Đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Bài nghiên cứu "Đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh" do Phạm Thanh Vân (Trường Đại học Tài chính – Marketing) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Theo số liệu từ Chi cục Thống kê năm 2021, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp tại Thành phố, tạo ra hơn 23% GDP và cung cấp việc làm cho khoảng 1/3 lực lượng lao động trong địa phương. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố, mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong nghiên cứu này, tác giả khái quát và phân tích về đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tăng trưởng kinh tế TP. HCM trong thời gian qua, đồng thời gợi ý một số chính sách để thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển, cũng như nâng cao vai trò trong tăng trưởng kinh tế Thành phố.

Từ khóa: doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng kinh tế, TP. Hồ Chí Minh.

1. Thực trạng tăng trưởng kinh tế Thành phố và đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tăng trưởng

Sau 35 năm triển khai chính sách đổi mới, nền kinh tế của TP.HCM đã liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sự phát triển vượt bậc của TP.HCM không chỉ đến từ sự ứng dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn đến từ sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là động lực đẩy mạnh cho sự phát triển kinh tế của thành phố, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Với số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng đã và đang đóng góp không nhỏ vào năng lực sản xuất và tạo việc làm. Các doanh nghiệp này không chỉ sản xuất các sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt, mà còn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khác. Chính vì vậy, vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp rất quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.

1.1. Tăng trưởng kinh tế TP.HCM giai đoạn vừa qua

Căn cứ vào số liệu của Chi cục Thống kê TP.HCM và số liệu hiệu chỉnh của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng sản lượng GDP trên địa bàn TP.HCM (theo giá so sánh năm 2010) tăng liên tục qua các năm và tới năm 2019 đã tăng gấp 1,91 lần so với năm 2010. GDP của Thành phố tăng từ 413.655 tỷ đồng năm 2010 lên 726.200 tỷ đồng năm 2015 và đến năm 2019 đạt 977.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2010 - 2015, bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM là 5,72%; Giai đoạn 2011 – 2019, bình quân tốc độ tăng trưởng là 7,86%; Giai đoạn 2010 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân trong cả là 7.44%/năm, cao gấp 1,18 lần so với tốc độ tăng chung của cả nước giai đoạn này là 6.3%. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của Thành phố luôn giữ được ở mức cao, nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone, sự phục hồi kinh tế chậm của các nước phát triển đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong giai đoạn 2008 - 2012. Riêng trong năm 2019, mặc bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tốc độ tăng trưởng của Thành phố vẫn duy trì ở mức khá, GDP ước đạt 7,79%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (ước đạt 7,02%). Sang đến năm 2020, GRDP Thành phố chỉ còn đạt 991.424 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng chỉ 1,39% và thấp hơn cả nước (cả nước năm 2020 là 2,87%). Đặc biệt năm 2021, GRDP của Thành phố có mức sụt giảm khi chỉ còn đạt 924.367 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên Thành phố có mức tăng trưởng âm 6,78%. Lý do năm 2020 và năm 2021 có mức GRDP tuyệt đối giảm sút và mức tăng trưởng âm do đây là 2 năm nền kinh tế của Thành phố chịu sự tác động kép từ dịch bệnh Covid-19. Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải tuyệt đối đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân, vì vậy chính quyền các cấp trong địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để đảm bảo sức khỏe tính mạng của người dân. (Hình 1)

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM và cả nước giai đoạn 2011 - 2021 

(Đvt: %) 

Đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 

 (Nguồn: theo tính toán của tác giả dựa trên số liệu niên giám của Tổng cục Thống kê và Chi cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh)

 

1.2. Đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tăng trưởng kinh tế TP.HCM

Bảng 1. Đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tăng trưởng kinh tế TP.HCM giai đoạn 2011 - 2021

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào GRDP

20,85

24,27

18,66

19,20

19,71

23,45

25,25

26,22

26,86

25,50

23,34

Tỷ trọng VA của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào GRDP

18,54

21,67

17,05

17,70

18,16

21,30

23,33

24,34

24,96

23,68

21,44

Theo thành phần kinh tế

 

doanh nghiệp nhà nước

0,24

0,24

0,23

0,16

0,09

0,10

0,10

0,10

0,09

0,09

0,09

doanh nghiệp ngoài nhà nước

16,19

19,50

14,77

15,51

16,09

19,28

20,69

21,58

22,12

19,14

16,78

doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

2,11

1,93

2,06

2,03

1,98

1,93

2,55

2,66

2,74

2,64

2,67

Theo khu vực kinh tế

 

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

0,06

0,04

0,05

0,04

0,02

0,02

0,05

0,05

0,05

0,07

0,08

Công nghiệp - xây dựng

6,97

7,94

6,72

6,74

7,00

6,44

7,22

7,24

7,48

6,54

5,53

Dịch vụ

11,50

13,69

10,29

10,92

11,14

14,84

16,06

17,05

17,43

15,26

13,92

Thuế sản phẩm doanh nghiệp vừa và nhỏ

2.32

2.60

1.61

1.50

1.55

2,14

1,92

1,88

1,90

1,82

1,90

Dựa trên số liệu của Chi cục Thống kê TP.HCM và Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào GRDP Thành phố trong giai đoạn này có sự tăng giảm không đều qua các năm. Cụ thể: năm 2011, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp vào GRDP của Thành phố là 20,85%, trong đó giá trị tăng thêm là 18,54%; năm 2012 là 24,27%, trong đó giá trị tăng thêm là 21,67%; năm 2013 giảm xuống còn 18,66%, trong đó giá trị tăng thêm là 17,05%; năm 2014 tăng trở lại ở mức 19,2%, trong đó giá trị tăng thêm là 17.70% và năm 2015 đạt mức 19,71% trong đó giá trị tăng thêm là 18,16%. Tỷ trọng đóng góp vào GRDP của doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2011 - 2015 bình quân là 20,40%. Trong đó, chia theo thành phần kinh tế thì doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò 0,19%, doanh nghiệp ngoài nhà nước 16,41%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,02%. Nguyên nhân tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ nhà nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm liên tục qua các năm là do trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đang thực hiện việc tái cơ cấu lại doanh nghiệp và như đã phân tích ở trên, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực nhà nước ở giai đoạn này cũng giảm liên tục. Nếu xét theo khu vực kinh tế thì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức đóng góp thấp nhất với 0,04%, khu vực dịch vụ đóng góp cao nhất là 11,51% và cuối cùng là khu vực công nghiệp - xây dựng với đóng góp 7,07%. Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2015, đóng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn nhà nước đã giảm dần, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư nước ngoài. (Bảng 1)

Khác với giai đoạn 2011 - 2015, đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong GRDP của Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2019 ổn định và tăng liên tục qua các năm, cụ thể: năm 2016, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp vào GRDP của Thành phố là 23,45%, trong đó giá trị tăng thêm 21,30%; năm 2017 là 25,25%, trong đó giá trị tăng thêm là 23,33%; năm 2018 là 26,22%, trong đó giá trị tăng thêm 24,34% và năm 2019 là 26,86%, trong đó giá trị tăng thêm là 24,96%. Tuy nhiên, khi xét cả giai đoạn 2016 - 2021 thì trong năm 2020 lại có tỷ lệ giảm khi chỉ còn chiếm 25,50% và năm 2021 chỉ còn 23,34%. Bảng 1 cho thấy, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016 - 2021 bình quân là 25,01%. Trong đó, chia theo thành phần kinh tế thì doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò 0,09%, doanh nghiệp ngoài nhà nước 19,93%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,53%. Nếu xét theo khu vực kinh tế thì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức đóng góp thấp nhất với 0,05%, khu vực dịch vụ đóng góp cao nhất là 15,76% và cuối cùng là khu vực công nghiệp - xây dựng với đóng góp 6,74%. Nếu phân theo góc độ khu vực kinh tế thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung đông nhất ở khu vực dịch vụ, vì vậy đây cũng là nơi có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế Thành phố khi năm 2016 đóng góp tới 14,86% và năm 2021 là 12,92%, bình quân giai đoạn này khu vực dịch vụ đóng góp 15,76%, khu vực công nghiệp xây dựng đóng góp 6,74% và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,05% trong tăng trưởng kinh tế Thành phố. Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2021, sự phát triển cũng như đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng giảm dần tỷ trọng vai trò của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt là dịch vụ, hướng tới phát triển Thành phố trở thành một đô thị thông minh.

2. Đánh giá đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, dựa trên số liệu đã nêu ở trên, chúng ta có thể thấy rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế TP.HCM. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp trong Thành phố. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng đáng kể qua các năm, từ 313.031 doanh nghiệp vào năm 2015 lên đến hơn 400.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực của nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn cho GDP của thành phố. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo ra khoảng 60% lực lượng lao động và đóng góp hơn 23,34% GDP của Thành phố vào năm 2021.

Thứ ba, doanh nghiệp vừa và nhỏ có tính linh hoạt cao và có khả năng thích ứng với các thay đổi của thị trường nhanh chóng hơn so với các doanh nghiệp lớn. Điều này giúp tạo ra sự đa dạng và sự phát triển trong các ngành công nghiệp khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất của nền kinh tế thành phố.

Thứ tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn là một nguồn tài nguyên quan trọng hay còn gọi là mắt xích quan trọng đối với việc cung ứng, gia công cho các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn, đóng góp vào chuỗi giá trị của sản phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn.

Vì vậy, khẳng định rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP. HCM và là một trong những lực lượng chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.

3. Một số khuyến nghị giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại, phát triển và ngày càng đóng góp nhiều vào trong tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, ổn định xã hội, cũng như góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn sắp tới, cần phải thực hiện một số biện pháp đồng bộ sau:

Một là, tăng cường hỗ trợ tài chính: Những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính. Các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính và các chuyên gia cần cùng nhau thúc đẩy việc cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là vốn rủi ro thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua các giai đoạn khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý: Nội tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cần cải thiện năng lực quản lý để đối phó với các thách thức trong quá trình phát triển. Việc tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực quản lý sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý hiệu quả hơn tài nguyên của mình, đồng thời nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Ba là, đẩy mạnh khuyến khích đổi mới và sáng tạo: Việc khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các hoạt động đổi mới và sáng tạo sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình, từ đó tăng cường sự cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ, từ đó tăng cường sự cạnh tranh và góp phần vào tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Điều này có thể đạt được thông qua việc cung cấp nguồn lực và hỗ trợ tài chính để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, xúc tiến việc ứng dụng công nghệ mới và cải tiến quy trình sản xuất

Bốn là, thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp quốc tế: Bằng cách tạo ra các liên kết và đối tác với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với công nghệ tiên tiến, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển. Ngoài ra, việc hợp tác cũng sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường khả năng tiếp cận với các thị trường mới và mở rộng mạng lưới khách hàng của mình. Điều này cũng giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo ra những cơ hội mới để phát triển kinh doanh và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường.

Năm là, nâng cao năng lực công nghệ thông tin: Các doanh nghiệp cần đầu tư để nâng cao năng lực công nghệ thông tin, từ đó cải thiện quản lý và tiết kiệm chi phí. Hiện nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nào có năng lực về công nghệ, quy trình quản lý tiên tiến sẽ chiếm được lợi thế trong sản xuất. Điều này quyết định rất lớn đến sự sống còn của các doanh nghiệp trong môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Sáu là, tăng cường giáo dục và đào tạo: Việc tăng cường giáo dục và đào tạo cho các doanh nghiệpVV sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực và kỹ năng của các doanh nghiệp này, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ. Các chương trình giáo dục và đào tạo có thể tập trung vào các kỹ năng quản lý, kinh doanh, marketing, kế toán, quản lý nhân sự và các kỹ năng khác cần thiết để phát triển và điều hành một doanh nghiệp hiệu quả. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo cũng có thể giúp giảm tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê TP.HCM (2020). Niên giám thống kê TP.HCM năm 2020, NXB Thống kê.
  2. Cục Thống kê TP.HCM (2011-2015). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 - 2015. Truy cập tại: https://hochiminhcity.gov.vn/
  3. Cục Thống kê TP.HCM (2018). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020. Truy cập tại:  https://hochiminhcity.gov.vn/
  4. Cục Thống kê TP.HCM (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020. Truy cập tại: https://hochiminhcity.gov.vn/
  5. Cục Thống kê TP.HCM (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020. Truy cập tại:  https://hochiminhcity.gov.vn/

THE CONTRIBUTION OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES TO HO CHI MINH CITY’S ECONOMIC GROWTH

Pham Thanh Van

University of Finance and Marketing

ABSTRACT:

In recent years, small and medium-sized enterprises (SMEs) have significantly contributed to Ho Chi Minh City’s economic growth. According the Ho Chi Minh City Department of Statistics, in 2021, the number of SMEs accounted for about 98 percent of the total number of businesses in Ho Chi Minh City, and SMEs contributed to 23 percent of the city’s GDP and employed about one-third of the city’s workfore. It can be seen that SMEs does not only contribute greatly to the city’s economic development but also play an important role in the country’s sustainable economic growth. This study provides an overview and analyzes the contribution of SMEs to Ho Chi Minh City’s economic growth in recent years. The study also proposes some policies to facilitate the growth of SMEs and enhance their role in the city’s economic development.

Keywords: small and medium-sized Enterprises (SMEs), economic growth, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương