Doanh nghiệp được hỗ trợ gì khi tiếp cận thị trường CPTPP?

Giải pháp thứ hai "Tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP" hàm ý rằng, các cơ quan Chính phủ và địa phương cần giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn thị trường 500 triệu dân với GDP hơn 10 ngàn tỷ USD này.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung vào 6 nhóm giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế:

1. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản;

2. Tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu;

3. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc;

4. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng;

5. Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công;

6. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là một số văn bản quy định pháp luật đang gây vướng mắc, ảnh hưởng đến sự phát triển.

Giải pháp thứ hai "Tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP" hàm ý rằng, các cơ quan Chính phủ và địa phương cần giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn thị trường 500 triệu dân với GDP hơn 10 ngàn tỷ USD này.

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ gì? Tháng 2 năm nay, Bộ Công Thương phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, giới thiệu Thông tư số 03 của Bộ Công Thương quy định quy tắc ứng xử hàng hóa trong CPTPP, có hiệu lực từ ngày 8-3-2019.

Theo đó, giấy chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP. Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam, áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ do cơ quan, tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà sản xuất đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 - 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm, kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Đầu tháng 4 này, Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 440/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch thực hiện CPTPP  phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng nghị định quy định xác minh xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, hợp tác hải quan và giám sát hải quan; xây dựng thông tư quy định về xuất xứ trong CPTPP liên quan đến thực thi của cơ quan hải quan.

Đối với nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn năng lực, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tận dụng cơ hội và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại; sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa Việt Nam…

Với những hỗ trợ thiết thực nêu trên sẽ tạo nên nền tảng và điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp nước ta tiếp cận tốt hơn, tận dụng hiệu quả hơn thị trường CPTPP.

Phan Giang