Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), lĩnh vực năng lượng tái tạo là chủ đề được các đại biểu quan tâm. Nhiều kiến nghị từ các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài được nêu ra với mong muốn Chính phủ tăng cường khuyến khích, hỗ trợ để các nhà đầu tư này dễ dàng đầu tư hơn.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam cần sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng so với nhu cầu về năng lượng điện.

Để có được nguồn điện bền vững, đại diện AmCham kiến nghị, Việt Nam cần phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện.

“Các doanh nghiệp thành viên của AmCham là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này và mong muốn hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu về môi trường, y tế, an ninh kinh tế và địa chính trị trong quá trình phát triển năng lượng”, đại diện AmCham bày tỏ.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào ngành điện tại Việt Nam
Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường khuyến khích, hỗ trợ để các nhà đầu tư này dễ dàng đầu tư hơn 

Ông Peter Rimmer, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) cho biết, hạ tầng lưới điện yếu cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng 12% khiến các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với thách thức lớn về năng lượng. Theo tổng sơ đồ điện hiện tại, tỉ trọng nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 49% vào năm 2020 lên 53,2% vào năm 2030.

Điều này sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vấn đề nghiêm trọng hiện gặp phải tại nhiều thành phố lớn. Các lựa chọn về năng lượng tái tạo thay thế là hết sức tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó, cần cân nhắc đến ưu đãi cho hiệu quả năng lượng và đầu tư từ khu vực tư nhân, ông Peter Rimmer lo ngại.

Ông Peter Rimmer cũng lo lắng, các nhà đầu tư lo ngại về giá điện FIT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo) thấp của Việt Nam và khả năng thanh toán của các Hợp đồng mua bán điện. Các nhà sản xuất chỉ có thể bán cho nhà cung cấp điện độc quyền của nhà nước EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được bảo đảm của Chính phủ Việt Nam.

Để mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần điều chỉnh giá điện, điều tiết thị trường và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân.

Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam luôn ủng hộ sự chuyển đổi mô hình định giá điện dựa trên cơ chế định giá thị trường. Điều này cũng sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo việc làm - hệ thống truyền tải của các dự án năng lượng mặt trời đang chờ chính phủ phê duyệt và các sửa đổi tham vọng hơn trong tổng sơ đồ điện cũng sẽ xảy ra.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào ngành điện tại Việt Nam
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tin rằng, với việc giá công nghệ giảm nhanh, các cơ chế được rà soát lại để giảm chi phí, khi đó sự thu hút với nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện sẽ lớn hơn.

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Việt Nam tiếp tục khuyến khích phát triển điện gió điện mặt trời, đẩy mạnh nguồn năng lượng khí. Cùng với đó, Việt Nam sẽ phát triển hợp lý các dự án nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến.

Thứ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đang hoàn thiện các cơ sở pháp lý mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đối với định hướng khuyến khích phát triển điện gió, Việt Nam cũng đang xây dựng cơ chế áp dụng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà phát triển năng lượng tái tạo và các đơn vị, dự kiến ban hành trong năm nay.

Trước đó, đại diện các doanh nghiệp Anh cho rằng giá FIT của Việt Nam còn thấp. Thứ trưởng cho rằng, thực tế, với cơ chế khuyến khích về giá hấp dẫn, điện gió, điện mặt trời Việt Nam có sự phát triển đột phá.

"Tính đến thời điểm hết tháng 6/2019, các mục tiêu phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời đặt ra cho năm 2025 đều đạt được. Như vậy, các mục tiêu phát triển điện gió, mặt trời được đặt ra trong tổng sơ đồ điện 7 hoàn thành trước 5 năm", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Thứ trưởng tin rằng, với việc giá công nghệ giảm nhanh, các cơ chế khác (như hợp đồng mua bán điện mà các doanh nghiệp nêu ở đây) được rà soát lại để giảm chi phí, khi đó sự thu hút với nhà đầu tư nước ngoài sẽ lớn hơn.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chia sẻ, thời gian tới Việt Nam sẽ khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Giá FIT điện mặt trời áp mái dự kiến giữ nguyên ở mức 9,35 cent/ kWh, theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Theo Thứ trưởng, với cơ chế khuyến khích giá, điện mặt trời trên mái nhà sẽ phát triển trong thời gian tới. Đây là giải pháp đáp ứng nguồn điện cho đời sống, đặc biệt tại các đô thị lớn giúp tránh quá tải.

Giá điện cũng sẽ được cải cách theo hướng thị trường. Theo đó, giá điện không là hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào ngành này mà còn là tín hiệu cho các hộ gia đình, doanh nghiệp dùng điện hiệu quả, tiết kiệm hơn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.