Doanh nghiệp sẵn sàng tận dụng cơ hội EVFTA

Doanh nghiệp đã sẵn sàng, tự tin khi được trang bị đầy đủ kiến thức để nhập cuộc với các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA
Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA
Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức

Phổ biến trước để doanh nghiệp định vị chiến lược

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đúng một tuần sau đó, đoàn công tác của Bộ Công Thương đến một số địa phương, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là để “Lắng nghe, nắm bắt thực tiễn; trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị”.

Tuy nhiên, tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nơi đoàn đến công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng dành một thời lượng đáng kể để nói về “những câu chuyện thực tế sẽ xảy ra tại tỉnh nhà khi EVFTA có hiệu lực”.

Bộ trưởng ví dụ, do dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc. Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã khẩn trương sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan… khai thác thị trường nhưng chắc phải mất một thời gian.

Vì theo nguyên tắc phải đàm phán mở cửa thị trường, phải để cho đối tác vào kiểm tra về dịch bệnh, về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… sau mới cấp phép xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng, Gia Lai xác định tiềm năng lớn nhất là nông nghiệp và năng lượng tái tạo; Quảng Trị xác định nông nghiệp sạch là 1 trong 3 hướng ưu tiên phát triển, sẽ có cơ hội lớn khi EVFTA đi vào thực thi, với điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật được EU công nhận.

Để hỗ trợ, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp với các địa phương, cùng các ngành hàng lớn tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến Hiệp định EVFTA, để các cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm được cơ hội và điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước có FTA với nước ta.

Trước đó, vào tháng 3, tháng 4, tháng 5 năm 2019, trong các chuyến công tác tại Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng, Hải Phòng, đoàn công tác do Bộ trưởng dẫn đầu cũng dành khá nhiều thời gian phổ biến tinh thần của Hiệp định này.

Khi dịch bệnh Covid-19 đang trong giai đoạn đầu, chưa bùng phát ra khắp thế giới, trong các ngày 17/2, 26/2 và 11/3, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 481, Chỉ thị số 05, 06. Ba văn bản này nhằm triển khai kế hoạch hành động của Bộ Công Thương ứng phó với tác động do dịch Covid-19, nhưng trong đó đều nhấn mạnh đến sẵn sàng đón cơ hội từ EVFTA:

“Tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về cơ hội xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU, ưu tiên các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản nhằm chuẩn bị khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực”. (Quyết định 481 ngày 17/2).

“Đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại từ EVFTA”. (Chỉ thị 05 ngày 26/2).

“Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực”. (Chỉ thị 06 ngày 11/3).

Từ giai đoạn đàm phán đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức hàng trăm hội nghị phổ biến EVFTA tới doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương, cơ quan quản lý. Nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là để “hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội”, giúp doanh nghiệp định vị chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng khi EVFTA có hiệu lực.

Ở các địa phương nói trên và tại các hội nghị phổ biến EVFTA cho doanh nghiệp, không chỉ làm rõ những cam kết, cơ hội,  Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ tổ chức lại sản xuất đáp ứng các điều kiện để được hưởng các ưu đãi.

Để tiếp cận thị trường EVFTA nông sản xuất khẩu phải có giải pháp vượt qua hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là những quy định về truy xuất nguồn gốc
Để tiếp cận thị trường EVFTA nông sản xuất khẩu phải có giải pháp vượt qua hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là những quy định về truy xuất nguồn gốc

Bắt đầu từ hỗ trợ địa phương thu hút nhà đầu tư cho chế biến nông sản; đưa các nhà đầu tư có tiềm năng làm việc với địa phương về xây dựng hạ tầng thương mại, xây dựng chợ đầu mối nông sản; quy hoạch vùng nguyên liệu; giúp địa phương tiếp cận với đối tác có nghệ lớn trong tạo giống, canh tác, bảo quản, đóng gói; cung cấp thông tin và giải pháp về hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là những quy định về truy xuất nguồn gốc của các FTA thế hệ mới.

Những câu hỏi gợi mở

Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA vào ngày 12/2, trong buổi làm việc sáng ngày 26/2 với lãnh đạo các đơn vị chức năng về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong phần việc Bộ Công Thương mà Vụ Thương mại đa biên trình bày, mới căn cứ vào những điều khoản, những cam kết của Hiệp định, để giao nhiệm vụ cho các cục, vụ thuộc Bộ. Nhưng chưa nhìn trên tổng thể chính sách phát triển, chiến lược phát triển của chúng ta.

Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi mang tính gợi mở: Hiệp định này sẽ liên quan thế nào đến hoạt động thu hút đầu tư? Nó phục vụ gì cho phát triển của các chủ đầu tư công nghiệp? Nó mạng lại những cơ hội nào trong phát triển các chuỗi công nghiệp với mục tiêu công nghiệp hóa của nước ta?

Có thể những vấn đề này không nêu trong cam kết hội nhập. Nhưng đó lại là nhiệm vụ của Cục Công nghiệp, của Vụ Kế hoạch, Cục Xuất nhập khẩu, Cục XTTM, Vụ Thị trường trong nước, Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, và một số đơn vị thuộc Bộ.

Chỉ khi nào xác định được nhiệm vụ của các cục, vụ trong bối cảnh thực thi EVFTA, việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp mới thiết thực, hiệu quả.

Và công việc đầu tiên hướng đến thiết thực, hiệu quả là công văn khẩn ngày 15/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại, đề nghị rà soát, báo cáo danh sách doanh nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn quản lý, nhằm nắm số lượng, phân nhóm để đưa ra kế hoạch hỗ trợ thiết thực. 

Tương tự là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ mới được khai trương ngày 19/6, được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả và tính thiết thực trong hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ CPTPP, EVFTA.

Tiếp đến là hàng chục cuộc hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng các vấn đề liên quan đến tận dụng cơ hội, tham gia vào chuỗi giá trị Việt Nam - EU.

Các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức Hội thảo “Giải đáp quy định về CE và FDA”; tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA; tổ chức hội nghị tập huấn, tổ chức họp báo giải đáp các quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA; soạn thảo tài liệu hỏi đáp về EVFTA; đưa ra khuyến nghị khi xuất khẩu khẩu trang vào EU; Cảnh báo lừa đảo dịch vụ cấp Chứng nhận CE xuất khẩu vào EU; đào tạo về kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại… cho từng nhóm doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cụ thể.

Quảng bá nông sản Việt tại một hội chợ ở châu Âu
Quảng bá nông sản Việt tại một hội chợ châu Âu

Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả khả quan ban đầu. Về nhận thức, theo khảo sát trong PCI 2018 của VCCI, có 88% doanh nghiệp trong nước đã biết về EVFTA, tăng lên đáng kể so với 83% của năm 2016. Năm 2020, chưa có báo cáo nào định lượng cụ thể nhưng có thể thấy con số này có lẽ đã tiệm cận đến tuyệt đối.

Từ nhận thức đã chuyển thành hành động. Trong chuyến kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp dệt may, da giày giữa cao điểm dịch Covid-19, đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ngạc nhiên và vui mừng khi giám đốc Hóa dệt Hà Tây nhận định thấu đáo, việc Anh rời EU cuối tháng 1 vừa qua chưa ảnh hưởng tới cơ hội tận dụng thuế quan trong xuất khẩu sang Anh của doanh nghiệp Việt, bởi vẫn còn thời gian 2 năm chuyển tiếp để Anh tiếp tục thực hiện các cam kết của EU.

Đó chính là bản lĩnh, sự tự tin khi được trang bị đầy đủ kiến thức để nhập cuộc với các FTA thế hệ mới của doanh nghiệp Việt hiện nay.

Đô Lương