Đồng USD bước vào xu thế tăng giá mạnh, tác động xấu đến nhiều nền kinh tế đang nổi lên

Đồng USD đang tăng giá mạnh trở lại khi nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi mạnh sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi kinh tế của các nền kinh tế đang nổi lên như Brazil, Thái Lan… vốn đang vật lộn với đại dịch Covid-19.

Báo kinh tế Nikkei Asia (Nhật Bản) cho biết giá trị lý thuyết của đồng USD đã sụt giảm mạnh sau khi Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu tung lượng lớn tiền để cứu trợ cho người dân và các doanh nghiệp nước này vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19 trong năm ngoái và khiến gánh nặng nợ của nước này tăng lên. Tuy nhiên, xu hướng trên đã bắt đầu thay đổi kể từ đầu năm nay.

Trong quý 2/2021, Hoa Kỳ đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 6,5%. Đà phục hồi nhanh của nền kinh tế này chủ yếu nhờ sự gia tăng tiêu dùng cá nhân và đầu tư của khu vực tư nhân. Hai trụ cột tăng trưởng này đã phục hồi trở về ngưỡng như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Mặc dù rủi ro làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Delta gây ra đang tăng lên, các chỉ số vẫn cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tương đối vững vàng. Hiện tại, 1 đồng USD đổi được 109 Yên Nhật, tăng đáng kể so với mức 103 Yên/USD hồi đầu năm nay.

Diễn biến đồng USD
Chênh lệch tỷ giá lý thuyết và tỷ giá thực tế giữa đồng USD với đồng Yên Nhật trong những năm gần đây (Đồ hoạ: Nikkei)

Những động thái sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) được nhận định sẽ ảnh hưởng lớn đến diễn biến của đồng USD. Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc FED đã đề cập đến khả năng tăng lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ ngay từ năm 2023 thay vì từ sau năm 2024 như các dự kiến trước đây.

Bà Mari Iwashita, nhà kinh tế trưởng của hãng chứng khoán Daiwa Securities SMBC (Nhật Bản) cho biết “Lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ đang trong xu hướng tăng lên” và dự báo áp lực sẽ tăng lên đối với đồng USD.

Trong bối cảnh trên, giá trị đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi lên đang giảm mạnh. Sau phiên họp chính sách tháng 6/2021 của FOMC, đồng Real của Brazil và đồng Rand của Nam Phi đã sụt giảm sâu so với đồng USD. Đồng USD cũng đang tăng giá mạnh so với đồng EUR của Châu Âu, Ringgit của Malaysia, Rupiah của Indonesia cũng như nhiều đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi lên khác.

Các động thái của FED khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi lên. Trước đó, giới đầu tư tận dụng việc Hoa Kỳ hạ thấp lãi suất để dùng đồng USD mua vào các đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi lên vốn có mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Các nền kinh tế đang nổi lên
 Sự sụt giảm của một số đồng nội tệ tại các nền kinh tế đang nổi lên so với đồng USD từ ngày 16/6 đến ngày 28/7/2021 (Đồ hoạ: Nikkei)

Giới phân tích cho biết việc đồng USD tăng giá trở lại có nguyên nhân chủ yếu từ việc nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế khác. Việc đồng USD tăng giá sẽ gia tăng gánh nặng trả nợ đối với các nền kinh tế đang nổi lên có mức nợ bằng đồng USD cao.

Ví dụ, nền kinh tế Indonesia đang chịu áp lực kép khi đồng USD tăng mạnh so với đồng nội tệ nước này và tình trạng đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với Thái Lan và đồng Baht Thái đã giảm khoảng 10% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay, trở thành đồng tiền suy giảm mạnh nhất so với đồng USD tại Châu Á.

Nhiều nhà phân tích nhận định đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Mặc dù phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ có thể suy yếu do làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, khiến đồng USD suy giảm nhưng đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi lên cũng sẽ suy giảm theo, thậm chí lao dốc mạnh hơn nhiều so với mức suy giảm của đồng USD.

Quang Đặng (Tham khảo Nikkei Asia)