Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 13/9 - 11/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 11/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tiếp tục tăng 1,5% lên 83,65 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 cũng tăng 1,5% lên 80,52 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt mức 84,60 USD/thùng - mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018 đến nay; và giá dầu thô WTI đạt tới 82,18 USD/thùng - mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 trở lại đây. 

Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã điều chỉnh tăng mạnh dự báo giá dầu thô trong giai đoạn cuối năm nay lên mức 90 USD/thùng, tăng 10 USD/thùng so với dự báo gần nhất.

Chuyên gia phân tích thị trường Carsten Fritsch thuộc ngân hàng đầu tư Commerzbank (Đức) nhận định giá dầu thô sẽ có khả năng tiếp tục tăng lên trong ngắn hạn. Thị trường hiện kỳ vọng việc nhiều quốc gia đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ giúp tái mở cửa các nền kinh tế nhanh hơn, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Giá dầu thô Brent hiện đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp; trong khi đó, giá dầu thô WTI xác lập mạch tăng giá kéo dài tuần thứ 7 liên tiếp.

Bên cạnh đà phục hồi kinh tế toàn cầu, giá dầu thô còn đang được nâng đỡ đáng kể bởi cuộc khủng hoảng năng lượng tại một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Châu Âu. Giới phân tích cảnh báo giá khí tự nhiên tại Châu Âu và Châu Á có thể tiếp tục lập các đỉnh giá kỷ lục mới nếu như nhiệt độ mùa đông năm nay tại khu vực Bắc Bán cầu xuống thấp hơn thông thường. Việc giá khí tự nhiên cao đã khiến nhiều nhà máy điện tại khu vực Nam Á tăng cường sử dụng dầu thô thay cho khí tự nhiên.

Qatar, quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vừa cho biết việc giá khí tự nhiên tăng quá cao lên mức tương đương quy đổi 200 USD/thùng dầu thô có thể khiến nhiều khách hàng lớn của nước này chuyển sang sử dụng dầu. Qatar cũng cho biết công suất khai thác và xuất khẩu khí LNG của nước này hiện đang ở mức cao nhất có thể nhằm kìm hãm đà tăng phi mã của giá khí.

Trong khi đó, giá than tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được nhận định sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục như hiện nay khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung than cho sản xuất điện tại Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Trong phiên giao dịch ngày 11/10, giá than tại Trung Quốc đã tăng sốc hơn 11% khi nhiều mỏ than tại nước này phải đóng cửa do mưa lũ nghiêm trọng.

Tình trạng căng thẳng đối với nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu được nhận định sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm nay, đặc biệt là sau khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết hiện chưa có kế hoạch xả bán lượng dầu thô dự trữ chiến lược của nước này ra thị trường để hạ nhiệt giá dầu thô.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Tamas Varga thuộc hãng môi giới dầu thô hàng đầu thế giới PVM Oil Associates (Anh) cho biết “Thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm lượng dự trữ dầu thô tại nhiều quốc gia, sự kiên định của liên minh OPEC+ trong việc chỉ nâng nhỏ giọt sản lượng khai thác cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở một số nền kinh tế. Tất cả những điều này sẽ nâng đỡ mạnh mẽ giá dầu thô trong vòng 3 tháng tới đây”.