp đồng cũng được tự do phá bỏ những giao kết đó. Tại Khoản 1 Điều 423 Bộ luật Dân sự có quy định một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận; Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; hoặc các trường hợp khác do luật quy định.

Như vậy, trong trường hợp các bên có thỏa thuận hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin và cấm cạnh tranh là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thì khi phát sinh hành vi vi phạm đó trong thực tế sẽ dẫn đến hủy bỏ hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng cũng có thể bị hủy bỏ, mặc dù các bên không có quy định về điều kiện hủy bỏ hợp đồng, nếu một bên “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả hợp đồng “không có hiệu lực từ thời điểm giao kết...” (Khoản 1 Điều 427 Bộ luật Dân sự 2015) và các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Điều này đồng nghĩa với việc các điều khoản bảo mật thông tin và cấm cạnh tranh cũng sẽ bị vô hiệu, các bên trong quan hệ hợp đồng sẽ không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ bảo mật thông tin và cấm cạnh tranh. Như vậy, sẽ rất bất lợi cho bên giao đại diện khi các thông tin về bí mật kinh doanh sẽ không được đảm bảo.

Mặc dù vậy, tại Khoản 1 Điều 312 và Khoản 1 Điều 314 Luật Thương mại 2005 cho phép các bên quy định trong hợp đồng việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng và các bên có quyền quy định các quyền và nghĩa vụ có thể tiếp tục tồn tại sau khi hợp đồng bị hủy bỏ. Như vậy, có thể suy luận rằng các bên trong quan hệ hợp đồng đại diện thương mại có quyền bảo lưu việc thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin và cấm cạnh tranh nếu các bên đã thỏa thuận về sự tiếp tục tồn tại của chúng khi hợp đồng bị hủy bỏ.

Hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin và hạn chế cạnh tranh cũng có thể là điều kiện để các bên áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. (Điều 310, 311 Luật Thương mại 2005). Vậy vấn đề phát sinh là sau khi đình chỉ, liệu các quy định về nghĩa vụ bảo mật và hạn chế cạnh tranh có tiếp tục có hiệu lực đối với các bên hay không? Trong khi pháp luật thương mại Việt Nam chỉ quy định bảo mật thông tin trong thời gian 2 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp các bên có quy định khác. Vậy ngoài thời gian trên thì như thế nào? Có lẽ, pháp luật Việt Nam cần có những quy định riêng về vấn đề này để có thể đảm bảo quyền lợi của cả hai bên trong quan hệ hợp đồng đại diện thương mại.

6. Kết luận

Từ những so sánh với pháp luật của Pháp và phân tích về vấn đề pháp lý liên quan đến điều khoản bảo mật thông tin, cấm cạnh tranh trong hợp đồng đại diện thương mại trên đây, có thể thấy pháp luật Việt Nam còn thiếu những quy định cụ thể, đặc biệt là sau khi chấm dứt hợp đồng. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh và quyền lợi của các bên. Từ việc phân tích và so sánh trên, tác giả đề xuất một số nội dung cần hoàn thiện nhằm bảo đảm công bằng và yên tâm cho các chủ thể khi giao kết hợp đồng thông qua đại diện:

Thứ nhất, cần cân nhắc xem xét lại chủ thể của quan hệ hợp đồng đại diện cho thương nhân. Đồng thời, nên đổi tên thành đại diện thương mại cho phù hợp với tên gọi của pháp luật của các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, điều khoản bảo mật thông tin cần phải được các bên tôn trọng không chỉ trong quá trình thực hiện hợp đồng đại diện mà kể cả sau khi chấm dứt hợp đồng, đặc biệt là những bí mật kinh doanh.

Thứ ba, đối với điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng đại diện thương mại, chúng ta cần xem xét đến các điều kiện áp dụng điều khoản này sau khi chấm dứt hợp đồng, ví dụ như thời hạn, phạm vi, lĩnh vực ràng buộc. Điều này sẽ giảm thiểu được tối đa tình trạng lạm dụng quyền lợi của bên được đại diện để cản trở các hoạt động kinh doanh hợp pháp của bên đại diện sau khi chấm dứt hợp đồng.

Thứ tư, vấn đề cuối cùng cần quan tâm là các biện pháp chế tài áp dụng như thế nào khi có hành vi vi phạm đối với 2 điều khoản cấm cạnh tranh và bảo mật thông tin trong hợp đồng đại diện thương mại. Thiết nghĩ, cần xác định cụ thể vấn đề này đối với các hợp đồng trung gian thương mại, trong đó có hợp đồng đại diện cho thương nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự 2015.
  2. Quốc hội (2005), Luật Thương mại 2005.
  3. Quốc hội (2019), Luật Sở hữu trí tuệ 2009, sửa đổi 2019.
  4. Đinh Thị Tâm (2020), Nghĩa vụ bảo mật thông tin giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 122, tháng 3/2020.
  5. Hoàng Thị Thanh Thuý (2011), Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, Tạp chí Luật học, số 2/2011.
  6. Ngô Quốc Chiến (2014), Một số nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi hợp đồng chấm dứt, Tạp chí Kinh tế đối ngoại.
  7. Phan Thị Hồng (2014), Hoàn thiện chế định đại diện trong hợp đồng thương mại, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số tháng 11/2014.
  8. Anthony BEM (2015), Agent commercial: Rupture du contrat & dommages et intérêts, Legafox, Article juridique publié le 01/01/2015.
  9. Sandra Karen Morin, Avocat. (2014). L’indemnisation de la rupture du contrat d’agent commercial dans les relations d’affaires entre la France et le Canada, Retrieved from: http://www.village-justice.com
  10. L’AGENT COMMERCIAL ET LE CONTRAT D’AGENCE COMMERCIALE https://www.eurojuris.fr/categories/contrat-de-travail-7700/articles/lagent-commercial-et-le-contrat-dagence-commerciale-8789.htmPrésentation de l’agent commercial. <https://www.jplouton-avocat.fr/faq/droit-contrats/regime-juridique-agent-commercial>
  11. Sự hình thành và phát triển hoạt động trung gian thương mại. <http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/219-su-hinh-thanh-va-phat-trien-hoat-dong-trung-gian-thuong-mai>
  12. Vai trò của hoạt động trung gian thương mại trong xu thế toàn cầu hóa thương mại. <http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/224-vai-tra-ca-a-hoa-t-da-ng-trung-gian-thuong-ma-i-trong-xu-tha-toa-n-ca-u-hoa-thuong-ma-i>
  13. Le contrat d’agent commercial. <cgv-expert.fr/article/contrat-agent-commercial_33.htm>, publis le 26/02/2012. Pháp luật Việt Nam về bảo hộ bí mật kinh doanh: Thực trạng và một số kiến nghị. <https://vietnamhoinhap.vn/article/phap-luat-viet-nam-ve-bao-ho-bi-mat-kinh-doanh-thuc-trang-va-mot-so-kien-nghi---n-27918>

 

CONFIDENTIAL TERM AND NON-COMPETITION TERM IN COMMERCIAL REPRESENTATION CONTRACTS: COMPARING VIETNM’S LAWS TO FRANCE’S LAWS

Master. NGUYEN THI HA TRANG

Faculty of Social Sciences and Humanities, Nha Trang University

ABSTRACT:

Commercial intermediary activities including the representation of traders are considered an effective tool for businesses. In commercial intermediary contracts, confidential term and non-competition term are usually agreed upon by the parties. This paper analyzes the two above-mentioned terms in commercial representation contracts by comparing laws of Vietnam to laws of France.

Keywords: terms, confidentiality, non-competition, trade representatives, traders' representatives, France, Vietnam.