Đột kích cơ sở sản xuất nước giặt bằng "công nghệ xô chậu"

Theo nguồn tin báo của người dân, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa đột kích, triệt phá cơ sở sử dụng “công nghệ xô chậu” sản xuất nước giặt, nước xả vải mang nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau.

Ngày 6/4, Đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội đã đột kích, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh và phân phối các sản phẩm nước giặt, nước xả vải mang nhiều thương hiệu khác nhau.

Cơ sở này có địa chỉ tại thôn chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, do Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1994, thường trú tại thôn Phú Tàng, xã Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) thuê để sản xuất và phân phối các sản phẩm.

Địa điểm này khác so với địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cơ sở đã đăng ký với Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

sản xuất nước giặt giả
Lực lượng chức năng thu giữ, niêm phong số hàng hóa vi phạm, không đảm bảo chất lượng

Ông Nguyễn Đạo An - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17 cho biết, khi đoàn kiểm tra đột kích, các nhân viên kho hàng đang trong quá trình sản xuất, chiết xuất và đóng thùng các sản phẩm nước giặt, nước xả vải.

Tại kho hàng này, chủ cơ sở đã phân chia thành nhiều khu sản xuất, khu thành phẩm rất “chuyên nghiệp” như: khu nguyên liệu 1 và 2, khu bán thành phẩm, khu thành phẩm, khu sản xuất, kho hàng...

Đáng nói, để sản xuất ra các sản phẩm nước giặt, nước xả vải, chủ cơ sở đã sử dụng một loạt “công nghệ xô chậu” với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc.

“Cơ sở có khoảng 4 đến 5 nhân viên, làm việc theo giờ hành chính, phân chia nhiệm vụ cụ thể. Mỗi ngày cơ sở sản xuất được từ 40-60 thùng hàng thành phẩm. Người chiết xuất, người đóng chai nước giặt, nước xả vải, người dán nhãn mác...”, ông Nguyễn Đạo An tiết lộ.

sản xuất nước giặt giả

sản xuất nước giặt giả
Kho hàng thường xuyên có 4 đến 5 nhân viên làm việc, mỗi người một khâu. Người chiết xuất nước giặt, nước xả vải; người đóng chai; người dán nhãn mác; người đóng thùng....

Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ cơ sở Nguyễn Văn Thái cho biết, cơ sở nhập chai, thùng để đóng nước giặt, nước xả vải từ một cơ sở sản xuất thủ công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nhãn mác đều mang tên của các thương hiệu nổi tiếng, nhưng được nhập theo thùng, theo cân. Tuy nhiên, chủ cơ sở này không chia sẻ thêm về cách thức nhập cũng như địa chỉ cụ thể nơi nhập.

Theo chia sẻ của nhân viên tại kho hàng, mỗi ngày, nhân viên này dán khoảng 250 nhãn mác cho 250 sản phẩm. Sau đó chuyển cho nhân viên khác đóng thùng.

sản xuất nước giặt giả

sản xuất nước giặt giả

sản xuất nước giặt giả
Tại cơ sở này, "công nghệ sản xuất" nước xả vải, nước giặt rất thô sơ, chủ yếu dùng thau, chậu đong đếm, pha chế. Các nguyên vật liệu sản xuất không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng

Tại hiện trường, Đội QLTT số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 05 chiếc mô-tơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.

“Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm để xác định mức độ vi phạm của sản phẩm”ông Nguyễn Đạo An, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17 nhấn mạnh.

sản xuất nước giặt giả

sản xuất nước giặt giả
Lực lượng chức năng thu giữ rất nhiều thành phẩm, bán thành phẩm cùng hàng trăm vỏ chai, thùng hàng

Hiện nay, Đội QLTT số 17 đã tiến hành thu giữ toàn bộ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về trụ sở Đội để bảo quản. Đồng thời niêm phong toàn bộ mô-tơ điện dùng để pha chế thành phẩm tại địa chỉ sản xuất và giao cho chủ cơ sở tự bảo quản, trông giữ.

Vụ việc tiếp tục được Đội QLTT số 17 làm rõ để xử lý theo quy định.

 

An Hạ