Định hướng và giải pháp pháp lý thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII

TS. HOÀNG KIM KHUYÊN (Viện Nhà nước và Pháp luật)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII mà cụ thể là Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 về bảo đảm an sinh xã hội thì tác giả đưa ra những nhận thức chung và chỉ ra những định hướng, giải pháp pháp lý trong việc thực hiện nhiệm bảo đảm an sinh xã hội trên thực tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tứ khóa: bảo đảm an sinh xã hội, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

1. Đặt vấn đề

Có thể nói, kể từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đến nay, thuật ngữ an sinh xã hội (ASXH) đã luôn được Đảng đề cập tới trong các văn kiện Đại hội. Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, ASXH được đề cập toàn diện, xuyên suốt và được nhận định là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

2. Nhận thức về nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021 tại Hà Nội. Đại hội thông qua nhiều văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021; Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đảng XIII; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong số những nhiệm vụ quan trọng của đất nước được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII thì lĩnh vực ASXH được nhắc đến nhiều lần trong các báo cáo. Các báo cáo trong văn kiện thể hiện rất rõ nhiệm vụ trọng tâm về ASXH của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đó là, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực của nhân dân. Điều này thể hiện như sau:

Thứ nhất, về Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công... Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; Nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng”[1]. Cụ thể là: Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 12,7 lần so với năm 1995. Chính sách người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo, từ 70% dân số nghèo đói năm 1990 xuống còn 2,75% năm 2020)[2]. Đặc biệt đã thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành và ngay cả người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng. Trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em. Chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện.

Như vậy, thực hiện chính sách, pháp luật về ASXH ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển ASXH ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực cho ASXH của đất nước ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Một số lĩnh vực đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, ưu đãi người có công, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... Tuy nhiên, thực hiện ASXH ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt còn yếu kém và để kéo dài như: tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ[3].

Thứ hai, về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trước bối cảnh quốc tế có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở lên phức tạp, gay gắt, cục diện đa cực ngày càng rõ nét; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, tổ chức đời sống xã hội của người dân trên toàn thế giới[4]. Vì thế, Đảng ta xác định giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn có tính bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng tăng trưởng sáng tạo và bảo đảm ASXH. Bởi vậy, chiến lược ASXH cần phải được xây dựng theo cách tiếp cận mới. Trong đó, phải đảm bảo mọi người dân thực sự có quyền được bảo đảm ASXH, hệ thống ASXH tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới. Cụ thể: (1) Cần xây dựng các chính sách, pháp luật về ASXH bảo đảm tính bền vững và phát triển phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển. (2) Tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân; đổi mới chính sách lao động, việc làm, cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. (3) Cần quan tâm và ban hành các chính sách, pháp luật bảo đảm quyền lợi cho lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, đối tượng yếu thế trong xã hội.

3. Những định hướng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ASXH theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII

Một trong 12 định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[5]. Theo đó, định hướng trong chiến lược phát triển ASXH và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ASXH cần phải[6]:

Thứ nhất, định hướng về mục tiêu xây dựng và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH tiếp cận dựa trên quyền theo hướng phổ quát trên cơ sở mở rộng đối tượng được bảo đảm ASXH; có lộ trình tiến tới bao phủ toàn dân, trước hết là trẻ em dưới 6 tuổi, người già từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm có nguy cơ bị diệt vong và người dân có mức sống dưới chuẩn mức sống tối thiểu của quốc gia; nâng cao chất lượng bảo đảm ASXH thông qua các chính sách ASXH đa tầng, toàn diện, có sự chia sẻ và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ ASXH để người dân dễ tiếp cận và hưởng lợi.

Thứ hai, định hướng về nội dung xây dựng và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, xây dựng chuẩn ASXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH đa tầng, linh hoạt và có khả năng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau. Theo đó, thiết lập mối gắn kết trong chính sách và chương trình bảo đảm ASXH cho người dân theo vòng đời của một con người. Mỗi độ tuổi có chính sách bảo đảm ASXH phù hợp, trong đó xác định rõ trách nhiệm đầu tư của Nhà nước, của người dân và cộng đồng; tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH đa tầng, linh hoạt, có sự chia sẻ và theo hướng bao phủ toàn dân; Đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý lĩnh vực ASXH; Phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, cân bằng với phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc xã hội, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng tăng của người dân.

4. Những giải pháp pháp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ASXH theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII

Thứ nhất, về giải pháp hoàn thiện pháp luật: Trên cơ sở rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật ASXH hiện hành theo tiêu chí và chuẩn mực quốc tế về tiếp cận ASXH dựa trên quyền, cũng như nhận thức, quan điểm mới của Đảng về ASXH thể hiện trong các nghị quyết của Đảng để bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về ASXH hiện hành (Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật,...); tiếp tục nội luật hóa các Công ước, cam kết quốc tế liên quan đến ASXH trong quá trình bổ sung, sửa đổi các luật về ASXH hiện hành; nghiên cứu xây dựng và ban hành một số luật mới về ASXH, như Luật Công tác xã hội, Luật Trợ giúp xã hội,... để hình thành đồng bộ, đầy đủ hệ thống luật pháp về ASXH (như là Bộ luật An sinh xã hội). Ngoài ra, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng ở Việt Nam trong thời gian tới. Bởi lẽ, nội hàm của BHXH đa tầng đã được đề cập khá rõ tại Nghị quyết số 28. Do đó, các yêu cầu, định hướng về chính sách, pháp luật về BHXH đa tầng ở Việt Nam cần được quan tâm như sau:

(1) Hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hiện đại phải nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe thiết yếu và đảm bảo thu nhập cơ bản cho trẻ em, người trong độ tuổi lao động không có khả năng kiếm đủ thu nhập và người cao tuổi. Rõ ràng, quyền được an sinh xã hội là quyền của con người không nên nhường cho các thế lực thị trường[7], đây là quyền tự nhiên của con người sống trong xã hội được thừa nhận và được thụ hưởng các giá trị của xã hội.

(2) Liên quan đến các chế độ BHXH. Theo đó, cần nhấn mạnh rằng các chế độ BHXH phải được thiết kế dựa vào các nhu cầu cấp thiết của người tham gia và cả về năng lực tổ chức, quản trị các chương trình BHXH để có hiệu quả hơn đối với những đối tượng tham gia. Khi các chương trình BHXH được thiết kế phải đảm bảo chắn chắn không chỉ áp dụng nguyên tắc tính phổ biến mà còn tính đến vận dụng nguyên tắc bình đẳng giới. Bởi áp dụng nguyên tắc bình đẳng giới giữa các nhóm tham gia những chương trình BHXH là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng của các cá nhân tham gia. Để loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa các cá nhân tham gia vào các chương trình BHXH, Nhà nước có thể tham khảo kinh nghiệm của liên minh châu Âu trong thực hiện theo Chỉ thị 79/7 của EEC về việc thực hiện tiến bộ nguyên tắc nam nữ đối xử bình đẳng trong các vấn đề an sinh xã hội[8]. Ngoài ra, các chế độ BHXH là bộ phận cấu thành rất quan trọng của toàn bộ hệ thống BHXH. Các chế độ BHXH sẽ là cơ cấu lại hệ thống cơ bản của rủi ro xã hội. Điều này có nghĩa là mỗi nhánh của chương trình BHXH đại diện cho một rủi ro nhất định. 

(3) Các chính sách của BHXH đa tầng cần quan tâm và tập trung vào người thụ hưởng để hệ thống BHXH đạt hiệu quả. Có thể nói, để hệ thống BHXH trở thành mô hình đa tầng, linh hoạt của xã hội thì cần phải cải thiện các mục tiêu, thủ tục thực hiện chính sách của BHXH hiện nay. Theo đó, hệ thống BHXH phải là một tổ chức cung cấp các lợi ích ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho các cá nhân tham gia. Có thể chia thành các chương trình như sau: (i) Chương trình lợi ích đặc biệt. Đây là chương trình cung cấp các lợi ích ngắn hạn, bao gồm các chế độ như trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Thực tế, đây là những chế độ phù hợp với Công ước của ILO số 102 về bảo hiểm xã hội tối thiểu. (ii) Chương trình lợi ích chung. Đây là chương trình hưu trí, cung cấp lợi ích cho các đối tượng là cá nhân khi đáp ứng các điều kiện về tuổi, có đóng góp cho chương trình, có thâm niên làm việc theo quy định, nghỉ hưu (do đến tuổi hoặc tự nghỉ việc trước thời điểm nghỉ hưu hợp pháp). (iii) Chương trình bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một trong các quyền mà người lao động được hưởng quy định trong Công ước số 102 của ILO. Chương trình này được thành lập để trao quyền cho những cá nhân bị mất việc làm không phải vì lý do chủ quan của họ. Họ sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định dựa trên khoản đã đóng góp. (iv) Chương trình về bảo hiểm việc làm. Đây là chương trình hỗ trợ người lao động trong thời gian họ gián đoạn công việc tạm thời, đồng thời giúp xoa dịu khó khăn về kinh tế đang tồn tại. Chương trình bảo hiểm việc làm không chỉ cung cấp, hỗ trợ thu nhập tạm thời cho NLĐ thất nghiệp trong khi họ tìm kiếm việc làm hoặc để nâng cao kỹ năng của mình mà cung cấp các quyền lợi đặc biệt cho những NLĐ phải nghỉ việc do các sự kiện cụ thể trong cuộc sống như khi bị mắc bệnh, thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, hoặc đang điều trị bệnh, hoặc các thành viên trong gia đình NLĐ bị bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao,… Với chương trình bảo hiểm việc làm, có thể tham khảo kinh nghiệm của Canada trong việc thực hiện Đạo luật Bảo hiểm Việc làm đã thay thế Đạo luật Bảo hiểm Thất nghiệp năm 1996[9].

Thứ hai, về giải pháp tổ chức thực thi: Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống cung cấp dịch vụ ASXH, như dịch vụ việc làm, dịch vụ chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, dịch vụ chi trả, dịch vụ công tác xã hội,... phát triển theo hướng chuyên nghiệp và tự chủ; coi trọng chăm sóc đối tượng tại cộng đồng và mở rộng khu vực ngoài nhà nước (các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp,...) tham gia trên cơ sở vận dụng cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật, sự ủy thác, đặt hàng của Nhà nước gắn liền với bảo đảm và nâng cao tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập và hợp tác quốc tế về ASXH; tiếp tục tham gia xây dựng các công ước và tiêu chuẩn quốc tế của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các hiệp định hợp tác đa phương và song phương thế hệ mới liên quan đến ASXH...; chủ động, tích cực và có trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế về ASXH; chủ động phản ứng chính sách đối với những tác động không mong muốn trong quá trình hội nhập quốc tế để hạn chế rủi ro cho người dân; tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế về kỹ thuật, đào tạo cán bộ và tài chính,... để tăng thêm nguồn lực cùng Nhà nước bảo đảm ASXH cho người dân. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu ASXH theo hướng hiện đại nhằm tối đa hóa lợi ích trong quản lý, sử dụng và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan; đối tác; nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội,… Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng bởi họ hỗ trợ, trợ giúp cư dân để họ tự tin, tăng cường tiếng nói và đảm bảo quyền ASXH, nhất là những người yếu thế, dễ bị tổn thương; giám sát, đánh giá thực trạng chính sách và tình hình tổ chức thực hiện chính sách ASXH; vận động chính sách thông qua kênh quan hệ sẵn có,…

5. Kết luận

Có thể nói, Đại hội XIII của Đảng đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Đây là chủ trương, đường lối đúng đắn, mang tính chính trị, tính nhân văn cao của Đảng trong phát triển hệ thống ASXH ở Việt Nam thời gian tới. Để thể chế hóa đường lối, chủ trương đó, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết quan trọng về bảo đảm ASXH, đó là về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hy vọng, với những quyết sách mới của Quốc hội và các ban ngành trong bộ máy nhà nước về lĩnh vực ASXH sẽ thúc đẩy các chủ trương, đường lối, chính sách của Đại hội Đảng lần thứ XIII sớm đạt được mục tiêu đặt ra./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Xem thêm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tập 1, tr.65-66, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, 2021.

[2] Xem thêm: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo tham luận “Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiều ngày 27/01/2021,

[3]Xem thêm: Nguyễn Ngọc Hương, Nguyễn Văn Sơn, An sinh xã hội - Mục tiêu, động lực để phát triển nhanh và bền vững, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/an-sinh-xa-hoi-muc-tieu-dong-luc-de-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-134348, truy cập ngày 12/7/2021.

[4] Xem thêm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tập 1, tr.206 - 207, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, 2021.

[5] Định hướng 5 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được ban hành ngày 01/02/2021.

[6] Xem thêm: Nguyễn Hữu Dũng, Bàn về định hướng chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2030,  https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/81578[6] /ban-ve-dinh-huong-chien-luoc-an-sinh-xa-hoi-giai-doan-2021---2030.aspx, truy cập ngày 10/02/2020.

[7] Social Protection Floor Index 2020, http://www.socialprotectionfloorscoalition.org/2020/04/social-protection-floor-index-2020/, truy cập ngày 17/9/2021

[8] Council Directive 79/7/EEC of 19 December 1978 on the progressive implementation of the principle of equal treatment for men and women in matters of social security, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A31979L0007, truy cập ngày 17/9/2021

[9] Employment Insurance Act in Canada, https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/e-5.6/FullText.html, truy cập ngày 17/9/2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2020), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đảng XIII.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Orientations and solutions to the implementation of tasks of ensuring social security in Vietnam responding to the viewpoint of the 13th National Party Congress

 Ph.D Hoang Kim Duyen

Institute of State and Law

ABSTRACT:

By studying documents of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam, specifically the Political Report of the 12th Party Central Committee at the 13th National Party Congress and the ten-year Socio-economic Development Strategy in the 2021-2030 period, this paper points out the general perceptions, legal orientations and solutions to the implementation of tasks of ensuring social security in Vietnam in the coming time.

Keywords: ensuring social security, documents of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]