Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vai trò tích cực của luật tục các dân tộc thiểu số trong hoạt động của Ủy ban nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên

ThS. Nguyễn Thị Oanh (Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong các dân tộc thiểu số, đồng thời khẳng định vai trò của các hình thức tuyên truyền khác, như: thông qua lễ hội, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hoạt động của tổ hòa giải, thông qua vai trò của những người uy tín,… đã có đóng góp rất lớn đối với quá trình vận dụng luật tục các dân tộc thiểu số trong hoạt động của Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.

Từ khóa: dân tộc thiểu số, truyền miệng, lễ hội, giáo dục pháp luật, luật tục các dân tộc thiểu số, tỉnh Tây Nguyên.

1. Đặt vấn đề

Đồng bào các dân tộc thiểu số chính là tác nhân quan trọng quyết định đến quá trình vận dụng luật tục trong hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp có đạt hiệu quả hay không, vì đây chính là đối tượng của quản lý nhà nước. Do đó, Nhà nước luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với tất cả các đối tượng nói chung trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đối với mỗi loại đối tượng ở các địa phương khác nhau, chủ thể quản lý sẽ áp dụng những cách thức tuyên truyền khác nhau. Đối với “Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, với dân số là 5,6 triệu người, có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 36,3%”[1] đòi hỏi Ủy ban nhân dân các cấp phải có những phương pháp đặc thù trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân, đặc biệt là nhóm các dân tộc thiểu số. Để hiệu quả vận dụng luật tục trong hoạt động của Ủy ban nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên đạt hiệu quả cao, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhau.

2. Các giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vai trò tích cực của luật tục các dân tộc thiểu số trong hoạt động của Ủy ban nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay

2.1. Tiếp tục phát huy hiệu quả của hình thức tuyên truyền miệng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Già làng K’Điệp ở xã Tam Bố (Di Linh, Lâm Đồng) cho biết: “Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền miệng hết sức quan trọng. Đó là việc dễ thực hiện, gần gũi và thiết thực. Như mưa dầm thấm lâu, những chủ trương, chính sách, những việc tốt, điều hay cũng từ câu chuyện hằng ngày lan tỏa…”[2].

Đây là hình thức tuyên truyền khá hiệu quả ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua. Hình thức tuyên truyền này có nhiều ưu điểm, nhất là ở những địa bàn dân trí thấp, tỷ lệ người già và người không biết chữ cao, có thể đáp ứng nhanh các yêu cầu về thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà các hình thức khác khó thực hiện được kịp thời. Việc tuyên truyền miệng được thực hiện bởi đội ngũ báo cáo viên các cấp và Tuyên truyền viên là các già làng, người có uy tín, đội ngũ giáo viên và cán bộ Y tế. Đó là những người gắn bó với địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán, sinh sống, làm việc hằng ngày với bà con buôn làng. Ví dụ, tại tỉnh Lâm Đồng “hiện địa phương có 4 báo cáo viên cấp trung ương, 40 báo cáo viên cấp tỉnh, 200 báo cáo viên cấp huyện và 1.700 tuyên truyền viên cơ sở”, hay tại Gia Lai “hiện Tỉnh có 5 báo cáo viên cấp trung ương, 43 báo cáo viên cấp tỉnh, 883 báo cáo viên cơ sở”[3]. Đây là đội ngũ đã giúp cho hoạt động tuyên truyền miệng tại Tây Nguyên trong thời gian qua rất hiệu quả. Nhiều vấn đề cần phổ biến, vận động đồng bào, như: đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, bảo vệ rừng, môi trường, thay đổi cung cách làm ăn; hoặc vận động người dân tránh xa các tệ nạn ma túy, rượu chè, từ bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan, lễ lạt lãng phí đều được thực hiện thông qua hoạt động tuyên truyền miệng.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn hạn chế nhất định, như: chất lượng, nội dung tuyên truyền vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu và trình độ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, tính thuyết phục chưa cao, chủ yếu tuyên truyền một chiều từ trên xuống, việc đối thoại giữa các bên còn hạn chế, do đó, đồng bào chưa hiểu hết những chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số và chưa hợp tác với cán bộ, công chức trong quá trình vận dụng luật tục để giải quyết các vụ việc nhằm giúp cho hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp đạt hiệu quả cao. Đây là những hạn chế mà các địa phương cần chú ý khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng thông qua các biện pháp sau:

Một là, rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là am hiểu về phong tục, tập quán, luật tục của các dân tộc thiểu số tại địa bàn mình phụ trách.

Hai là, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về vận dụng luật tục cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; Nâng cao chất lượng các loại hình cung cấp thông tin đến đồng bào, đặc biệt là đồng bào ở các vùng xa xôi hẻo lánh.

Ba là, tổ chức các hội nghị, hội thi nhằm tạo cơ hội cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thêm cơ hội giao lưu, học hỏi về kinh nghiệm tuyên truyền.

Bốn là, kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở để bổ sung, điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp cho quá trình tuyên truyền miệng ngày một hiệu quả hơn. Các báo cáo viên có cơ hội bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm của các báo cáo viên ở địa phương khác, đồng thời giúp cho cơ quan quản lý giám sát được công tác tuyên truyền tại địa phương mình, từ đó có những chỉ đạo kịp thời giúp cho quá trình tuyên truyền hiệu quả, đưa pháp luật đến gần với người dân cũng như phát huy giá trị tích cực của luật tục.

2.2. Cần đa dạng hóa, phát huy hiệu quả của các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục khác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Các hình thức khác có thể được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vai trò tích cực của luật tục gồm có:

- Một là, tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, lễ hội. Bởi vì các hoạt động văn hóa, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với rất nhiều lễ hội.

Kết quả khảo sát 10 buôn làng theo tín ngưỡng truyền thống cho biết, hiện nay, ở các buôn làng các dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum còn duy trì các lễ thức cộng đồng thường kỳ và không thường kỳ hàng năm tại nhà rông như cúng trỉa lúa, cúng mừng lúa mới, cúng đuổi sâu bọ, cúng cầu mưa, cúng máng nước, cúng mừng nhà rông mới, cúng mừng Quốc khánh và cúng mừng Tết Nguyên Đán. Ở các buôn làng theo tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc Ê Đê, MNông ở tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông còn duy trì các lễ thức cộng đồng thường kỳ và không thường kỳ theo năm, như cúng trỉa lúa, cúng mừng lúa mới, cúng máng nước, cúng mừng Quốc khánh và cúng mừng Tết Nguyên Đán. Ngoài ra, tồn tại ở các buôn làng theo tín ngưỡng truyền thống lễ cúng cộng đồng tạ lỗi thần linh khi trong làng xảy ra quan hệ loạn luân hoặc hôn nhân cận huyết.[4]

Ngoài ra, còn rất nhiều lễ hội khác như: Lễ bỏ mả, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng Bến nước, Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng và Lễ hội cà phê,… Đó là những sinh hoạt văn hóa truyền thống không vi phạm pháp luật góp phần làm cho đời sống tinh thần của đồng bào thêm phong phú, do đó Nhà nước luôn khuyến khích các dân tộc duy trì các hoạt động này. Đây cũng chính là một sinh hoạt cộng đồng với số lượng đông đảo các thành phần tham gia. Thông qua các lễ hội đó, Già làng, Trưởng buôn, cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân các cấp có thể tuyên truyền về các nội dung của luật tục cần duy trì và vận dụng.

- Hai là, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu qua hệ thống phát thanh tại các thôn buôn bằng 2 thứ tiếng (tiếng dân tộc tại chỗ và tiếng phổ thông). Đối với vùng đồng bào, việc sử dụng hệ thống loa phát thanh như tại các vùng đồng bằng nông thôn Bắc bộ đã làm sẽ đến gần với người dân hơn. Bởi vì, việc sử dụng hệ thống loa phát thanh ở vùng Bắc bộ chủ yếu là tiếp sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, các địa phương còn chủ động phát một số tin tức, thông báo quan trọng của địa phương. Hiệu quả tiếp cận thông tin của người dân qua hệ thống truyền thanh là rất quan trọng. Qua đó, nhiều nội dung thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng thôn, bản thuận lợi hơn; người dân tiếp nhận được các thông tin đa dạng, phong phú. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn. Trong xu thế dần số hóa truyền hình mặt đất, truyền thanh trở nên vô cùng lợi thế trong thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông tin đến với nhân dân. Mặt khác, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ trang bị đủ điều kiện để xem truyền hình theo số hóa là không cao, do điều kiện cuộc sống còn khó khăn. Điều này đặt ra vấn đề bức thiết nhất đó là cần xây dựng đồng bộ hệ thống truyền thanh về tận các thôn bản. Đây chính là công cụ tuyên truyền đắc lực, hiệu quả nhất đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát thanh có thể thực hiện vào các khung giờ cố định như 6h sáng và 17h hàng ngày. Việc tuyên truyền thường xuyên này sẽ giúp cho pháp luật đến gần với người dân hơn, nội dung luật tục được nhắc đi nhắc lại sẽ giúp cho người dân ghi nhớ một cách dễ dàng.

- Ba là, tuyên truyền thông qua công tác biên dịch và chuyển thể nội dung cơ bản của pháp luật liên quan đến các quan hệ xã hội hàng ngày của đồng bào, như: quy định về hôn nhân và gia đình, quy định về các quan hệ dân sự, quy định về xử phạt vi phạm hành chính, quy định về quản lý đất đai,… và luật tục của mỗi dân tộc dưới dạng song ngữ để phát trực tiếp cho đồng bào. Trước đây, việc chuyển tải các văn bản pháp luật đến với người dân còn gặp khó khăn khi nhiều đối tượng đồng bào còn hạn chế về tiếng Việt khó có thể hiểu hết các quy định trong một văn bản với nhiều điều khoản vốn xa lạ với đồng bào, hay việc đưa luật tục đến với người dân thường qua hình thức truyền miệng sẽ làm mai một các điều khoản, đặc biệt đối với lớp trẻ ngày nay. Tuy nhiên, với hình thức này, đồng bào sẽ tiếp cận một cách trực tiếp, ngắn gọn các quy định mới của pháp luật và có cơ sở để ghi nhớ các điều luật tục một cách dễ dàng thay vì nghe lại từ các Già làng, Trưởng buôn, các thế hệ trẻ ngày nay am hiểu tiếng Việt sẽ tiếp cận một cách nhanh nhất các quy định của luật tục. Khi đồng bào hiểu sẽ dễ dàng và tự nguyện vận dụng linh hoạt giữa pháp luật và luật tục vào các quan hệ xã hội hàng ngày. Do đó, đòi hỏi Ủy ban nhân dân các cấp cần triển khai đồng bộ đến các địa phương để hiệu quả vận dụng luật tục với pháp luật được thiết thực.

- Bốn là, tuyên truyền thông qua việc lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền vào hoạt động của tổ hòa giải và hoạt động giáo dục tại các trường học, hoạt động tôn giáo tại các nhà thờ với số lượng lớn đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Công giáo và đạo Tin lành. Đây là một giải pháp quan trọng cần được khai thác, đặc biệt là vai trò của tổ hòa giải và Già làng. Bởi vì trong thời gian qua, các tổ hòa giải ở cơ sở trong cả nước nói chung và các tổ hòa giải ở cơ sở tại Tây Nguyên nói riêng đã hoạt động rất hiệu quả, hòa giải thành nhiều vụ việc, giúp giảm tải các tranh chấp được giải quyết bằng con đường tố tụng hay hành chính tại các cơ quan nhà nước.

Đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp, có trọng tâm trọng điểm và đạt một số kết quả rất đáng khích lệ, như: tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở đạt cao (từ 77% trở lên, cá biệt có những đơn vị như huyện Lắk đạt tỷ lệ đến 90%); thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở (tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 2.628 tổ hòa giải với 14.659 hòa giải viên, bảo đảm 100% khu hành chính trên địa bàn đều đã thành lập tổ hòa giải). Chất lượng đội ngũ hòa giải viên từng bước được cải thiện (có 427 hòa giải viên đã qua đào tạo chuyên môn luật, 6.817 hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ)…[5]

Ngoài ra, vai trò của Già làng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng cần được khai thác, bởi vì đây là đối tượng được tín nhiệm cao nhất, tiếng nói của già làng rất có giá trị đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là một chức danh được hình thành một cách tự nhiên, không thông qua các thủ tục hành chính nhưng chiếm vai trò rất quan trọng. Họ là trụ cột trong quá trình sản xuất và phát triển cuộc sống mới của cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, Già làng hô - dân làng hưởng ứng, Già làng làm - dân làng làm theo”[6]. Hiện nay, số lượng Già làng chiếm phần lớn trong số những người uy tín: “Tỉnh Kon Tum có 329 già làng là người uy tín/652 người có uy tín, tỉnh Gia Lai có 779 Già làng là người có uy tín/1261 người có uy tín, tỉnh Đắk Nông có 154 Già làng là người có uy tín/289 người có uy tín, tỉnh Lâm Đồng có 267 Già làng là người có uy tín/451 người có uy tín, tỉnh Đắk Lắk có 394 Già làng là người có uy tín/994 người có uy tín.[7] Điều đó cho thấy, Già làng có sự ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Bên cạnh vai trò chủ chốt của Già làng thì những người có uy tín khác như: Trưởng buôn, linh mục, mục sư, thầy, cô giáo, đại diện Hội Phụ nữ hay Mặt trận Tổ quốc ở địa phương… cũng góp phần rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các buôn làng ở Tây Nguyên.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng, đóng góp đối ứng kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; không tảo hôn, không sinh con thứ 3; quan tâm tạo điều kiện cho trẻ đến trường đúng độ tuổi; tích cực tham gia bảo tồn, phục dựng, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc thiểu số... xây dựng thôn, buôn, làng ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng Tây Nguyên hôm nay và trong tương lai ngày càng tươi đẹp.[8]

Do đó, cần khai thác vai trò của những đối tượng này, bởi vì họ là những người vừa có kiến thức văn hóa, tiếp cận quy định pháp luật dễ dàng, có am hiểu về phong tục tập quán, am hiểu về các quy định của luật tục và sống gắn bó với đồng bào trong thời gian dài, hiểu về đời sống của đồng bào, chắc chắn lời nói của họ có tác dụng hơn. Do đó, đây chắc chắn là một hình thức tuyên truyền hiệu quả để quá trình vận dụng luật tục trong hoạt động của Ủy ban nhân dân đạt hiệu quả cao nhất.

3. Kết luận

Trên đây là một số giải pháp vừa phát huy được vai trò tích cực của hình thức tuyên truyền miệng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian quan. Đồng thời khai thác vai trò của các hình thức khác để quá trình trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và luật tục tại vùng đồng bào có hiệu quả hơn. Nếu Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp này ở các tỉnh của Tây Nguyên sẽ góp phần nâng cao việc chấp hành pháp luật của đồng bào, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống, của luật tục các dân tộc thiểu số trong quản lý nhà nước tại các tỉnh Tây Nguyên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/tuyen-truyen-mieng-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-607746/.

2 https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/tuyen-truyen-mieng-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-607746/.

3 https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/tuyen-truyen-mieng-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-607746/.

4 Bùi Văn Đạo (2015). Vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Đề tài Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên - Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Nhà xuất bản Đắk Lắk.

5 http://baodaklak.vn/channel/3485/201806/van-con-nhieu-kho-khan-trong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-5585474/.

6 https://gialai.gov.vn/tin-tuc/tong-ket-10-nam-thuc-hien-quyet-tam-thu-cua-gia-lang-tay-nguyen.62203.aspx.

7 Bùi Văn Đạo (chủ nhiệm) (2015). Vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Đề tài Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên - Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Nhà xuất bản Đắk Lắk.

8 http://daidoanket.vn/mat-tran/nguoi-uy-tin-dong-vai-tro-quan-trong-trong-xay-dung-phat-trien-nong-thon-moi-o-tay-nguyen-tintuc445589

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Văn Đạo (2015). Vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Đề tài Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên - Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Nhà xuất bản Đắk Lắk.
  2. Uông Thái Biểu (2020). Tuyên truyền miệng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Truy cập tại: https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/tuyen-truyen-mieng-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-607746/
  3. Diễm Hằng (2018). Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác hòa giải ở cơ sở. Truy cập tại: http://baodaklak.vn/channel/3485/201806/van-con-nhieu-kho-khan-trong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-5585474/
  4. Ngọc Minh (2019). Tổng kết 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng Tây Nguyên. Truy cập tại: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/tong-ket-10-nam-thuc-hien-quyet-tam-thu-cua-gia-lang-tay-nguyen.62203.aspx
  5. Hải Lộng, Thùy Trang (2019). Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên. Truy cập tại: http://daidoanket.vn/mat-tran/nguoi-uy-tin-dong-vai-tro-quan-trong-trong-xay-dung-phat-trien-nong-thon-moi-o-tay-nguyen-tintuc445589

INNOVATING AND IMPROVING THE LEGAL EDUCATION AND THE IMPORTANT ROLE OF CUSTOMARY LAWS OF ETHNIC MINORITIES IN THE OPERATIONS OF THE PROVINCIAL PEOPLE'S COMMITTEES IN THE CENTRAL HIGHLANDS

 Master. NGUYEN THI OANH

Faculty of Law, Da Lat University

ABSTRACT:

This paper analyzes solutions to innovate and improve the quality of oral propaganda among ethnic minorities. This paper also highlights the role of other propaganda forms such as propaganda activities via festivals of ethnic minorities, mass media channels, activities of conciliation groups, prestigious people of ethnic minorities, etc., in the implementation of customary laws of ethnic minorities in the operations of the provincial People's Committees in the Central Highlands.

Keywords: ethnic minorities, solutions, word of mouth, festival, legal education, customary laws of ethnic minorities, the Central Highlands.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]