Hiện nay, cả nước có gần 1.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) không thiếu những công ty, nhờ huy động vốn mà chỉ sau vài ba năm đã có quy mô (cả về doanh số và lợi nhuận) tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Công ty Giấy Hải Phòng (HAPACO) là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2000. Ông Vũ Dương Hiền - Chủ tịch HĐQT, TGĐ HAPACO Công ty cho biết: “Thực tế 5 năm hoạt động kể từ khi niêm yết cổ phiếu đã cho thấy, tình hình tài chính của doanh nghiệp luôn minh bạch. HAPACO đã đạt được sự tăng trưởng khá ấn tượng nhờ thị trường chứng khoán. Từ mức 360 cổ đông ban đầu, hiện Công ty đã có gần 1.000 cổ đông, trong đó 38 cổ đông là người nước ngoài, 18 cổ đông là tổ chức trong nước, các cổ đông đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu và là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của HAPACO. Với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, HAPACO còn có được một giá trị thương hiệu vô hình. Từ một doanh nghiệp địa phương không mấy tên tuổi, HAPACO đã trở thành doanh nghiệp quen thuộc, gắn liền với “thương hiệu cổ phiếu HAP", được nhiều khách hàng trong nước và cả nước ngoài biết đến trên thị trường chứng khoán, vì thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty phát triển rất tốt”. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1, thì: "Nếu vay ngân hàng thì lãi suất hằng năm, Công ty bắt buộc phải trả một khoản khá lớn, bất kể hoạt động SXKD của Công ty đạt được như thế nào. Trong khi đó, huy động vốn của cổ đông thì mức cổ tức do Hội đồng quản trị quyết định. Thậm chí khi cần, Công ty có thể giữ lại phần lợi nhuận để đầu tư phát triển. Nếu vay ngân hàng, đến thời gian đáo hạn, Công ty phải trả nợ, trong khi nguồn vốn huy động qua việc phát hành cổ phiếu đã trở thành vốn góp lâu dài vào Công ty...". Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý, đó là không tránh được việc một số doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành cổ phiếu để "lừa" nhà đầu tư, hoặc cũng có rủi ro là phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp không đạt hiệu quả. Vì vậy, nhà đầu tư phải biết đánh giá, phân tích tình hình hoạt động, cũng như phương án sử dụng vốn sau đợt phát hành của mỗi doanh nghiệp để quyết định có nên tham gia góp vốn hay không. Ông Cao Văn Vị - Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn cho rằng, ưu điểm của việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán là thủ tục hành chính đơn giản hơn thủ tục đi vay ngân hàng. Hơn nữa, Công ty cũng không cần phải có tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay... Phương án huy động vốn qua thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, tính rủi ro thấp hơn khi có thêm nhiều đối tác tham gia. Nhưng sẽ có những khó khăn trở ngại trong hoạt động điều hành, do có sự chi phối từ bên ngoài, vấn đề phải chia sẻ quyền điều hành công ty... không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được. 

Năm 2010, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn do các ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường chứng khoán “tuột dốc”, giá nhiều loại cổ phiếu thấp hơn nhiều so với mệnh giá, nhưng Công ty Tasco vẫn huy động được số vốn lớn cho việc mở rộng SXKD thông qua thị trường chứng khoán. Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco chia sẻ, chứng khoán là một kênh dẫn vốn, thu hút vốn cho DN, chỉ trong thời gian ngắn có thể có hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng quan trọng là phải có thương hiệu. Xây dựng thương hiệu ở đây không phải là quảng cáo, khoe khoang mà làm sao để sản phẩm mình bán ra chiếm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Năm 2010, Tasco đã phát hành gần 500 tỷ đồng cổ phiếu và 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Tháng 11/2010, Tasco đã nâng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng lên 330 tỷ đồng, phát hành 41,1 triệu cổ phiếu với giá cạnh tranh trên thị trường. Dù tình hình kinh tế năm 2010 khủng hoảng, lạm phát, nhưng Công ty vẫn thu được thặng dư hơn 400 tỷ đồng.
Thực tế do tác động xấu của nền kinh tế trong nước và thế giới đã làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam “tụt dốc” mạnh, song số lượng hồ sơ các doanh nghiệp xin niêm yết vẫn nhiều. Từ đầu năm 2011 đến gần cuối tháng 5, tại HOSE có 15 hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị niêm yết. Trong tháng 5/2011, giá cổ phiếu giảm mạnh, các nhà đầu tư quay lưng với sàn giao dịch, nhiều công ty chứng khoán phải thu hẹp hoạt động... nhưng HOSE vẫn nhận được một số hồ sơ đăng ký niêm yết, như Công ty CP Nhựa Bảo Vân (24 triệu cổ phiếu), Công ty CP Vận tải sản phẩm khí quốc tế (30 triệu cổ phiếu)... Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ đầu năm 2011 đến nay, có 11 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu. Riêng trong tháng 5, có 4 hồ sơ đăng ký, gồm: Công ty CP Kiến trúc Hà Nội (10 tỷ đồng), Công ty CP Solavina (30 tỷ đồng), Tập đoàn Thiên Quang (100 tỷ đồng), Công ty CP Phát triển Đô thị Dầu khí (100 tỷ đồng). Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán là một kênh phân bổ vốn hữu hiệu cho nền kinh tế và là công cụ quan trọng để doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. 

Ở Việt Nam hiện nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa lớn thường là hàng hóa chủ lực cho thị trường. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều hoạt động có hiệu quả, được nhiều nhà đầu tư tin tưởng. Do vậy, nếu lượng cung hàng từ cổ phần hóa tung ra hợp lý, kịp thời thì có thể vừa mang về nguồn thu tốt cho doanh nghiệp, vừa làm cân bằng cung - cầu thị trường. Có thể nói rằng, giai đoạn 2006-2007 là thời hoàng kim không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho doanh nghiệp cổ phần. Trong khoảng thời gian này, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đã tiến hành niêm yết cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán, giúp cho doanh nghiệp có được giá trị thặng dư thu lại từ việc phát hành cổ phiếu mới đạt giá trị rất lớn. Lượng vốn từ bên ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, rồi từ đó chảy tiếp vào doanh nghiệp, không chỉ giúp sự làm giàu của nhà đầu tư, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh trên thương trường. Nếu nhìn khái quát, thị trường cổ phiếu, trái phiếu có sự qua lại với doanh nghiệp cổ phần hóa. Những doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ cung ra hàng hóa tốt cho thị trường. Khi thị trường đi lên, cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhà nước dễ dàng cổ phần hóa hơn, không chỉ có giá tốt, mà cả tính thanh khoản tốt. Do đó, việc đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được đề ra trong chỉ tiêu thực hiện của các Bộ, ngành địa phương cần sớm được thực hiện, để ngoài việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, còn giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. 

Tuy nhiên, khi tham gia thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể gặp những bất lợi, như: Chi phí niêm yết khá tốn kém, để chứng khoán có thể niêm yết được, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều khoản chi phí như hội thảo, họp, thuê tư vấn, kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, quảng cáo...; Áp lực đối với lãnh đạo doanh nghiệp về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm duy trì và tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và những người đứng đầu doanh nghiệp hiển nhiên sẽ chịu áp lực lớn nhất; Quyền kiểm soát có thể bị đe dọa bởi khi niêm yết, việc giao dịch chứng khoán khiến cơ cấu cổ đông thường thay đổi, dẫn đến sự biến đổi và bất ổn định trong quá trình quản lý doanh nghiệp và có thể đe dọa đến quyền kiểm soát của các cổ đông lớn; Chịu nhiều nghĩa vụ công bố thông tin, như số lượng chứng khoán do các nhân vật chủ chốt nắm giữ; thông tin về tình hình tài chính, doanh thu, chi phí, định hướng, chiến lược phát triển... đòi hỏi nguồn lực về tài chính, con người. Mặt khác, chính việc công bố này đôi khi cũng bất lợi cho doanh nghiệp, khi đối thủ cạnh tranh nắm được thông tin. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự thành công của việc niêm yết chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, như: điều kiện chung của nền kinh tế, luật pháp, chính sách... đặc biệt là trạng thái hay xu hướng của thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán đang lên, việc niêm yết rất thuận lợi và giá chứng khoán tăng cao. Ngược lại, trong trường hợp thị trường đang đi xuống, việc niêm yết sẽ gặp những khó khăn nhất định và khả năng doanh nghiệp huy động được vốn qua kênh này trở nên rất khó khăn. Đôi khi, chính doanh nghiệp chủ động tạm dừng niêm yết để chờ tín hiệu tích cực từ thị trường, thậm chí một số doanh nghiệp đã được cấp phép niêm yết còn chần chừ chưa muốn lên sàn. Song, theo quy định, trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết, tổ chức niêm yết buộc phải chính thức giao dịch chứng khoán niêm yết.