Tàu chở khí tự nhiên hoá lỏng LNG
 Kể từ đầu năm đến nay, các quốc gia khu vực Đông Bắc Á đã tích cực thu mua các lô hàng khí LNG phục vụ cho hoạt động sản xuất điện mùa hè và sưởi ấm cho mùa đông sắp tới (Ảnh: Nikkei Asia)

Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch sản xuất điện và thu mua tích trữ LNG của nhiều quốc gia trong thời gian tới. Đặc biệt, nếu nhiệt độ mua đông năm nay tại Châu Á ở mức thấp như đợt lạnh sâu của mùa đông năm ngoái thì giá khí LNG dự kiến sẽ tăng vọt.  

Khác với các năm trước, nhu cầu sử dụng khí LNG đã tăng mạnh ngay từ đầu năm nay, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 và nước này tích cực thu mua tích trữ các lô khí LNG cho mùa đông ngay từ sớm. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt ở Bắc Bán cầu trong mùa hè này khiến nhu cầu sử dụng khí LNG để sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu làm mát tại hàng loạt quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Châu Âu tăng vọt. Giá khí LNG cho các lô hàng giao mùa hè theo đó cũng chạm mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Giá khí tự nhiên hoá lỏng LNG
 Diễn biến giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại khu vực Châu Á từ tháng 10/2020 - tháng 8/2021 (Đồ hoạ: S&P Global Platts)

Trong tuần trước, giá một số lô khí LNG giao ngay tại Châu Á đã chạm mức 18 USD/MMBtu, cao gấp nhiều lần so với mức giá trung bình khoảng 4 USD/MMBtu trong cùng kỳ năm ngoái. Trong ngày 25/8, chỉ số giá khí LNG S&P Global Platts JKM đối với các lô khí giao tháng 10/2021 đạt 17,460 USD/MMBtu. Chỉ số giá S&P Global Platts JKM do hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) đo lường và thường được xem là mức giá chuẩn cho các lô khí LNG giao ngay tại khu vực Đông Bắc Á.

Giá khí LNG giao đến khu vực Đông Bắc Á trong mùa đông năm nay trên Sàn giao dịch ICE đã đạt mức cao kỷ lục gần 20 USD/MMBtu. Điều này cho thấy thị trường lo ngại nguồn cung khí sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến đầu năm sau. Một số chuyên gia phân tích nhận định tình hình tồn trữ khí LNG tại khu vực Bắc Á và Châu Âu sẽ quyết định liệu giá khí LNG sẽ tăng cao đến ngưỡng nào.

Mức tồn trữ khí LNG của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan trong mùa đông tới đây hiện được dự báo sẽ ở trên mức trung bình ba năm gần nhất. Khu vực Đông Bắc Á đã liên tục nhập khẩu lượng lớn khí LNG kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tình hình tồn trữ khí LNG tại khu vực Châu Âu vẫn chưa chắc chắn do các lo ngại về nguồn cung khí từ Nga.

Ông Jeffrey Moore, Giám đốc thị trường LNG khu vực Châu Á tại hãng phân tích S&P Global Platts Analytics, nhận định “Giá khí LNG giao ngay tại khu vực Châu Á và Châu Âu sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong mùa đông năm nay do tình trạng thiếu hụt lượng tồn trữ khí đốt tại Châu Âu, nhu cầu sử dụng tăng cao tại Châu Á cũng như Bắc Mỹ. Trong khi đó nguồn cung khí LNG tại các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Hoa Kỳ, tiếp tục ở mức yếu”.