Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục cắt giảm thủ tục thuế, hải quan

Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội ngày càng tăng lên. Những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 do Bộ Tài chính phối hợp với VCCI tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan

Đề cập đến những nỗ lực của cơ quan thuế, hải quan trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về thuế, hải quan kịp thời và đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan rà soát và xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và giảm thời gian nộp thuế, thời gian khai hải quan cho người nộp thuế, người khai hải quan, ứng dụng mạnh mẽ vào công tác quản lý thuế, hải quan…

đối thoại về chính sách thuế
Đại diện cho doanh nghiệp cho biết tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp ngày càng tăng lên

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, bản thân những thay đổi nhanh chóng này cũng khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. Một trong những vấn đề doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc nhiều nhất hiện nay là nợ thuế, phạt nộp chậm thuế.

Một số doanh nghiệp cho biết, khi có sự chênh lệch giữa số liệu thuế của doanh nghiệp và cơ quan thuế thì không có được sự hướng dẫn và đối chiếu giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp nên dẫn tới việc doanh nghiệp thường xuyên nhận được thông báo nợ thuế trong khi doanh nghiệp không nợ số thuế này.

Ngoài ra, tình trạng tính nhầm thuế của doanh nghiệp vẫn diễn ra và doanh nghiệp mang chứng từ lên thuế đối chiếu nhiều lần nhưng hàng tháng vẫn báo doanh nghiệp nợ thuế. Cũng có những doanh nghiệp phản ánh và cơ quan thuế địa phương căn cứ vào đó để làm khó và mất công sức và thời gian của doanh nghiệp …

Trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành Thuế cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đối với các doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Ngành thuế cũng cần nâng cao chất lượng thông tin về chính sách, pháp luật thuế cho doanh nghiệp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế…

Chi phí vốn vay 20% vẫn làm khó doanh nghiệp

Tại Hội nghị, một trong những vấn đề “nóng” được doanh nghiệp đưa ra là quy định khống chế chi phí vốn vay 20% theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đại diện Tập đoàn VinGroup cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn này, trên thực tế Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 lại có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, trong đó có là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con.

đối thoại về chính sách thuế
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết vẫn đang làm khó nhiều doanh nghiệp

“Chúng tôi đầu tư vào những lĩnh vực cần nhiều vốn như y tế, giáo dục, nông nghiệp… Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận do đó toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế" -  đại diện VinGroup cho hay.

Nhìn từ khía cạnh khác, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết với tự thân doanh nghiệp mình, mục tiêu cũng như động lực để các công ty thực hiện các hoạt động chuyển giá gần như không có, song Công ty vẫn phải chịu giới hạn chi phí lãi vay theo Nghị định 20 và vẫn phải kê khai và nộp thuế bổ sung sau khi loại các phần chi phí vượt quá giới hạn này là không phù hợp.

Bởi vậy, các doanh nghiệp có ý kiến đề xuất, sớm sửa đổi quy định khống chế lãi vay tại Nghị định 20. Nếu việc sửa đổi được áp dụng thì đề xuất việc hồi tố cho giai đoạn trước từ khi ban hành đến khi sửa đổi.

Trả lời về các kiến nghị này, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI có rất nhiều công ty có hoạt động đầu tư liên kết. Trong bối cảnh này, Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu các nước tập trung chống chuyển giá và thoái mòn nguồn thu.

Việt Nam là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS (Chống Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận) về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra quy định khống chế lãi vay trên từ 10- 30% và Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc chọn mức trung bình là 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 Tập đoàn trên toàn cầu.

“Nói như vậy để thấy, quy định này hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta đã tính tới thực tế của Việt Nam”- ông Tuấn khẳng định và cho biết thời gian qua, Tổng cục Thuế đã khảo sát 37.000 doanh nghiệp FDI là công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam, hiện chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề này. Tại sao doanh nghiệp FDI không có ý kiến mà doanh nghiệp Việt lại ý kiến?

Đó là vì họ biết rõ đây là cuộc chơi toàn cầu. Các kiến nghị chủ yếu tập trung tại một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn của Việt Nam dùng nhiều vốn vay. Tất nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc sử dụng vốn vay là cần thiết nhưng doanh nghiệp cũng cần phải tính toán lại các khoản vay giúp lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vì thế, quy định khống chế vốn vay cũng một phần để hạn chế tình trạng vốn mỏng của doanh nghiệp. “Chúng ta vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh, hợp tác trên toàn cầu nhưng thực hiện chính sách riêng thì rất khó”, ông Tuấn nói.

 

 

Hạ Vũ