Đồng Tháp có thêm một cụm công nghiệp

Cụm công nghiệp mới này có quy mô 43ha, dự kiến tập trung thu hút các ngành nghề sản xuất, chế biến thực phẩm, nông sản và thuỷ hải sản; chế biến lương thực và các sản phẩm sau gạo...

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt quyết định thành lập Cụm công nghiệp An Hòa, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự.

cụm công nghiệp
Theo kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án Cụm công nghiệp An Hòa từ năm 2023 - 2028. 

Cụm công nghiệp có tổng mức đầu tư 612 tỷ đồng

Theo quyết định, Cụm công nghiệp An Hòa có quy mô diện tích đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43ha; gồm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và môi trường theo quy định, để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngành nghề hoạt động: Sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, nông sản và thuỷ hải sản; sản xuất chế biến rau, củ, quả các loại; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; cơ khí, điện, điện tử; chế biến lương thực và các sản phẩm sau gạo; sản xuất, chế biến phụ phẩm (dầu cá, bột cá, mỡ cá, trấu viên, củi trấu).

Tổng mức đầu tư dự án là 612 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Công ty Cổ phần Hùng Cá Hồng Ngự (chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp An Hòa) là 269 tỷ đồng và vốn huy động của tổ chức tín dụng là 343 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 - 2028. Dự kiến, đến năm 2033, Cụm công nghiệp An Hoà đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%.

Tăng cường thu hút nhà đầu tư 

Hiện Đồng Tháp có khoảng 200 ha đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẵn sàng cho doanh nghiệp thuê.

Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đi thực tế, khảo sát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tìm hiểu về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ở lĩnh vực thủy sản và dệt may nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cung cấp vải, máy móc, công nghệ mới cho doanh nghiệp dệt may của tỉnh. Một số doanh nghiệp Ấn Độ cũng đề xuất việc kết hợp, mở rộng cơ sở kinh doanh với doanh nghiệp Đồng Tháp, trong đó có lĩnh vực công nghệ nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và hệ thống đông lạnh.

Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ cũng khảo sát tại Khu công nghiệp Tân Kiều (huyện Tháp Mười), tìm hiểu về hạ tầng, các tuyến giao thông kết nối từ Đồng Tháp đi các nơi như: PhnomPenh (Campuchia), Thành phố Hồ Chí Minh, các cảng hàng hải.

Thanh Hà