Định vị lại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Với tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh, thị trường Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu, nhưng phần lớn các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam hiện chưa đánh giá đúng tính chất và tiềm năng to lớn của thị trường này. Định vị lại thị trường Trung Quốc để tăng cường xuất khẩu và nâng tầm xuất khẩu Việt là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục gia tăng, đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Năm 2000, kim ngạch thương mại Việt - Trung mới chiếm 9,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước thì đến năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đã chiếm hơn 22,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đạt 106,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu Việt - Trung chiếm 16,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và kim ngạch nhập khẩu Việt - Trung chiếm 27,65% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tính đến thời điểm này,Trung Quốc cũng chính là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập được kỷ lục hơn 100 tỷ USD/năm.

Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác số 1 của Trung Quốc trong ASEAN và vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 9 cho Trung Quốc trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn và tính bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước.

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính sau: (1) Nhóm nguyên nhiên liệu: dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu (cây làm thuốc); (2) Nhóm nông sản: lương thực (gạo, sắn khô), rau củ quả (đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới như chuối, xoài, chôm chôm, thanh long…), chè, hạt điều; (3) Nhóm thủy sản: thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản như rắn, rùa, ba ba…; (4) Nhóm hàng tiêu dùng: hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo… Trong đó, riêng nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt - Trung và chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng của cả nước.

thuy san
Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt - Trung

 

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Cơ cấu của từng nhóm mặt hàng nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn khá ổn định qua từng năm. Trong các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc có 7 nhóm hàng thường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như (1) máy móc thiết bị, phụ tùng; (2) sắt thép các loại; (3) điện thoại các loại và linh kiện; (4) hóa chất; (5) sản phẩm từ chất dẻo; (6) ô tô các loại; (7) nguyên phụ liệu dệt may da giày.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn còn dư địa và tiềm năng vô cùng to lớn, thể hiện trên các mặt sau.

Thứ nhất, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định cùng một thị trường rộng lớn với hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng, có nhu cầu về nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như khoáng sản, nông sản, vị trí địa lý thuận lợi, quan hệ hợp tác hai bên đang ở vào thời kỳ được đẩy mạnh, thị trường Trung Quốc trong tương lai là nơi tập trung của các công ty hàng đầu thế giới...

Thứ hai, số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đã và đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, năm 2000, chỉ có 4% dân số thành thị Trung Quốc được coi là tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2022, con số đó sẽ là 76%, tương đương 550 triệu người. Khi đó, tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ gấp 1,7 lần toàn bộ dân số nước Mỹ. Tầng lớp trung lưu đang phát triển đồng nghĩa với chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tăng lên, dự kiến tăng 55% trong giai đoạn 2015-2020.  Theo đó, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao, hàng xa xỉ của thị trường Trung Quốc đã và đang tăng mạnh.

Thứ 3, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc đã và đang đường tăng cường. Hiện tại, vận tải container từ Trùng Khánh (trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực Tây Nam Trung Quốc) bằng đường bộ, đường sắt đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chỉ mất khoảng 45 giờ. Một loạt tuyến bay mới kết nối các thành phố lớn của hai nước đã được tăng cường trong mấy năm qua.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn chưa đánh giá đúng tính chất, tiềm năng và chưa khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc để nâng cao kim ngạch và chất lượng xuất khẩu. Phần lớn người sản xuất, xuất khẩu Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính”, còn tâm lý e ngại khi làm ăn với các đối tác lớn sâu trong nội địa Trung Quốc; chưa chú trọng tìm hiểu thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đưa hàng hóa Việt tiếp cận tầng lớp trung lưu, người giàu của Trung Quốc...

Việc chưa khai thác hiệu quả thị trường gần 1,4 tỷ dân với khoảng nửa tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu cũng là một nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề trong quan hệ thương mại Việt - Trung như: cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc luôn thâm hụt và mức độ thâm hụt ngày càng gia tăng trong những năm gần đây; Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô có giá trị gia tăng thấp và nhập những sản phẩm chế tác, có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao hơn do Trung Quốc sản xuất; tình trạng buôn bán tiểu ngạch, buôn lậu, gian lận thương mai vẫn phổ biến và rất khó kiểm soát... 

cao su
Cao su là một trong số những loại hàng hóa mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn.

 

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp bách là doanh nghiệp Việt Nam phải định vị lại thị trường Trung Quốc, cần coi đây là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng khá khó tính, đòi hỏi về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất khắt khe. Do đó, muốn chiếm lĩnh thị trường này và giảm nhập siêu, người Việt phải nâng tầm chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam thông qua thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...

Trong bối cảnh,Chính phủ hai nước Việt nam, Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc để có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Về ngành hàng, Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng để xuất khẩu các loại hàng hóa mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, Việt Nam có tiềm năng như:  cao su, dầu thô, than đá, thuỷ, hải sản, rau quả, đồ gỗ, hạt điều và các loại hàng nông sản chất lượng cao...

Về phạm vi thị trường, ngoài các địa phương lân cận như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng mở rộng xuất khẩu sang các tỉnh, thành phố miền trung, miền đông và các địa phương sâu trong nội địa Trung Quốc như: Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu; Phúc Kiến, Thượng Hải, Bắc Kinh, Chiết Giang, Tô Châu, Sơn Đông; Đại Liên, Thanh Đảo...

ThS. Trần Thu Thủy