Dự báo - Nhận diện và khai thông các điểm nghẽn

Biến động kinh tế và thách thức chính sách từ bên ngoài vẫn rất lớn. Bởi vậy, nhiệm vụ của ngành Công Thương không đơn thuần là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hay mở rộng thị trường trong nước, mà quan trọng hơn, thông qua các hoạt động đó, dự báo, nhận diện và khai thông các điểm nghẽn, giúp cho dòng chảy hàng hóa Việt lan tỏa mạnh mẽ trên khắp mảnh đất hình chữ S, đến khắp các châu lục.

Đúng đắn và đúng lúc

2021 là năm khủng hoảng ở cấp độ toàn cầu, chỉ có thể so sánh nó với Thế chiến II, khi quyết định của mỗi quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào diễn tiến tình hình thế giới. Trong môi trường đầy biến động đó, ngành Công Thương, nơi hội tụ 80% GDP cả nước đã chủ động đề xuất Chính phủ và trực tiếp triển khai nhiều giải pháp giữ vững chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Nhưng nói như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, không chỉ chịu áp lực do dịch Covid-19 trong suốt giai đoạn 2020 - 2021, mà hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã chịu tầng tầng lớp lớp sức ép từ những bất ổn bên ngoài như chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, sự suy giảm của hệ thống thương mại đa phương… Những làn sóng không ngừng nghỉ đó, cộng hưởng với dịch Covid-19 hai năm qua, có những lúc tưởng chừng như sắp đứt gãy chuỗi sản xuất.

Sự căng thẳng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư không chỉ đẩy sức chống chịu của nền kinh tế nước ta tới giới hạn chưa từng có; buộc phải có những điều chỉnh chưa từng có; đòi hỏi phải có những quyết sách ngay lập tức, thời gian ra quyết định tính bằng giờ; mà còn tạo sức ép chưa từng có lên cơ quan quản lý phải ra quyết định trong lúc những tranh luận chưa đến hồi kết. Như tranh luận thế nào là hàng hóa thiết yếu; tranh luận giữa đóng và mở cửa chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 7; mở lại các nhà máy trong điều kiện nào…

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, nhiều địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá cao Bộ Công Thương có nhiều đề xuất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động trong và ngoài vùng dịch, như đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất - kinh doanh; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các khu, cụm công nghiệp; kiên trì đề xuất mở lại chợ truyền thống trong điều kiện đảm bảo chống dịch; đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhớ lại, tại Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp ngày 8/8/2021, Hiệp hội kiến nghị giảm giá tiền điện cho doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phản hồi kịp thời. Chưa đầy 3 tuần sau, ngày 28/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 97/NQ-CP hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện theo đề xuất của Bộ Công Thương, cho các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản; rau quả có cơ sở sản xuất tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Những quyết định đúng đắn, đúng lúc đó góp phần quan trọng làm nên những con số ấn tượng cho nền kinh tế. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với năm trước; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần công nghiệp khai khoáng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, xuất khẩu tăng 19%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; bán lẻ hàng hóa tăng trưởng dương trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội trong quý III.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, các hoạt động trên vừa đóng góp vào tăng trưởng GDP, vừa góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trước thách thức bên ngoài

2022 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách với ngành Công Thương. Bên cạnh những khó khăn khách quan như diễn biến khó lường của dịch Covid-19; kinh tế thế giới phục hồi thiếu vững chắc; nợ công và lạm phát tăng cao ở một số nước; thì chính sách của các nước lớn đã có những chuyển đổi rất nhanh, mạnh mẽ.

Đó là sự thay đổi cấu trúc quản trị thế giới, thay vì sử dụng hệ thống WTO, các nước lớn sẽ thông qua các nhóm G7, G20 để áp đặt luật chơi mới; nhiều nền kinh tế trong đó có  Mỹ, EU, Trung Quốc… tập trung vào chiến lược tự chủ quốc gia, áp đặt các tiêu chuẩn môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ làm hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước; bảo vệ mậu dịch được nâng tầm lên thành vấn đề an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, như chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị, trước đây đã xuất hiện việc viết lại “luật chơi” từ các nước lớn. Cuối năm 2020, Việt Nam đã bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ và đe dọa áp thuế trừng phạt lên hàng nhập khẩu Việt Nam.

Hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước kiên trì đấu tranh bền bỉ với các cơ quan chức năng của Mỹ để đảm bảo một mối quan hệ thương mại “hài hòa và công bằng”. Ngày 23/7/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cam kết không áp đặt các biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu Việt Nam. Ngày 3/12/2021, đến lượt Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không xem Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ.

Mặc dù vậy, biến động kinh tế và thách thức chính sách từ bên ngoài vẫn rất lớn. Bởi vậy, nhiệm vụ của ngành Công Thương không đơn thuần là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hay mở rộng thị trường trong nước, mà quan trọng hơn, thông qua các hoạt động đó, dự báo, nhận diện và khai thông các điểm nghẽn, giúp cho dòng chảy hàng hóa Việt lan tỏa mạnh mẽ trên khắp mảnh đất hình chữ S, đến khắp các châu lụcn

Hoàng Cầu