Đối mặt khó khăn mới, Thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng

Trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa áp thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với sản phẩm tôm xuất xứ từ Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay ở mức thận trọng 5%.
Thực phẩm Sao Ta
Thực phẩm Sao Ta thận trọng nhận định khó khăn đối với ngành tôm Việt Nam sẽ còn kéo dài ít nhất trong vòng 6 tháng đầu năm nay.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 19/04.

Theo đó, Thực phẩm Sao Ta lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 5% so với mức thực hiện của năm 2023.

Về mức cổ tức năm 2023, Thực phẩm Sao Ta đề xuất phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 2.000 đồng cổ tức. Dự kiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm này sẽ cần chi khoảng 131 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.

Xét về kết quả kinh doanh, lũy kế 2 tháng đầu năm nay, doanh thu của Thực phẩm Sao Ta đạt 752 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, và hoàn thành 14,4% mục tiêu doanh thu cả năm.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta thận trọng nhận định khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít ra ở 6 tháng đầu năm 2024 và công ty sẽ có kế hoạch để duy trì nhịp độ kinh doanh.

Bên cạnh đó, vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Hoa Kỳ sẽ là thách thức không nhỏ từ năm 2024, khiến công ty phải có sự tính toán trong kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho mình, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết.

Vào ngày 25/3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sợ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam. DOC đã ấn định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 1 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 1 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc.

Điều này sẽ gây thêm khó khăn cho sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ vốn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.

Trong thời gian gần đây, Thực phẩm Sao Ta đã đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản nhằm - thị trường “khó tính” nhưng chuộng các sản phẩm chế biến vốn là thế mạnh của công ty. Đồng thời, việc chuyển hướng sang khai thác thị trường Nhật Bản giúp Thực phẩm Sao Ta không phải cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh thu 2 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực" trên Tạp chí Công Thương tại đây

Nhiều tổ chức tài chính nhận định Nhật Bản sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho Thực phẩm Sao Ta trong thời gian tới. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có đặc điểm là khối lượng hợp đồng, đơn hàng mới sẽ được giao dựa trên sự hài lòng và chất lượng của đối tác trong quá khứ.

Ngoài ra, các đối tác Nhật Bản thường có xu hướng ít thay nhà cung cấp khi quá trình kinh doanh vẫn đang diễn ra ổn định. Thực phẩm Sao Ta đang có lợi thế là nhà xuất khẩu tôm Việt Nam lớn nhất tại thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, Thực phẩm Sao Ta đang nỗ lực nâng cao khả năng tự chủ tôm nguyên liệu với việc đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm, giúp tăng diện tích nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha, cho sản lượng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong trung và dài hạn.

Duy Quang