Doanh nghiệp an tâm bình ổn giá, hàng Việt "ngập lối" Tết Canh Tý 2020

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm nổi bật của hoạt động thị trường Tết năm nay là việc đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tổ chức hàng nghìn chuyến hàng lưu động, hàng nghìn phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các nhà phân phối đã sẵn sàng lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2020

Hàng Việt bình ổn giá, chiếm ưu thế mùa Tết

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, sức mua trên thị trường được dự báo sẽ tăng khá ở mức khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.

Đến nay, 37/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó có 13 địa phương có kế hoạch, triển khai Chương trình bình ổn thị trường.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương trả lời báo chí về công tác thị trường Tết 2020

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.

Riêng 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số tiền chi cho hàng hóa phục vụ Tết đã lên đến hơn 60.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020, hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm chủ yếu trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương.

Các sản phẩm hàng Việt khi đưa vào chương trình bình ổn sẽ được cam kết bán với giá thấp hơn giá thị trường 5% và có thể điều chỉnh giá nếu cần thiết nhưng mức tăng không quá 10%/lần.

Hàng Việt chiếm chủ yếu trong danh mục hàng bình ổn thị trường vào dịp Tết của Saigon Co.op 
Hàng Việt chiếm chủ yếu trong danh mục hàng bình ổn thị trường vào dịp Tết của Saigon Co.op

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.opMart Nguyễn Trãi, dự báo lượng tiêu thụ Tết tăng trưởng 15-40%, siêu thị này đã chuẩn bị kế hoạch cho Tết Nguyên đán Canh Tý từ đầu tháng 6/2019 để sẵn sàng nguồn hàng cung ứng trong 3 tháng cuối năm trước, trong và sau Tết.

Trong đó, mặt hàng tiêu thụ lớn nhất hiện nay vẫn là bánh, mứt, kẹo. Từ hôm nay (ngày 23 tháng Chạp) trở đi dự báo sẽ chuyển sang các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây, thịt các loại và đến ngày 29 Tết thực phẩm tươi sống sẽ là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nhất.

Các thương hiệu Việt vẫn chiếm ưu thế lớn trong hệ thống hàng hóa Tết của Saigon Co.op, lên đến 97% đối với các mặt hàng bánh mứt kẹo và hàng hóa thiết yếu.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng người Việt Nam hiện nay rất ưa chuộng hàng Việt, một phần do các doanh nghiệp đã nắm bắt tốt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.

Người Việt đang có nhu cầu lớn hơn đối với hàng Việt nhờ các doanh nghiệp nắm bắt tốt thị hiếu trong nước
Người Việt đang có nhu cầu lớn hơn đối với hàng Việt nhờ các doanh nghiệp nắm bắt tốt thị hiếu trong nước

Trong khi đó, đại diện Central Retail, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C cho biết, năm nay, Big C đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Canh Tý 2020 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Để giúp người dân thuận tiện mua sắm, Big C cũng kéo dài thời gian mở cửa hơn, tới 14h ngày 30 Tết (24/1/2020) và khai trương trở lại ngay vào mùng 2 Tết (26/1/2020).

Đặc biệt, tỷ lệ hàng Việt tại Big C vẫn giữ vững ổn định mở mức trên 90%, riêng các loại bánh mứt kẹo đóng hộp phục vụ Tết có trên 95% là thương hiệu Việt.

Big C sẽ kéo dài thời gian mở bán tới chiều 30 Tết và khai trương sớm vào mùng 2 Tết Canh Tý
Big C sẽ kéo dài thời gian mở bán tới chiều 30 Tết và khai trương sớm vào mùng 2 Tết Canh Tý (Ảnh: Internet)

Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt đi xa hơn 

Không chỉ ở hệ thống bán lẻ hiện đại, một trong những điểm mới của Tết năm nay mà Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt là phối hợp với các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng lưu động về khu công nghiệp, khu chế xuất,… nơi nhiều người lao động, công nhân không có điều kiện đi mua sắm Tết.

Trên phạm vi cả nước, đã có hàng nghìn chuyến hàng lưu động, hàng nghìn phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa được tổ chức.

Chợ tết Hapro 2020 ngày 16/1 vừa qua tổ chức tại Chợ Mỹ Cầu, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà, Hà Nội (Ảnh: Báo Đầu tư)
Chợ tết Hapro 2020 ngày 16/1 vừa qua tổ chức tại Chợ Mỹ Cầu, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà, Hà Nội (Ảnh: Báo Đầu tư)

Các hàng hóa đưa vào chương trình được các doanh nghiệp lựa chọn đều là hàng Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, gia vị, dầu ăn,…

Các đợt bán hàng lưu động cũng như các chương trình phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Tết năm 2020 đều được doanh nghiệp cũng như người dân địa phương hưởng ứng tích cực và mang lại hiệu quả cao trong việc góp phần bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp và Hiệp hội đã kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong những chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu vùng xa, cụ thể như kinh phí vận chuyển, tổ chức, tuyên truyền, quảng bá…, nhằm bảo đảm bình ổn giá, phù hợp với mức sống chưa cao của người dân ở các khu vực này.

Chương trình đưa hàng Việt đến nông thôn, hải đảo, khu công nghiệp, khu chế xuất đang dần cân bằng được lợi ích của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp
Chương trình đưa hàng Việt đến nông thôn, hải đảo, khu công nghiệp, khu chế xuất đang dần cân bằng được lợi ích của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp

Nhận định rõ vấn đề này, năm nay, Bộ Công Thương đã lựa chọn hỗ trợ các doanh nghiệp khi bán hàng Việt phục vụ người dân nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa và các khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.

“Năm nay, chúng tôi dành một nguồn kinh phí có thể nói là tương đối lớn để hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng Việt, trích từ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, từ các chương trình xúc tiến thương mại vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo và các chương trình nằm trong Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông thông tin thêm.

“Khi nhà nước hỗ trợ kinh phí như vậy thì các mặt hàng, đặc biệt là hàng Việt, đưa về phục vụ cho người tiêu dùng có chất lượng và giá cả tương đối tốt, giúp người lao động có cơ hội mua sắm hàng hóa tốt hơn, có được cái Tết đủ đầy và ấm no”.

Theo Bộ Công Thương, qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các địa phương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với sự tham gia của hơn 100.000 lượt doanh nghiệp.

Thy Thảo