Theo đó, các tổ chức khoa học & Công nghệ (KH&CN) sắp xếp, kiện toàn dưới hình thức sáp nhập khi đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:

Đối với tổ chức bị sáp nhập

Tổ chức khoa học và công nghệ bị sáp nhập khi không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại Điều 6 Thông tư 02/2021/TT-BKHCN. 

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 02/2021/TT-BKHCN, điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải đáp ứng đồng thời các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 4 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ và quy định về số lượng người làm việc tối thiểu tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với tổ chức nhận sáp nhập

Tổ chức khoa học và công nghệ nhận sáp nhập khi đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 6 Thông tư 02/2021/TT-BKHCN như đã nêu trên. Ngoài ra tổ chức nhận sáp nhập cần đáp ứng các yêu cầu sau:

(i) Có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bị sáp nhập hoặc có lĩnh vực hoạt động KH&CN tương đồng với tổ chức bị sáp nhập;

(ii) Có năng lực tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các tổ chức bị sáp nhập;

(iii) Có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp kiện toàn tổ chức bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, sau sáp nhập tổ chức khoa học và công nghệ còn phải đảm bảo về mức độ tự chủ tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BKHCN. 

Thông tư 02/2021/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.

Đối tượng áp dụng của Thông tư 02/2021/TT-BKHCN

1. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây viết tắt là bộ), gồm:

a1) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc bộ;

a2) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ;

a3) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc cục, trực thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ;

a4) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc văn phòng thuộc bộ;

a5) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ;

b) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài);

c) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập;

d) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), gồm:

d1) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d2) Tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là sở);

d3) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc chi cục và tương đương thuộc sở;

d4) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập được quy định từ điểm đến điểm đ khoản này.

2. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập do cơ sở giáo dục đại học, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và đầu tư thực hiện theo quy định tại Thông tư này hoặc các quy định pháp luật khác liên quan.

3. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học;

b) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện theo quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.