Du lịch chờ cú hích từ hạ tầng giao thông

Trong một tour du lịch, vận chuyển là khâu tốn kém nhiều chi phí, thời gian và rủi ro nhất. Cụ thể, chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu lửa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành một chương trình du lịch.

Cụ thể, đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe cộ, chi phí này vào khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% nếu tham quan bằng tàu thuyền. Còn trường hợp chỉ sử dụng đường bộ, tỷ lệ ở mức 20 - 25%.

Trong khi đó, chi phí tour du lịch nước ngoài ngày càng rẻ là một trong những lý do khiến người Việt chọn xuất ngoại nhiều hơn. Các hãng hàng không trong và ngoài nước, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ mở thêm nhiều tuyến bay thẳng từ Việt Nam đi các nước khiến chi phí vận chuyển thấp. Mức giá vé máy bay cũng ngày càng cạnh tranh, như các đường tour đến Nhật có giá tốt (dưới 30 triệu đồng).

xe du lịch
Xe bus 2 tầng đưa khách tham quan TP. Đà Nẵng

 

Để thu hút khách du lịch, một trong những điểm cần khai thông là phát triển đa dạng hóa phương tiện vận tải khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch trong nước và quốc tế, và quan trọng hơn cả là giảm giá thành chi phí vận tải, giúp cho các tour hấp dẫn hơn.  Trong đó, với phương thức vận tải hành khách du lịch đường bộ, tập trung phát triển đa dạng loại hình phương tiện và chất lượng dịch vụ; sử dụng công nghệ mới trong đảm bảo an toàn kỹ thuật, thân thiện với môi trường, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khí thải EURO IV; với vận tải hành khách đường sắt, tập trung nâng cao chất lượng toa xe khách, ưu tiên đầu tư mới một số toa xe chất lượng cao trên các đoạn tuyến đường sắt có lưu lượng khách du lịch lớn như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang - Quy Nhơn... tập trung đổi mới, sử dụng các loại tàu bay được trang bị điều kiện an toàn kỹ thuật, công nghệ hiện đại; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các tuyến bay đến địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Tiếp đến là đầu tư xây dựng và nâng cao điều kiện bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể, rà soát, nâng cấp, cải tạo các đầu mối vận tải hành khách (bến xe khách loại 3 trở lên, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không, trạm dừng nghỉ đường bộ), đảm bảo bố trí tối ưu các khu chức năng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ tiện nghi phục vụ hành khách (gồm cả hành khách là người khuyết tật).

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung hệ thống biển chỉ dẫn giao thông, thông tin du lịch trên các tuyến đường bộ xuyên Á, các tuyến đường bộ chính yếu dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, các trung tâm lưu trú du lịch, khu du lịch; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa.

Đồng thời, rà soát, cải tạo hệ thống đường ngang đường sắt; kiên quyết xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư, thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; rà soát, bố trí các điểm đón, trả khách, bến, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch. Đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.

Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường bộ chính yếu (cao tốc Bắc - Nam phía Đông...), các tuyến đường sắt phục vụ phát triển du lịch (tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt...); cải tạo luồng tuyến các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra các đảo phát triển du lịch (Cô Tô, Cát Bà, Phú Quốc...).

Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo mức chi phí vận tải khách du lịch hợp lý, phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp; có chính sách về giá vé, hình thức bán vé linh hoạt và đẩy mạnh ứng dụng vé thông minh kết nối đa phương thức; tăng cường cung cấp thông tin về chuyến đi và các dịch vụ hỗ trợ vận tải (tìm đường đi tối ưu, tra cứu giá cước, dịch vụ, kết nối các phương thức vận tải du lịch...) tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch.

Hoàng Lan