Đóng góp của vốn xã hội đối với hoạt động đầu ra của hộ nuôi tôm thâm canh vùng ven biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

ThS. DƯƠNG THẾ DUY (Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Logistic để phân tích vốn xã hội và các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động đầu ra của 183 hộ nuôi tôm thâm canh trên địa bàn của 03 xã ven biển: An Thủy, Bảo Thạnh và Bảo Thuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy mạng lưới xã hội chính thức (hội khuyến nông), mạng lưới xã hội phi chính thức (đồng nghiệp/bạn bè, đại lý, thương lái) và tuổi, kinh nghiệm, số năm sống tại địa phương, trình độ học vấn đều có tác động đến khả năng tiếp cận thị trường đầu ra và giá bán được của hộ nuôi tôm.

Từ khóa: Vốn xã hội, tiếp cận thị trường đầu ra, hộ nuôi tôm.

1. Đặt vấn đề

Nhận thấy trong nhiều năm trở lại đây, các hoạt động đầu vào, đầu ra của hộ nuôi tôm như: kiến thức nuôi, thông tin thị trường, giá bán,... tại các xã vùng ven biển của huyện đều phụ thuộc vào mạng lưới quan hệ xã hội. Cụ thể: giao dịch chính thống giữa hộ với bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, đại lý các cấp, thương lái, các tổ chức đoàn hội, chính quyền địa phương,... dựa trên các quy chuẩn, niềm tin gọi là vốn xã hội. Câu hỏi đặt ra: Vốn xã hội có thực sự góp phần làm tăng khả năng tiếp cận thị trường đầu ra của hộ nuôi tôm hay không? Vốn xã hội có thực sự góp phần làm tăng giá bán hay không? Vì vậy, người viết chọn đề tài “Đóng góp của vốn xã hội đối với hoạt động đầu ra hộ nuôi tôm thâm canh vùng ven biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre” làm đề tài nghiên cứu.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Thông qua lược khảo tài liệu nghiên cứu có liên quan đến vốn xã hội: Bourdieu (1986); Coleman, (1988); Putnam (1993); Fukuyama (1995); Hoài & cộng sự (2010),… và kết hợp với khảo sát thực tế tại địa bàn, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

Sử dụng phương pháp hồi quy logistic, các mô hình được thiết lập cụ thể như sau:

TCTT = β0 + β1HN + β2BN + β3HĐ + β4ĐN + β5TL + β6ĐL + β7TR + β8KC + β9TU + β10KN + β11SN + β12TD + β13LD (1)

GBD = β0 + β1HN + β2BN + β3HĐ + β4ĐN + β5TL + β6ĐL + β7TR + β8KC +β9TU + β10KN + β11SN + β12TD + β13LD (2)

+ Các biến phụ thuộc gồm:

(1) TCTT là biến phụ thuộc đo lường khả năng tiếp cận thị trường đầu ra của hộ nuôi tôm, biến này nhận giá trị 1 nếu nông hộ có khả năng tiếp cận thị trường đầu ra tốt (thường xuyên cập nhật giá cả, thông tin thị trường đầu ra, hiểu biết các tác nhân tham gia thị trường, nắm bắt chính sách thị trường) và ngược lại sẽ nhận giá trị 0.

(2) GBD là biến phụ thuộc đo lường theo thang đo likert 5 mức độ giá bán được của hộ nuôi tôm, nếu giá bán ở mức 4 và 5 (cao và rất cao) nghĩa là hộ bán được với mức giá mong đợi (nhận giá trị 1). Nếu giá bán được ở mức 1, 2 và 3 (rất không tốt, không tốt và bình thường) thì mức giá thấp hơn mong đợi (nhận giá trị 0).

+ Các biến độc lập gồm:

Nhóm biến đo lường vốn xã hội, theo Putnam (2000, trích từ Sen, 2010); ABS (2004); V.Vella & cộng sự (2006); Hoài & cộng sự (2014); Lan (2011); Duy (2013) cho rằng: Mạng lưới chính thức bao gồm: Hội khuyến nông, Ban quản lý khu nuôi, Tổ chức hội đoàn (được đo lường bằng tổng số tổ chức/ban/hiệp hội mà thành viên trong hộ tham gia); Mạng lưới phi chính thức Đồng nghiệp/bạn bè, Thương lái, Đại lý (được đo lường bằng số người có thể giúp đỡ, chia sẻ,… khi hộ cần.); Lòng tin (nhận giá trị 1 - tin tưởng và giá trị 0 - không tin tưởng). Các biến đo lường vốn xã hội được kỳ vọng tỷ lệ thuận với các biến phụ thuộc.

Nhóm biến thuộc về đặc điểm của hộ, theo nghiên cứu của Senyolo & cộng sự (2009); Takashi Yamano & cộng sự (2010), Berahanu Kuma (2012), Anteneh & cộng sự (2011) thì nhóm biến thuộc về đặc điểm của hộ: Khoảng cách (kỳ vọng:+), Tuổi (kỳ vọng:+/-), Kinh nghiệm (kỳ vọng: +), Số năm sống tại địa phương (đề xuất của tác giả, kỳ vọng: +), Trình độ học vấn (kỳ vọng: +), Lao động (kỳ vọng: +).

2.2. Dữ liệu nghiên cứu

Điều tra được tiến hành vào tháng 5/2017 tại địa bàn 03 xã An Thủy (số hộ 65), Bảo Thạnh (số hộ 58), Bảo Thuận (số hộ 47). Đối tượng lấy mẫu: Đại diện hộ gia đình nuôi tôm thâm canh (người trực tiếp nuôi). Phương pháp lấy mẫu: Lấy mẫu ngẫu nhiên không lặp lại. Theo Tabachinick & Fidell (1991), khi sử dụng các phương pháp hồi qui, kích thước mẫu cần thiết được tính theo công thức: n>=50 + 8p. Trong đó: n là kích thước mẫu tối thiểu cần thiết, p là số lượng biến độc lập trong mô hình. Do đó, 15 biến độc lập trong mô hình nghiên cứu được đề xuất thì cỡ mẫu cần điều tra là n>=50+8*13= 154 quan sát. Vậy với cỡ mẫu 183 quan sát, dữ liệu đã đảm bảo thực hiện kiểm định mô hình nghiên cứu.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đặc điểm vốn xã hội của hộ nuôi tôm vùng ven biển địa bàn điều tra

Dựa vào Bảng 1 cho thấy, số tổ chức thuộc mạng lưới chính thức mà hộ tham gia tương đối thấp, cao nhất là Hội khuyến nông: 5 tổ chức kế đến là Ban quản lý khu nuôi và Tổ chức đoàn hội. Số lần tham gia trung bình vào Hội khuyến nông, Ban quản lý khu nuôi, Tổ chức hội đoàn lần lượt là 2,48; 0,87; 1,15 tổ chức/hộ. Còn đối với mạng lưới phi chính thức có sự khác biệt lớn. Số người mà hộ nhận được sự tiếp xúc, giúp đỡ, chia sẻ,… nhiều nhất là mạng lưới đồng nghiệp/bạn bè, bình quân 7,25 lần; kế đến là các thương lái (3,15 lần) và đại lý (3,06 lần).

Qua khảo sát 183 hộ được phỏng vấn thì có đến 137 hộ tin vào cộng đồng mà mình tiếp xúc hoặc những lần nhận được sự giúp đỡ, chiếm 74,86% tổng số hộ điều tra.

3.2. Phân tích tác động của vốn xã hội đến khả năng tiếp cận thị trường đầu ra và giá bán được

Kết quả của kiểm định Wald cho thấy: 8 biến độc lập tương quan có ý nghĩa thống kê 1%, 5%, 10%: hội khuyến nông, đồng nghiệp/bạn bè, thương lái, đại lý, tuổi, kinh nghiệm, số năm sinh sống tại địa phương, trình độ học vấn.

+ Phân tích vốn xã hội tác động đến khả năng tiếp cận thị trường đầu ra

- Đối với mạng lưới chính thức: Biến Hội khuyến nông (HN) có Sig. = 0,000 < 0,01. Do đó, biến Hội khuyến nông (HN) tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TCTT với độ tin cậy 99%. Đồng thời, dấu của hệ số hồi quy cũng như kỳ vọng ban đầu. Nghĩa là Hội khuyến nông (HN) tỷ lệ thuận với khả năng tiếp cận thị trường đầu ra của hộ. Điều này hoàn toàn hợp lý với thực tế, bởi vì thông qua các lần tham gia Hội khuyến, hộ sẽ thường xuyên nhận được thông tin về chính sách, khoa học cũng như thông tin các lớp tập huấn… góp phần giúp hộ tiếp cận được các yếu tố đầu vào và đầu ra một cách hiệu quả và chính xác hơn.

- Đối với mạng lưới phi chính thức: Biến Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) lần lượt có Sig. = 0,000 < 0,01; Sig. = 0,06 < 0,1; Sig. = 0,02 < 0,05. Do đó, biến Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TCTT với độ tin cậy lần lượt là 99%, 90%, 95%. Đồng thời, dấu của hệ số hồi quy cũng như kỳ vọng ban đầu. Các biến Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) tỷ lệ thuận với khả năng tiếp cận thị trường đầu ra của hộ. Nếu hộ có số lượng đồng nghiệp/bạn bè, thương lái, đại lý,… hỗ trợ, chia sẻ khi hộ cần càng nhiều thì khả năng tiếp cận các thông tin thị trường đầu ra càng cao. Đây cũng là mạng lưới góp phần vào giảm rủi ro đầu ra và thông tin bất cân xứng.

+ Phân tích vốn xã hội tác động đến giá bán được

- Đối với mạng lưới chính thức: Biến Hội khuyến nông (HN) có Sig. = 0,000 < 0,01. Do đó, biến Hội khuyến nông (HN) tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc GBD với độ tin cậy 99%. Đồng thời, dấu của hệ số hồi qui cũng như kỳ vọng ban đầu. Nghĩa là Hội khuyến nông (HN) của hộ tỷ lệ thuận với khả năng tiếp cận thị trường của hộ. Điều này hoàn toàn hợp lý với thực tế, bởi vì thông qua các lần tham gia Hội khuyến, ngoài việc hộ nhận được thông tin về chính sách, khoa học mà còn được cung cấp thông tin về giá bán… góp phần hạn chế bị các thương lái ép giá.

- Đối với mạng lưới phi chính thức: Các biến Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) lần lượt có Sig. = 0,000 < 0,01; Sig. = 0,014 < 0,05; Sig. = 0,077 < 0,1. Do đó, biến Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc GBD với độ tin cậy lần lượt 99%, 95%, 90%. Đồng thời, dấu của hệ số hồi quy cũng như kỳ vọng ban đầu. Các biến Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) tỷ lệ thuận với giá bán được của hộ. Nếu hộ có số lượng đồng nghiệp/bạn bè, thương lái, đại lý,… hỗ trợ, chia sẻ khi hộ cần càng nhiều thì giá bán càng cao.

Cũng từ Bảng 2, sử dụng kết quả của cột hệ số hồi quy (β) và cột (Exp(β) = eβ), hình thành kịch bản xác suất thay đổi khi xác suất ban đầu lần lượt là 10%, 20%, 30%.

Đặt P0: Xác suất ban đầu; P1: Xác suất thay đổi.

P1 được tín theo công thức sau:

P= (P0 x eβ)/(1 - P0(1 - eβ))

Đối với thị trường đầu ra:

- Mạng lưới chính thức (Hội khuyến nông (HN)): Giả sử hộ nuôi tôm có xác suất tiếp cận thị trường ban đầu là 10%. Khi các yếu tố khác không đổi, nếu số Hội khuyến nông mà thành viên trong hộ tham gia tăng thêm 01 đơn vị thì xác suất tiếp cận thị trường đầu ra tăng lên 51%. Nếu xác suất ban đầu là 20% thì xác suất tiếp cận thị trường đầu ra là 70,1% và xác suất ban đầu là 30% thì xác suất tiếp cận thị trường đầu ra là 80,1%.

- Tương tự, đối với mạng lưới phi chính thức: Giả sử hộ nuôi tôm có xác suất tiếp cận thị trường ban đầu là 10%. Khi các yếu tố khác không đổi, nếu số Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) có thể giúp đỡ, chia sẻ,… khi hộ cần tăng thêm 01 người thì xác suất tiếp cận thị trường đầu ra tăng lên lần lượt là 37,1%; 57%; 32,2%. Nếu xác suất ban đầu là 20% thì xác suất tiếp cận thị trường đầu ra tăng lần lượt: 57,1%; 74,9%; 51,7% và xác suất ban đầu là 30% thì xác suất tiếp cận thị trường đầu ra là 69,5%; 83,6%; 64,7%.

Đối với giá bán được:

- Mạng lưới chính thức (Hội khuyến nông (HN)): Giả sử hộ nuôi tôm có xác suất giá bán được ban đầu là 10%. Khi các yếu tố khác không đổi, nếu số Hội khuyến nông mà thành viên trong hộ tham gia tăng thêm 01 đơn vị thì xác suất giá bán được tăng lên 36,9%. Nếu xác suất ban đầu là 20% thì xác suất giá bán được là 56,8% và xác suất ban đầu là 30% thì xác suất giá bán được là 69,3%.

- Tương tự, đối với mạng lưới phi chính thức: Giả sử hộ nuôi tôm có xác suất giá bán được ban đầu là 10%. Khi các yếu tố khác không đổi, nếu số Đồng nghiệp/bạn bè (ĐN), Thương lái (TL), Đại lý (ĐL) có thể tiếp xúc, giúp đỡ, chia sẻ,… khi hộ cần tăng thêm 01 người thì xác suất giá bán được tăng lên lần lượt là 59,9%; 75,3%; 18,9%. Nếu xác suất ban đầu là 20% thì xác suất giá bán được lần lượt là 77,1%; 87,3%; 34,4% và xác suất ban đầu là 30% thì xác suất giá bán được lần lượt là 85,2%; 92,2%; 47,3%.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường đầu ra và giá bán được của hộ nuôi tôm là: Hội khuyến nông, đồng nghiệp/bạn bè, thương lái, đại lý, tuổi, kinh nghiệm, trình độ, số năm sinh sống ở địa phương. Trong 8 yếu tố trên, duy nhất chỉ có yếu tố Tuổi có mối tương quan nghịch với khả năng tiếp cận thị trường đầu ra và giá bán được của hộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anteneh A., Muradian R., Ruben R. (2011), Factors Affecting Coffee Farmers Market Outlet Choice - The Case of Sidama Zone, Ethiopia. Centre for International Development Issues Nijmegen, Radboud University, the Netherlands.

2. Berahanu Kuma (2012), Market Access and Value Chain Analysis of Dairy Industry in Ethiopia. School of graduate studies Haramaya University, February 2012.

3. BourdieuP. (1986),The FormofCapital, inRichardson, J.E.(ed.) Handbook of Theory of Research for the Sociology of Education, 241258, New York: Greenwood.

4. Coleman J. (1988), Social capital in the creation of human capital, American Journal of sociology, 94: pp95 - 120.

5. Dương Thế Duy (2013), Phân tích các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nuôi tôm vùng ven biển tỉnh Bến Tre, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM).

6. Fukuyama F. (1995), Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity, London: Penguin Books.

7. Nguyễn Trọng Hoài, Trần Quang Bảo (2014), Ảnh hưởng của vốn xã hội đến tiếp cận tín dụng của hộ gia đình nông thôn Việt Nam, Tạp chí Phát triển Kinh tế 279 (01/2014), pp.41 - 57.

8. Nguyễn Trọng Hoài, Huỳnh Thanh Điền (2010), Xây dựng khung phân tích vốn xã hội trong doanh nghiệp cho điều kiện Việt Nam, tổng quan lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm, Tạp chí Kinh tế phát triển, số 6, tháng 08/2010, tr.22 - 28.

9. ABS(2004), MeasuringSocialCapital: An Australian Framework and Indicators http:// www.aus stats.abs.gov.au/Ausstats/ free.nsf/Lookup/13C0688F6B98DD45CA2 56E360077D526 /$File/ 13780_2004.pdf.

10. Ngô Thị Phương Lan (2011), Hành vi giảm thiểu rủi ro và vận dụng nguồn vốn xã hội của nông dân người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, Luận án tiến sỹ lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM).

11. Putnam R.D. (1993), “The Prosperous Community. Social Capital and Public Life”, The American Prospect Vol. 13, pp. 35 - 42.

12. Putnam R.D. (2000), Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. New York.

13. Sen U. (2010), Social Capital and Trust: The Relationship between Social Capital.

14. Senyolo G.M, Chaminuka P., Makhura M.N and Belete A. (2009), Parterns of access and utilization of output markets by emerging famers in south Africa: Factor analysis approach. African Journal of Agricultural Research Vol. 4 (3), pp. 208 - 214.

15. Tabachnick B.G. & Fidell L.S. (1991), Using multivariate statistics (3rd ed.). New York: HarperCollins.

16. Takashi Yamano, Yoko Kijima (2010). Market Access, Soil Fertility, and Income in East Africa. Paper 10 GRIPS Discussion Paper 10 - 22.

17. Vella V. and Narajan D. (2006), “Building indices of social capital”, Journal of Socialogy, No.1, pp.1 - 23.

CONTRIBUTION OF SOCIAL CAPITAL TO THE OUTPUT

ACTIVITIES OF INTENSIVE SHRIMP FARMING IN

COASTAL AREA OF BA TRI DISTRICT, BEN TRE PROVINCE

● MA. DUONG THE DUY

Ton Duc Thang University

ABSTRACT:

This study uses the Logistic regression model to analyze social capital and factors affecting the output of 183 intensive shrimp farming in three coastal wards: An Thuy, Bao Thanh and Bao Thuan. The results showed that official networks (Agricultural encouragement association), informal networks (colleague/friend, agency, seller) and age, experience, number of years living in the locality and education all have an impact on access to output markets and selling prices of shrimp farming.

Keywords: Social capital, access the output market, shrimp farming.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây