Đầu tư vào nguyên liệu

Có 10 ngành hàng được coi có cơ hội lớn trong khai thác EVFTA. Trước hết là nhóm Nông sản thực phẩm, có 6 ngành hàng: Thủy sản, Trái cây tươi, Cà phê, hạt Điều, hồ Tiêu, Cao su; Nhóm Công nghiệp chế biến, 3 ngành hàng: Dệt may, Da giày, đồ Gỗ; và nhóm hàng Điện tử.

Doanh nghiệp trong 10 nhóm này định vị chiến lược rõ ràng theo 3 hướng. Hướng thứ nhất là tăng tốc đầu tư vào nguyên liệu nhằm bảo đảm tỷ lệ xuất xứ theo quy định của EVFTA. Điển hình là dệt may, ngay trong giai đoạn đàm phán Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt may cũng đã đẩy mạnh kêu gọi dòng đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực dệt nhuộm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may trong cuộc chơi mới.

Trong hai năm 2018 - 2019 và ngay cả đầu năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát, vẫn có một số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào ngành dệt nhuộm, bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may.

Riêng tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ 90% đầu tư của Tập đoàn từ năm 2016 tới nay. Tỷ lệ nội địa hóa của Vinatex đạt 56%. Việt Nam hiện đã sản xuất được khoảng 3 tỷ mét vải/năm. Vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong,…

Mặt khác, doanh nghiệp đã nhập khẩu tới 20% lượng vải từ Hàn Quốc trong tổng lượng vải nhập để sản xuất phục vụ xuất khẩu, và cũng nhập một lượng đáng kể vải cao cấp từ Nhật Bản. Đây cũng là hai quốc gia có FTA với EU nên đáp ứng được yêu cầu quy tắc “xuất xứ cộng gộp” mà EVFTA đưa ra.

Nên cho đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may làm hàng xuất khẩu có thể tạm yên tâm, như Phó Tổng Giám đốc

Tập đoàn Dệt May Việt Nam Cao Hữu Hiếu khẳng định: “Trong tổng lượng xuất khẩu tới châu Âu, doanh nghiệp dệt may cần khoảng 2 tỷ mét vải. Việc cần làm là cân đối điều chỉnh lượng vải sản xuất trong nước, vải nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho các đơn hàng may mặc xuất đi châu Âu, là hoàn toàn nằm trong tầm tay của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam”.

Doanh nghiệp Việt tự tin nhập cuộc EVFTA từ 3 hướng chiến lược
Trong tổng lượng xuất khẩu tới châu Âu, doanh nghiệp dệt may cần khoảng 2 tỷ mét vải

Tổ chức lại sản xuất

Ở hướng chiến lược thứ hai, những ngành hàng hàng nông sản vốn đã có xuất xứ thuần túy thì đi theo con đường tổ chức lại sản xuất, đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

Với doanh nghiệp thủy sản, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp chế biến hản sản xuất khẩu là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Những mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào EU gồm cá ngừ, tôm, cá tra có tới 65-70% giá trị xuất khẩu cá ngừ đến từ nguyên liệu nhập khẩu. Đối với tôm, sản lượng tôm sú trong tháng 5 năm nay ước tính đạt 25,6 nghìn tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 46,6 nghìn tấn, tăng 11%.

Sở dĩ sản lượng tôm sú giảm là do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều nước EU phong tỏa, không xuất khẩu được nên bà con nuôi cầm chừng. Nay thời hạn EVFTA có hiệu lực đã rõ ràng, cùng với sự khống chế dịch bệnh được dự đoán là sản lượng sẽ tăng lên nhanh chóng. Ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch, thả nuôi ở mật độ thưa đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú tự tin cho rằng, EVFTA giúp thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0% sẽ giúp cho tỷ trọng xuất khẩu của Minh Phú vào EU  trước đây 11% nâng lên khoảng 18 - 20% trong năm nay.

Mặt hàng cá tra là nhóm hàng có mức tăng trưởng âm sâu nhất trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu. Nhưng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn hết sức bình tĩnh, tìm mọi nguồn lực để duy trì việc làm cho người lao động và hỗ trợ người chăn nuôi tổ chức lại sản xuất, đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đây cũng là con đường của một số ngành hàng khác như trái cây tươi, Cà phê, hạt Điều, hồ Tiêu, Cao su, gạo…

Tìm khe cửa hẹp

Ở hướng thứ ba, khác với ngành dệt may, da giày, khi EVFTA có hiệu lực sẽ được giảm thuế mạnh cho hàng Việt Nam vào thị trường châu Âu.  Còn với ngành điện tử tại thị trường này, thuế đã được giảm từ trước đó, nên việc tận dụng ưu đãi thuế quan sẽ không có nhiều đột biến, nhưng với góc nhìn của người trong cuộc, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng cho rằng, sự tích cực, chủ động của Bộ Công Thương trong việc đàm phán EVFTA và nỗ lực trong phổ biến rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, đã giúp doanh nghiện điện tử tìm ra cơ hội trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các đối tác ngay tại thị trường nội địa.

Dù chuyển hướng đầu tư vào nguyên liệu đảm bảo tỷ lệ xuất xứ,  tổ chức lại sản xuất theo điều kiện về truy xuất nguồn gốc hay trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các đối tác ngay tại thị trường nội địa thì doanh nghiệp Việt đã cho thấy sự tự tin nhất định khi chủ động nhập cuộc EVFTA.