Tại sự kiện các đại biểu, chuyên gia đã trình bày nhiều nội dung, cung cấp các thông tin quan trọng về bối cảnh, xu hướng, thách thức cũng như các cơ hội, kinh nghiệp… giúp các doanh nghiệp Dệt May nâng cao nhận thức, nhanh chóng ổn định sản xuất tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách, nỗ lực chuyển mình nhằm, bắt kịp xu thế, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh, thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng… qua đó nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh nhiều biến động để phát triển.

Tại hội thảo các doanh nghiệp và đại biểu đã được cung cấp các thông tin về; Chính sách thu hút và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May; Dự báo tiềm năng, cơ hội thách thức Dệt May trong bối cảnh mới; Xu hướng quản trị doanh nghiệp để bứt phá phát triển; Cơ chế, chính sách tín dụng xanh nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Dệt May; Kinh nghiệm, giải pháp “xanh hóa” trong Dệt May…

Tham luận tại sự kiện, Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bối cảnh hiện nay đang là thời điểm vàng để thu hút đầu tư nước ngoài ( FDI) vào Việt Nam. Tuy nhiên Ngành Dệt May cần thu hút FDI có chọn lọc ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị; các giải pháp về khoa học công nghệ để “ xanh hóa” Dệt May, hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới…

ông Trương Văn Cẩm chia sẻ tại sự kiện
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết năm 2022 Dệt May có mục tiêu xuất khẩu 43 - 43,5 tỷ USD và từ nay đến 2030 Ngành chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững

Ông Cẩm cũng cho biết những thách thức cho phát triển bền vững của Dệt May như : nguồn nguyên phụ liệu (bông, xơ…) vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; do nhận thức cũ nhiều địa phương vẫn e ngại (về mặt môi trường) với các dự án dệt nhuộm; Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CN 4.0 và các khâu dệt, nhuộm, thiết kế; Các thị trường XK của Dệt May Việt Nam là thị trường đẳng cấp, khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn Vệ sinh an toàn sản phẩm; Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển bền vững lớn…

Chia sẻ về xu hướng quản trị doanh nghiệp để bứt phá phát triển ông Đỗ Tiến Long, chuyên gia cao cấp về Tư vấn phát triển Tổ chức và chiến lược (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Quản trị Chiến lược, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết hiện nay công nghệ kỹ thuật số đang tạo ra những thay đổi lớn về hành vi khách hàng, các mô hình kinh doanh cũ đang dần mất giá trị và thế giới đã không còn như cũ sau dịch bệnh và tác động của công nghệ.

Theo ông Long trong bối cảnh mới này doanh nghiệp cần tích lũy năng lực và tri thức cho các mô hình tổ chức mới đồng thời phải có khung tư duy cho phép nhanh chóng thích ứng và phản hồi với thay đổi, từ đó mới đạt được thành công trong một môi trường liên tục biến động và không chắc chắn..

sản phẩm từ sợi cây gai xanh của Tập đoàn An Phước
Với chiến lược kinh doanh là dẫn đầu sản phẩm khác biệt đối với phân khúc thị trường cao cấp, tập trung khai thác thị trường châu Âu tại sự kiện Tập đoàn An Phước Viramie chia sẻ câu chuyện về tiên phong trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam một nội hàm trong “xanh hóa” công nghiệp Dệt May

Nhiều năm qua Ngành Dệt May Việt Nam luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta. Với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, đội ngũ lao động có tay nghề chiếm tỉ lệ lớn cùng các chính sách ưu đãi, ngành Dệt May đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, vừa tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp Dệt May từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Kết quả 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 16,94 tỷ USD tăng 19,5% so cùng kỳ; Xuất khẩu (XK) vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; XK xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; XK phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD tăng 22,3%; XK vải không dệt đạt 452 triệu USD tăng 25,5%... đồng thời xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Qua thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp Dệt May đã có những thay đổi về nhận thức thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, ngoài việc đa dạng hóa dòng hàng, thì còn đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng với nền tảng cơ chế thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây.

Nhiều doanh nghiệp Dệt May đã và đang đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được áp lực của thị trường.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Dệt May cũng là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều từ các FTA thế hệ mới. Tuy nhiên tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các FTA mang lại, ngành Dệt May trong nước phải đáp ứng được các quy tắc ứng xử ngày càng khắt khe, đòi hỏi sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp cùng các cơ chế chính sách linh hoạt hiệu quả.