Doanh nghiệp tự tin đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục khởi sắc

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tiếp nối những kết quả nổi bật 2 tháng gần đây, trong tháng 5/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước tiếp tục đà hồi phục. Các doanh nghiệp tự tin khôi phục toàn bộ hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 tiếp tục duy trì xu hướng tăng ở mức 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 5 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%.

Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than sạch tăng 13,4%; alumin tăng 10,9%; ô tô tăng 10,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; bia các loại tăng 10,5%

Ở chiều ngược lại, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm như: phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) giảm 33,7%; quặng Apatit giảm 19,8%; máy công cụ giảm 14,9%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 18,2%.

Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

Dự báo trong thời gian tới, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

Bộ Công Thương cho hay sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. 

Phương Chi