Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc tại Tuyên Quang và Phú Thọ: Ghi nhận từ công tác truyền thông an toàn thực phẩm

Trong 2 ngày 17 - 18/1/2022, Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương (Đoàn công tác số 3) do Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022. Đoàn công tác do ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ làm Trưởng đoàn đã có chuyến làm việc tại Tuyên Quang và Phú Thọ, tham gia đoàn có đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế.

Ghi nhận từ công tác truyền thông an toàn thực phẩm

Báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành An toàn Thực phẩm của Tuyên Quang và Phú Thọ cho thấy, trong năm 2021 vừa qua, kết quả thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương đều duy trì đảm bảo, được người dân địa phương ghi nhận. Có thể nói, để đạt được kết quả như vậy, công tác công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực An toàn thực phẩm (ATTP)luôn được các địa phương chú trọng.

Ông Lộc Kim Liễn, Phó giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động. Chủ động đưa tin về ATTP trên cơ quan báo, đài của tỉnh, cổng thông tin điện tử, website của các ngành.

Nội dung đưa tin kịp thời về hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Từ đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc tại Tuyên Quang

Đặc biêt, Tuyên Quang là tỉnh có nhiều bà con đồng bào dân tộc sinh sống, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang đã phát sóng tin, bài, phóng sự bằng 5 thứ tiếng Việt, Tày, Dao, cao Lan, Mông. Báo Tuyên Quang đã tổ chức tuyên truyền đăng tải gần 1.000 tin, bài tuyên truyền, phản ánh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên báo in, báo điện tử.

Về công tác tập huấn, ngành Y tế Tuyên Quang tổ chức 07 hội nghị tập huấn bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú. Ngành Nông Nghiệp tổ chức 20 lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Ngành Công Thương, Cục Quản lý thị trường tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cho 140 học viên là cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng các huyện, phòng kinh tế thành phố; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc quản lý ngành công thương trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Tuyên Quang đã treo 40 băng rôn và 38 phướn tuyên truyền về ATTP,  tổ chức cho cơ sở  kinh doanh thực phẩm trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm sử dụng chất cấm, phụ gia không được phép sử dụng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức thành viên các cấp đã phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền Phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuyên truyền tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định và ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi theo đúng quy trình; tuyên truyền về tác hại của việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải công bố quy trình bảo đảm an toàn.

Tại Phú Thọ, công tác thông tin, truyền thông về ATTP luôn gắn với biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP bị xử lý theo quy định.

Theo ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP bằng nhiều hình thức với các nội dung phong phú, phù hợp với các đối tượng được truyền thông.

ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ

 

Tháng hành động vì ATTP năm 2021 cũng là lúc xảy ra dịch Covid -19, Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh Thực phẩm Phú Thọ xây dựng chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình thình bình thường mới”. Khi cả nước trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cách ly, hạn chế tiếp xúc và giãn cách xã hội, để thông tin về ATTP đến được với nhân dân hiệu quả nhất, các ngành, các cấp đã thực hiện tuyên truyền gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh, truyền hình, website), các hình thức truyền thông khác (tờ rơi, bandzol,...) đã góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cụ thể, đã có  56 phóng sự, phát thông điệp 100 lượt trên Ðài PT-TH tỉnh, 11.184 lượt phát trên Ðài Phát thanh, truyền thanh huyện, xã; 10 tin bài trên Báo Phú Thọ, 84 tin, bài trên Cổng Thổng tin điện tử tỉnh, website của các Bộ, ngành và trên website của các sở, ngành, fanpage, zalo…

Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý trong an toàn thực phẩm

Có thể thấy, tại Tuyên Quang, Phú Thọ, theo chức năng được phân công, các cơ quan là ủy viên Ban Chỉ đạo ATTP đã khắc phục những khó khăn về nhân lực, vật lực, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc về công tác bảo đảm ATTP, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa sự cố về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, tháng hành động, Tết Trung thu. Các ngành như Nông nghiệp, Y tế, Khoa học Công nghệ… không ngừng tăng cường kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP đối với các cơ sở thực phẩm, triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Tại Tuyên Quang, năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới các chuỗi cung ứng và các hoạt động thương mại, dịch vụ nói chung. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP trên địa bàn tỉnh có nhiều sự thay đổi, giảm các cuộc thanh tra và kiểm tra. Tuy nhiên, để đảm bảo “mục tiêu kép” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đã được tăng cường chỉ đạo. Ngành Y tế Tuyên Quang trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra được 1.393 lượt cơ sở, phát hiện 43 vụ vi phạm; xử lý phạt tiền 02 vụ với tổng số tiền phạt 8.800.000 đồng, nhắc nhở 41 vụ…

Ngành Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm tra được 327 cơ sở (Vật tư nông nghiệp 119 cơ sở; Thực phẩm nông lâm thủy sản 208 cơ sở), phát hiện 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm, xử phạt 32,87 triệu  đồng đồng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm soát phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 105 vụ với tổng số tiền phạt 133,4 triệu đồng,  giá trị hàng hóa tiêu hủy 106,526 triệu đồng.

Ngành Công an đã phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 86 vụ/86 đối tượng vi phạm phạt tiền 86 vụ với tổng số tiền phạt 280,8 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 395,1 triệu đồng…

Qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, công tác xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đã giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận của Đoàn công tác số 3 tại tỉnh Phú Thọ cho thấy, hoạt động xây dựng mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn triển khai triển khai rộng khắp.

Ngành Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ đã chỉ đạo tập trung phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP; VIETGAP...) trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi. Hỗ trợ xây dựng 04 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (chuỗi cung cấp sản phẩm thịt chua an toàn Thanh Sơn, chuỗi cung cấp sản phẩm chè an toàn, chuỗi cung cấp sản phẩm rau an toàn, chuỗi cung cấp Hồng Gia Thanh an toàn) và 01 mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ chế biến, cải tiến mẫu mã bao bì, ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lý lượng và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.

Quá trình kiểm tra thực tế công tác an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ -  Trưởng đoàn Công tác số 3 đánh giá, HTX Tứ Xã là một trong những đơn vị triển khai tốt liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, các khâu sơ chế, đóng gói đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã cho biết: “Từ khi tham gia vào HTX, người dân được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn như sử dụng thuốc bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm đúng cách giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại năng suất cao hơn trước. Quan trọng hơn, sản phẩm sản xuất ra được ký kết hợp đồng bao tiêu với các trường học, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng với giá cao hơn thị trường. Từ đó, tư duy sản xuất và nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, tạo nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe, đáp ứng nhu cầu thị trường được nâng lên.

Ông Nguyễn Việt Tấn (trái), Trưởng đoàn Công tác số 3, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP làm việc với Anh Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã

Trong năm, ngành Công Thương Phú Thọ đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng 03 mô hình chợ An toàn thực phẩm (tại xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy; xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng; xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê) với số tiền hỗ trợ là: 300 triệu đồng/ chợ.

Duy trì công tác an toàn thực phẩm 

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nước uống đóng chai, thực phẩm an toàn tại tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, Đoàn Công tác số 3 cho rằng, Thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm Tuyên Quang và Phú Thọ cần bám sát chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ ngành để duy trì tốt công tác thanh kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này.

Cụ thể, sau khi kiểm tra thực tế tại siêu thị Vinmart Tuyên Quang, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương đã chọn ngẫu nhiên 11 sản phẩm trong tổng số hơn 3.000 sản phẩm. Qua kiểm tra, siêu thị Vinmart Tuyên Quang chưa xuất trình được bản kế hoạch và nghiệm thu định kỳ theo hợp đồng nguyên tắc về cung cấp dịch vụ kiểm soát sinh vật gây hại; đối với sản phẩm đùi cừu có xương New Zealand, bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Công ty CP sản phẩm New Zealand đã hết hiệu lực; sản phẩm DEEDO thạch Thái Lan 3 in 1 trái cây 720g, kết quả kiểm nghiệm 2 chỉ tiêu Chì và Cadimi chưa được thực hiện tại phòng kiểm nghiệm được công nhận VILAS (công nhận phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn của Việt Nam) đối với các chỉ tiêu này…

Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Việt Tấn, Trưởng đoàn Công tác số 3, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP yêu cầu Ban chỉ đạo ATTP tỉnh Tuyên Quang tiếp tục làm việc, yêu cầu đơn vị hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác ATTP theo biên bản kiểm tra việc chấp hành luật về ATTP. Nếu có sai phạm thì tiến hành xử phạt theo quy định đồng thời làm báo cáo gửi về Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương.

Kiểm tra và làm việc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Khánh Hà, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, Trưởng đoàn Nguyễn Việt Tấn yêu cầu cơ sở này nhanh chóng khắc phục một số thiếu sót trong khâu sản xuất. Đồng thời Đoàn công tác số 3 cũng lưu ý về việc duy trì việc lấy mẫu với cơ sở nước đóng bình Khánh Hà.

Đoàn Kiểm tra và làm việc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Khánh Hà

Cũng theo ông Nguyễn Việt Tấn, nhằm tiếp tục triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022, theo kế hoạch Đoàn kiểm tra đề nghị các cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết cần tiếp tục duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Đối với Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Tuyên Quang thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022, trong đó dự kiến sẽ kiểm tra khoảng 25 đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Với tỉnh Phú Thọ, Căn cứ Kế hoạch số 2078/KH-BCĐTƯATTP ngày 15/12/2021 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 6025/KH-UBND ngày 30/15/2022 về việc Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó có chỉ đạo thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP (Số 1, số 2, số 3) thực hiện công tác kiểm tra tại các huyện, thành, thị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Thăng Long