Điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp Việt phải đối mặt với tác động thế nào?

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, doanh nghiệp Việt ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn và chịu tác động mạnh mẽ đến quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Xu thế gia tăng phòng vệ thương mại toàn cầu

 

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chỉ trong thời gian chưa đầy 6 tháng (từ tháng 5/2018 - tháng 10/2018), các nước thành viên thuộc khối G20 đã khởi xướng tổng cộng tới 85 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 63 vụ việc liên quan tới chống bán phá giá, 19 vụ việc chống trợ cấp và 3 vụ việc tự vệ.

Đặc biệt, nhằm bảo đảm hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại, các quốc gia này cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu sau khi biện pháp được áp dụng để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trong đó có gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Một khi phát hiện hành vi gian lận và lẩn tránh, nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng áp dụng luôn biện pháp này lên chính hàng hóa tương tự của quốc gia có doanh nghiệp thực hiện hành vi gian lận xảy ra. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính, mà còn tác động nhiều tới kim ngạch xuất khẩu chung của nền kinh tế.

 

Việt Nam giữa “bão” phòng vệ thương mại

 

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng, nhảy vọt về số lượng và mức đa dạng của các sản phẩm bị điều tra. 

Theo đó, tính đến tháng 11/2018, đã có 81 vụ điều tra chống bán phá giá, 14 vụ điều tra chống trợ cấp, 28 vụ tự vệ và 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Biểu đồ các vụ việc chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Số lượng các vụ việc chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
(Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Biểu đồ các vụ việc chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Số lượng các vụ việc chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
(Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Biểu đồ các vụ việc tự vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Số lượng các vụ việc tự vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
(Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Biểu đồ các vụ việc lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Số lượng các vụ việc lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)

 

Hoa Kỳ vẫn là thị trường có số lượng vụ điều tra được khởi xướng lớn với 19% trên tổng các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ (14%), Ấn Độ (12%) và EU (10%).

Biểu đồ các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam theo thị trường (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam theo thị trường
(Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)

 

Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử ... Đáng chú ý, mặt hàng thép chiếm đến 31% số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường, bỏ xa mặt hàng thứ hai là sợi với 9% và giày dép với 6%.

Biểu đồ các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam theo sản phẩm (Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam theo sản phẩm
(Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương)

 

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, hầu hết các vụ điều tra này đều đi đến kết luận có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo số liệu xuất khẩu sang một số thị trường được Cục Phòng vệ thương mại cập nhật hàng tháng, một số mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh như ván ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU.

 

Doanh nghiệp cần tỉnh táo khắc phục tác động

 

Tuy nhiên, do Hoa Kỳ và một số quốc gia khác cho phép nhà nhập khẩu được tự khai, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nên không loại trừ khả năng hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến của các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, Bộ Công Thương cho biết đã trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.

Phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương cũng tổ chức theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý phù hợp đối với các hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính nói riêng.

Theo đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tỉnh táo trước diễn biến thị trường, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, đặc biệt không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh tại một số thị trường nhập khẩu.

Thy Thảo