Đo lường lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai tín dụng xanh - nghiên cứu thực nghiệm tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

THS. NGUYỄN NGỌC KHÁNH LINH (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại) - THS. ĐINH THỊ HÀ (Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại) - TS. ĐẶNG THỊ MINH NGUYỆT (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Trong chiến lược tăng trưởng xanh, vị thế ngân hàng ngày càng được khẳng định với vai trò cấp tín dụng xanh (TDX) cho nền kinh tế. Để có những đánh giá và giải pháp phát triển, việc đo lường lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX là cần thiết. Nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn sâu chuyên gia và phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua phương pháp phân tích độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’Alpha, phân tích các nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis) và các biến được trích rút để phân tích hồi qui đa biến, với bộ dữ liệu được thu thập từ 403 khách hàng. Kết quả chỉ ra khi triển khai TDX có xem xét các yếu tố liên quan đến môi trường, chất lượng cuộc sống,… sẽ làm gia tăng lợi ích xã hội; các dự án triển khai TDX mà chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận có thể sẽ làm giảm đi lợi ích về mặt xã hội của dự án. Nghiên cứu cũng cho thấy, để thúc đẩy tính bền vững về môi trường, các ngân hàng và tổ chức tài chính cần có khả năng giáo dục khách hàng về TDX và lợi ích của TDX; các dự án triển khai TDX của các ngân hàng thương mại (NHTM) mà xem xét đến các yếu tố phát triển bền vững (như môi trường, chất lượng sống, uy tín của doanh nghiệp,…) thì đạt được sự cân bằng cao giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

Từ khóa: tín dụng xanh, lợi ích kinh tế - xã hội của tín dụng xanh, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Trước thực trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã lựa chọn định hướng phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn thay vì theo đuổi chiến lược tăng trưởng trong ngắn hạn (Zhou, 2021). Theo mục tiêu này, các quốc gia cần lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế xanh. Việc triển khai TDX sẽ đạt được mục tiêu kép: môi trường và xã hội (Wang và cộng sự, 2021) và hướng tới phát triển bền vững, góp phần tăng sản phẩm quốc nội (GDP) (Chen 2021). Triển khai TDX tại các NHTM là xu thế tất yếu, mặc dù trong thời gian đầu còn gặp phải nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và tiến độ chậm chạp. Thực tế cho thấy, các NHTM cũng như các chủ thể liên quan còn đang băn khoăn và đặt câu hỏi phương án tối ưu để triển khai TDX, lợi ích kinh tế - xã hội của TDX như thế nào khi đứng ở vị thế của NHTM và nền kinh tế. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu sử dụng mô hình lượng hóa và trả lời được câu hỏi nêu trên. Các nghiên cứu về TDX ở Việt Nam cũng mới dừng ở việc nghiên cứu triển khai và chủ yếu tìm hiểu các rào cản cùng yếu tố hỗ trợ cho việc triển khai. Vậy, cần có các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của hoạt động này tại các NHTM.

Để tăng lợi ích kinh tế - xã hội khi triển khai TDX, việc xem xét đánh giá của khách hàng là cần thiết. Trực tiếp hưởng lợi từ các dự án TDX, nên khách hàng sẽ là người cuối cùng cảm nhận giá trị lợi ích môi trường, xã hội, cộng đồng. Kết quả của cảm nhận khách hàng là cơ sở đo lường lợi ích kinh tế - xã hội khi triển khai ngân hàng xanh, TDX của các NHTM (Piric, 2017).

Lợi ích kinh tế - xã hội khi triển khai TDX có mối quan hệ mật thiết với yếu tố môi trường. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra TDX giúp gia tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác động tiêu cực đến môi trường (Wang và cộng sự, 2021). Khi các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn xanh cần đáp ứng yêu cầu của bên cấp vốn, như: tuân thủ quy trình, hạn chế phát thải khí carbon, chất độc hại ra ngoài không khí (Popescu, 2019). Khi đồng loạt các doanh nghiệp đáp ứng điều này là đã đáp ứng yêu cầu về trách nhiệm xã hội và sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế - xã hội.

Triển khai TDX nằm trong khuôn khổ khung quy định phát triển bền vững hướng tới phục vụ cộng đồng. Thông qua các dự án TDX, người dân sẽ được sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp các doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường (Zhang, 2021). Mặc dù TDX được coi là công cụ trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp để phục vụ cộng đồng, nhưng vẫn có sự thông đồng giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nên còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa thực tế và kỳ vọng trong quá trình thực thi (Hongli, 2020) (Jin, 2011). Chính vì vậy, thông qua chính sách cấp TDX, NHTM yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), nhằm mục đích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (Chen, 2019).

Một số nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra có sự đối nghịch giữa hiệu quả kinh tế trong ngân hàng với quá trình triển khai TDX. Tuy nhiên, cũng cần xem xét vấn đề đó trong dài hạn, hướng tới phát triển bền vững thì hiệu quả kinh doanh của các NHTM sẽ gia tăng, góp phần tạo lập uy tín, tăng khả năng cạnh tranh (Nizam, 2019). Ngoài ra, sự điều chỉnh tăng dư nợ TDX trong tổng dư nợ tín dụng sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng (Cui, 2018). Điều này giúp các NHTM giảm rủi ro tín dụng và gia tăng hiệu quả tài chính (Yue Zhang, 2018).

Lợi kinh tế của người dân và cộng đồng sẽ gia tăng khi các NHTM đẩy mạnh triển khai hoạt động TDX. Người dân và cộng đồng là người hưởng lợi cuối cùng của các dự án TDX bao gồm: lãi suất ưu đãi và quy trình thủ tục rút gọn. Ngoài ra, các chương trình TDX cũng góp phần gia tăng công ăn việc làm, giải quyết vấn đề thất nghiệp; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp một cách hiệu quả (Shao, 2021), góp phần thúc đẩy lợi ích cộng đồng. TDX được coi như một công cụ truyền thông kết hợp với ý kiến cộng đồng sẽ nâng cao trách nhiệm xã hội và nâng cao nhận thức về lợi ích của không gian xanh (Cilliers, 2010). Ở góc nhìn khác, TDX tác động tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu về môi trường và thúc đẩy kinh tế - xã hội (Broto Rauth Bhardwaj và Aarushi Malhotra, 2013).

Nội dung chủ yếu của bài viết bao gồm: tổng quan nghiên cứu, trong đó tổng quan về tín dụng xanh, đo lường lợi ích kinh tế - xã hội khi triển khai TDX; các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra dựa trên cơ chế tác động, thiết kế dữ liệu, phân tích qui trình và xây dựng mô hình kinh tế lượng; kết quả và phân tích thực nghiệm đo lường lợi ích kinh tế - xã hội khi triển khai TDX của các NHTM Việt Nam; cuối cùng là kết luận, gợi ý.

2. Tổng quan nghiên cứu

Tại Việt Nam, một quốc gia cũng đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng bền vững thì “Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững” (Quyết định số 1393/QĐ-TTg). Như vậy, để tăng trưởng xanh, các quốc gia đều cho rằng cần sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn năng lượng, cần điều tiết nguồn vốn trong nền kinh tế vào các dự án, các ngành thân thiện với môi trường. Đây chính là cơ sở cho sự ra đời của khái niệm tín dụng xanh.

Về tín dụng xanh: là một trong hai hoạt động của ngân hàng xanh. Mặc dù tín dụng xanh là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngày càng ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực đến môi trường, thì khái niệm tín dụng xanh cần được quan tâm đúng mức. Nhiều nghiên cứu như: Thu Hà (2019), Trúc Minh (2019), Huyền Trang (2015) cho rằng tín dụng xanh là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh, mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.

Trần Trọng Phong và cộng sự (2016) đề cập đến quan điểm về tín dụng xanh là những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất - kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Thông qua việc giảm các tác động tiêu cực của khối doanh nghiệp đến môi trường - xã hội, tín dụng xanh không những có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Còn trong nghiên cứu của Nguyễn Minh Châu (2016) đã tổng hợp các quan điểm về ngân hàng xanh và tín dụng xanh. Theo đó, các hoạt động tín dụng xanh bao gồm: cho vay thế chấp xanh, cho vay thiết bị gia đình xanh, cho vay xây dựng tòa nhà thương mại xanh, cho vay mua xe xanh, thẻ tín dụng xanh và tài trợ dự án xanh.

Như vậy, quan điểm về tín dụng xanh được trình bày khá đa chiều ở các nghiên cứu. Ở các góc nhìn khác nhau, các tác giả đã làm rõ tín dụng xanh là hoạt động cấp vốn của các NHTM cho các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Các dự án tín dụng xanh không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung; các dự án liên quan đến trẻ em và biến đổi khí hậu.

* Lợi ích kinh tế - xã hội của việc triển khai tín dụng xanh

Thực tế cho thấy việc triển khai tín dụng xanh mang lại ảnh hưởng tích cực đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, như: hiệu quả kinh tế cho bản thân ngân hàng, hiệu quả cho toàn bộ nền kinh tế và hiệu quả cho môi trường và xã hội.

Đầu tiên, việc triển khai tín dụng xanh giúp gia tăng lợi ích kinh tế cho ngân hàng. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc áp dụng mô hình ngân hàng xanh hoặc dịch vụ tín dụng xanh giúp ngân hàng cải thiện được hình ảnh, gia tăng đáng kể uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường (Cowton, 2000; Scholtens, 2007; Grace, 2019, Chitra, 2020; Yin, 2021). Những ngân hàng có xem xét đến yếu tố môi trường khi đưa ra quyết định cho vay sẽ được cộng đồng đánh giá cao hơn và vì thế có lợi thế cạnh tranh hơn với các đối thủ (Cowton, 2000).

Bên cạnh đó, khi xem xét kĩ lưỡng các yếu tố môi trường trong suốt quá trình cho vay và kiểm soát sau cho vay, các ngân hàng cũng có thể giảm thiểu đáng kể rủi ro tín dụng và pháp lý, nâng cao chất lượng của các danh mục cho vay (Cui, 2018; Miroshchenko, 2019). Cụ thể hơn, trước khi cấp tín dụng xanh, các ngân hàng thương mại sẽ phải thực hiện một quá trình thẩm định nghiêm ngặt, đánh giá và đo lường những rủi ro môi trường xã hội của dự án đầu tư, từ đó có thể giảm thiểu được tối đa rủi ro vỡ nợ do các vấn đề về môi trường và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (Worsdorfer, 2015). 

Quan trọng hơn hết, cung cấp dịch vụ tín dụng xanh cho thấy tác động tích cực tới kết quả hoạt động của ngân hàng (Zhang, 2018; Yin, 2020; Zhou, 2021). Bằng việc sử dụng mô hình GMM để nghiên cứu các ngân hàng tại Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018, Yin và cộng sự đã chỉ ra rằng chỉ tiêu tín dụng xanh có ảnh hưởng thuận chiều tới khả năng sinh lời của các ngân hàng. Đồng ý với quan điểm này, Zhou và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính của ngân hàng từ góc độ tín dụng xanh. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, dù trong ngắn hạn, việc thực hiện trách nhiệm xã hội làm tăng gánh nặng tài chính cho các ngân hàng nhưng trong dài hạn, nó sẽ có xu hướng giúp ngân hàng minh bạch thông tin, giảm thiểu các rủi ro môi trường và qua đó ảnh hưởng tích cực đến năng lực tài chính của ngân hàng.

Không chỉ có tác động đến kết quả kinh doanh của ngân hàng, việc triển khai tín dụng xanh cũng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Zhou và cộng sự (2020) đã thực hiện đo lường sự phát triển của tài chính xanh, từ đó xây dựng mô hình đánh giá tác động của tài chính xanh lên sự phát triển của nền kinh tế. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, tài chính xanh có tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung và kinh tế của một số khu vực nói riêng. Một nghiên cứu khác được triển khai vào năm 2020 của Hu và cộng sự cho thấy tín dụng xanh có ảnh hưởng tích cực đến cơ cấu ngành công nghiệp khi nó hạn chế cung cấp vốn cho những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường, qua đó gián tiếp buộc những doanh nghiệp này phải chuyển đổi xanh hoặc chấp nhận bị đào thải khỏi thị trường. Ngoài ra, các chính sách tín dụng xanh của ngân hàng cũng góp phần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động theo định hướng bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng (He, 2018).

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc triển khai tín dụng xanh còn mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội. Các quyết định tài chính xanh của ngân hàng thương mại góp phần làm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của con người lên hệ sinh thái, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, góp phần kiến tạo một xã hội bền vững trong tương lai (Shershneva, 2020). Cụ thể hơn, trong nghiên cứu của Muhammad và cộng sự (2021), tài chính xanh được chứng minh là công cụ hữu hiệu giúp làm giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Ngoài ra, hiệu quả xã hội của hoạt động tín dụng xanh được thể khiện khá rõ ràng khi rất nhiều nghiên cứu đã nhắc tới việc triển khai tín dụng xanh hoặc ngân hàng xanh như một hình thức để các ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội của mình (Goyal, 2014; Kanak, 2015; Cui, 2019; Zhou, 2020).

Như vậy, hiệu quả của tín dụng xanh về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường đã được thể hiện qua nhiều nghiên cứu, tuy nhiên đa phần các nghiên cứu này đều được thực hiện tại các thị trường như Trung Quốc (Zhang, 2018; Cui, 2019; Yin, 2020; Zhou, 2021), Ấn Độ (Goyal, 2011; Rajan, 2017; Chitra, 2020) và một số nước châu Âu (Cowton, 2000; Grace, 2019) chứ chưa có nghiên cứu nào đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của hoạt động tín dụng xanh tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, những năm gần đây, Việt Nam đã có những định hướng cực kì rõ ràng trong việc triển khai hoạt động tín dụng xanh tại các ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” và Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo chủ trương này, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai hệ thống chính sách quản lý rủi ro môi trường xã hội khi cấp tín dụng và đưa ra các sản phẩm tín dụng xanh đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng xanh tại các ngân hàng trong giai đoạn vừa qua có sự tăng trưởng đáng kể, từ mức gần 84.800 tỷ đồng vào quý 3 năm 2016 tăng lên 310.600 tỷ đồng vào quý 2 năm 2019, tương đương với mức tăng tỷ trọng từ 1,5% lên 4,1% trên tổng dư nợ nền kinh tế (Phan, 2021). Do vậy, rất cần có một nghiên cứu về hiệu quả của hoạt động tín dụng xanh tại thị trường Việt Nam sau một thời gian các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ này.

3. Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu (Hình 1)

Dựa trên cơ sở lý thuyết về TDX, tổng quan nghiên cứu và kết quả phỏng vấn với các chuyên gia, nhóm tác giả đề xuất 5 giả thuyết nghiên cứu và mô hình đo lường lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX tại các NHTM Việt Nam như sau:

H1: Nhận thức chung về TDX của khách hàng càng cao sẽ làm tăng Lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX.

H2: Yếu tố xã hội cộng đồng gắn với TDX càng cao sẽ làm tăng Lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX.

H3: Yếu tố môi trường gắn với TDX càng cao sẽ làm tăng Lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX.

H4: Yếu tố kinh tế của ngân hàng gắn với TDX càng cao làm tăng Lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX.

H5: Yếu tố kinh tế của người dân, cộng đồng gắn TDX càng cao sẽ làm tăng Lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX.

3.2. Dữ liệu

* Dữ liệu nghiên cứu

Để đo lường lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX ở NHTM Việt Nam, đề tài sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng

- Đối với nghiên cứu định tính: Phỏng vấn sâu chuyên gia được sử dụng trong nghiên cứu để xây dựng, hiệu chỉnh các biến quan sát của mô hình và khám phá thêm các nhân tố trong đo lường lợi ích kinh tế - xã hội của triển khai TDX tại các NHTM Việt Nam.

- Đối với nghiên cứu định lượng: Để thu thập dữ liệu cho nghiên cứu, một khảo sát đã được thực hiện đối với các đối tượng là khách hàng của các NHTM. Đặc điểm của các khách hàng này là họ đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng và/hoặc đang sử dụng dịch vụ TDX của ngân hàng và ở các địa bàn khác nhau trên cả nước. Số phiếu phát ra và thu về là 450 phiếu, sau khi tiền xử lý đối với các phiếu khuyết dữ liệu và phiếu lỗi, số phiếu hợp lệ còn lại là 403 phiếu. Các câu hỏi được đặt ra để khách hàng đánh giá mức độ về các khía cạnh của TDX ảnh hưởng tác động lên các yếu tố kinh tế và xã hội dựa trên thang đo likekirt. Dựa trên mục đích nghiên cứu và dữ liệu điều tra sau khi tiền xử lý, danh sách các biến của tập dữ liệu được chia thành 5 nhóm biến và nhận thức chung như sau:

- Nhận thức chung: bao gồm các biến cantdx, cotdx, htro_nn

- Yếu tố xã hội: bao gồm các biến tang_tnxh, ptbvung, sdspsach, clcsong

- Yếu tố môi trường: bao gồm các biến bvmtruong, nthucbvmt, kttnguyen, spdhai, ttmt

- Yếu tố kinh tế của ngân hàng: bao gồm các biến uy tin, knctranh, ntnhap, loinhuan, roe, roa, hqnluc, rrtdung

- Yếu tố kinh tế của người dân, cộng đồng: tcnvay, hqnlxh, lsudai, qtttuc, vlam

- Tương ứng với các biến đầu ra bao gồm: loiichKT, loiichXH,CbangKTXH

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA

Dựa trên tiêu chí về trị số Eigenvalue, kết quả cho thấy các biến được tải lên 2 nhân tố và giải thích được 76.33% sự biến thiên của dữ liệu.

Tiếp tục tính hệ số KMO và kiểm định Barlett. Kết quả cho thấy với P-value>0.5 và hệ số KMO=0.976 cho thấy phép phân tích nhân tố là phù hợp. (Bảng 1)

Bảng 4.1. Ma trận nhân tố tải thu được

Từ ma trận xoay hay còn gọi ma trận tải nhân tố, ta thấy có các biến xấu cần phải loại. Cụ thể là các biến knctranh, ntnhap, loinhuan, hqnluc, rrtdung, tcnvay, hqnlxh, lsudai, qtttuc, vlam, do đây là các biến tải lên 2 hay nhiều nhóm nhân tố và chênh lệch hệ số tải nhỏ hơn 0.3. Sau khi loại các biến này, thực hiện chạy lại EFA, kiểm định Barlett và tính lại hệ số KMP, ta có kết quả như sau: giá trị KMO=0.957, mô hình không còn biến xấu và dựa trên ma trận nhân tố tải các biến được chia thành 2 nhóm nhân tố. Các nhân tố này được đặt lại tên nhóm nhân tố và biến đại diện như sau:

- Nhóm nhân tố 1 với tên biến đại diện là LI_XH bao gồm các biến: can_tdx, htro_nn, tang_tnxh, ptbvung, sdspsach, clcsong, bvmtruong, nthucbvmt, kttnguyen, spdhai, ttmt, uytin. Nhóm nhân tố này chủ yếu phản ánh về trách nhiệm xã hội, sự quan tâm đến bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống, uy tín của doanh nghiệp (tương ứng với sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp lẫn xã hội).

- Nhóm nhân tố 2 với tên biến đại diện là LI_KT bao gồm các biến: roa và roe. Nhóm nhân tố này phản ánh về mục tiêu tài chính của doanh nghiệp.

Các biến mới này được tính toán lại bằng cách lấy giá trị trung bình cộng của các biến trong nhóm nhân tố tương ứng.

4.2. Kết quả kiểm định tương quan và phân tích mô hình hồi qui

* Kiểm định tương quan Pearson giữa các biến độc lập lập và biến phụ thuộc

Từ bảng kết quả hệ số tương quan Pearson với giá trị sig<0.05 cho thấy các biến độc lập và các biến phụ thuộc đều có mối tương quan dương ở mức trung bình và mạnh. Và giữa các biến độc lập cũng có mối tương quan ở mức trung bình.

Đồng thời dựa vào hệ số phóng đại VIF=1.56, cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến tổng: LI_KT và LI_XH. Tiếp theo là kết quả phân tích hồi quy đối với từng biến đầu ra. (Bảng 2)

* Phân tích hồi quy

Lợi ích của triển khai TDX được xác định dựa trên 3 biến đầu ra bao gồm lợi ích kinh tế (loiichKT), lợi ích xã hội (loiichXH), cân bằng lợi ích giữa kinh tế và xã hội (cbangKTXH). Kết quả phân tích hồi quy cho 3 biến này thu được như Bảng 3, Bảng 4.

Đối với lợi ích kinh tế, cả 2 biến LI_XH và LI_KT đều có tác động cùng chiều với mức ý nghĩa thống kê lên đến 99.5% và giải thích được 60.57% sự biến thiên của lợi ích kinh tế khi triển khai TDX.

Đối với lợi ích xã hội, biến LI_XH có tác động cùng chiều, trong khi đó biến LI_KT (được xác định từ hai biến ban đầu là roa và roe) có tác động ngược chiều (mặc dù tác động rất bé với hệ số hồi quy là -0.0017156 và mức ý nghĩa rất thấp).

Đối với cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội, cả 2 biến LI_XH và LI_KT đều có tác động cùng chiều với biến đầu ra. Tuy nhiên, sự tác động của biến LI_XH có ý nghĩa về mặt thống kê lên đến 99.9%, còn sự tác động của biến LI_KT không có ý nghĩa về mặt thống kê và sự tác động không lớn. Với khả năng giải thích cho sự biến động của biến đầu ra lên đến 70.62%.

5. Trao đổi

Đối với lợi ích kinh tế, cả 2 biến LI_XH và LI_KT đều có tác động cùng chiều khi triển khai TDX. Điều này chứng tỏ việc triển khai TDX tại các NHTM có xem xét cả 2 nhóm yếu tố về lợi nhuận lẫn môi trường, chất lượng cuộc sống,… sẽ làm gia tăng lợi ích kinh tế.

Đối với lợi ích xã hội, biến LI_XH có tác động cùng chiều trong khi đó biến LI_KT có tác động ngược chiều. Điều này có thể hiểu rằng khi triển khai TDX mà xem xét kỹ các yếu tố liên quan đến môi trường, chất lượng của sống,… sẽ làm gia tăng lợi ích xã hội; còn các dự án triển khai TDX mà chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận có thể sẽ làm giảm đi lợi ích về mặt xã hội của dự án.

Đối với cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội, cả hai biến LI_XH và LI_KT đều có tác động cùng chiều với biến đầu ra. Tuy nhiên, sự tác động của biến LI_XH có ý nghĩa về mặt thống kê, còn sự tác động của biến LI_KT không có ý nghĩa về mặt thống kê và tác động không lớn. Điều này cho thấy, các dự án triển khai TDX của các NHTM mà xem xét kỹ đến các yếu tố phát triển bền vững (như môi trường, chất lượng sống, uy tín của doanh nghiệp,…) thì các dự án đó càng có sự cân bằng cao giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam về: Tăng trưởng xanh, Ngân hàng xanh, Tín dụng xanh, Tài chính xanh, Đầu tư xanh.
  2. Hợp tác Đức (2016), “Cải cách khu vực tài chính xanh tại Việt Nam - Các chương trình trái phiếu xanh, chỉ số xanh và tín dụng xanh.
  3. Ngân hàng Nhà nước (2018), “Đề án phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam”.
  4. Phạm Xuân Hòe (2015), “Hoàn thiện khung chính sách khuyến khích phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, số 16, tháng 8/2015.
  5. Trần Thị Thanh Tú (2016), “Đánh giá thực tiễn ngân hàng xanh tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, sbv.gov.vn, bài đăng ngày 31/10/2016.
  6. Yanli Wang, Xiaodong Lei, Dongxiao Zhao, Ruyin Long và Meifen Wu. (2021). The Dual Impacts of Green Credit on Economy and Environment: Evidence from China. Sustainability, 13, 4574.
  7. Yuming Zhang , Chao Xing và David Tripe. (2021). Redistribution of China’s Green Credit Policy among Environment-Friendly Manufacturing Firms of Various Sizes: Do Banks Value Small and Medium-Sized Enterprises?. Environmental Research and Public Health, 18 (1),33.
  8. Chen C, Zhang Y, Bai Y, Li W. (2021). The impact of green credit on economic growth-The mediating effect of environment on labor supply. PLoS ONE, 16(9), e0257612. https://doi.org/ 10.1371/journal.pone.0257612.

Measuring socio-economic benefits of green credit: An experimental study in Vietanm’s commerical banks

Master. Nguyen Ngoc Khanh Linh 1

Master. Dinh Thi Ha 2

Ph.D Dang Thi Minh Nguyet 1

1 Faculty of Finance and Banking, Thuongmai University

2 Faculty of Economic Information Systems and E-commerce, Thuongmai University

ABSTRACT:

In the green growth strategy, the role of banks is increasingly affirned as they provide green credit to the economy. It is necessary to measure the socio-economic benefits of green credit in order to have appropriate development solutions for green credit. This study used in-depth interviews with experts and quantitative research methods including the tau-equivalent reliability, also known as Cronbach's alpha and the exploratory factor analysis. In this study, variables were extracted for the multivariable regression analysis with data sets collected from 403 customers. The study’s results show that if the factors of environment, quality of life, etc. are considered during the implementation of green credit, the social benefits of green credit projects will be increased. Meanwhile, if the green credit project only focuses on profit goals, the project’s social benefits will be reduced. The study’s results also point out that banks and financial institutions should educate their customers about the green credit and its benefits to promote the environmental sustainability. Commercial banks’ green credit projects would gain more socio-economic benefits when considering sustainable development factors like environment, quality of life, business reputation, etc.

Keywords: green credit, socio-economic benefits of green credit, commercial banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]