Du lịch tâm linh thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

Hầu như tỉnh, thành phố nào, từ Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi địa đầu tổ quốc đến mũi Cà mau, địa phương nào cũng có những điểm du lịch tâm linh. Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn, các địa phương cần phát huy để nâng cao thu nhập cho người dân.

du lich

Du lịch tâm linh là hình thức du lịch dựa trên cơ sở khám phá văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh vừa có mục đích đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Du lịch tâm linh không chỉ mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới, mà còn chứa đựng những giá trị, trải nghiệm tinh thần hết sức thiêng liêng cho người đi du lịch.

Bằng việc duy trì các tour du lịch tâm linh, mở ra khu trưng bày, triển lãm, kết hợp hệ thống nghỉ dưỡng... cũng là cách địa phương gia tăng việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Hiện tại du lịch tâm linh ở Việt Nam rất phát triển trên 2 hình thức. Thứ nhất, du lịch tâm linh gắn liền với đức tin và tôn giáo: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Cao Đài… Thứ hai, du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ngoài ra, còn có các hình thức như du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, dòng họ, thể hiện sự tri ân báo hiếu với thế hệ đi trước…

Với những hình thức kể trên, Việt Nam có lợi thế đặc biệt về du lịch tâm linh. Hầu hết các địa phương trên cả nước đều có các điểm đến của du lịch tâm linh. Nổi tiếng trên tầm cỡ quốc gia là Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, được xây dựng nhằm tái hiện lại con đường quy y Tam Bảo của Phật hoàng Trần Nhân Tông với 3 phân khu chính: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, đến đây, du khách có dịp tìm hiểu thêm về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng gắn với cuộc đời của Phật Hoàng; Khu du lịch tâm linh Tam Chúc với Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam, được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam; Nhà thờ đá Phát Diệm Ninh Bình, là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam, với ngôi thánh đường cổ kính hơn 100 năm tuổi, được xây dựng trong suốt 30 năm và có kiến trúc rất độc đáo; Thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah tại An Giang, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm theo đạo Islam. Đây cũng là một trong những điểm tham quan của du khách khi tới Búng Bình Thiên rộng 200 ha, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ.

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen thu hút nhiều du khách tham quan và lễ Phật
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen thu hút nhiều du khách tham quan và lễ Phật

Hầu như tỉnh, thành phố nào, từ Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi địa đầu tổ quốc đến mũi Cà mau, địa phương cũng có những điểm du lịch tâm linh. Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi. Vì vậy, khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích du lịch tâm linh thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương). Năm 2019, trong số 85 triệu lượt khách nội địa, có 34,85 triệu lượt khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh), chiếm khoảng 42%.

Tổng cục Du lịch nhận định, chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường là thấp, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái… mà ít phát sinh chi phí. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí nhưng đều có các hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Số tiền đóng góp tự nguyện đó khá lớn và là nguồn thu chính cho việc trùng tu, quản lý vận hành các điểm du lịch tâm linh. Các chi tiêu cơ bản cho các hoạt động di chuyển (cáp treo, thuyền, đò, xe điện…) chiếm một tỷ trọng đáng kể. Chi cho ăn uống và giải khát, chi cho lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương… chiếm một tỷ trọng đáng kể nhưng không lớn do khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm. Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương.

Vì thế các địa phương đặc biệt quan tâm và đầu tư cho loại hình du lịch này. Năm 2020, Tây Ninh nổi lên như một điểm sáng của ngành du lịch Đông Nam bộ với lượng khách khoảng 4,7 triệu lượt, đạt 87% so cùng kỳ 2019, trong đó, riêng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (bao gồm khu tâm linh - lễ hội) thu hút hơn 2,1 triệu lượt khách (chiếm gần 50% lượng khách cả tỉnh). Vì thế, Tây Ninh đã phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 125 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035 làm cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có du lịch tâm linh; đặc biệt, hệ thống cáp treo với nhà ga lớn nhất Đông Nam Á giúp người dân có thể nhìn thấy toàn cảnh TP. Tây Ninh, hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng và rút ngắn thời gian đưa du khách lên viếng chùa Bà hoặc vãn cảnh trên khu vực đỉnh núi.

Du khách tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm
Du khách tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm

 

Với Tuyên Quang, nhiều di tích cổ như chùa Phật Lâm, chùa Hương Nghiêm, đền Minh Cầm, chùa An Vinh, đền Thượng, đền Hạ, đình Song Lĩnh, đình làng Giếng Tanh, đền Kiếp Bạc, đền Ỷ La, đền Cấm… đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Trên thực tế, đã hình thành nhiều tuyến du lịch tâm linh như tuyến du lịch tâm linh thờ Mẫu ở thành phố Tuyên Quang bắt đầu từ đền Trình đi đền Hạ đến đền Thượng, đền Cấm, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than và đi các tuyến ngoài thành phố. Ngoài ra còn các tuyến như tuyến du lịch tâm linh lên Chiêm Hóa - Na Hang, từ thành phố Tuyên Quang đi đền Minh Lương (Yên Sơn) đến đền Bách Thần (Chiêm Hóa), đền Pác Tạ (Na Hang); tuyến du lịch tâm linh từ các đền ở thành phố Tuyên Quang đi đền Minh Lương lên đền Bắc Mục, đền Thác Cái, đền Thác Con (Hàm Yên)…

Hiện Tuyên Quang đang xây dựng Đề án Phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đưa ra định hướng và giải pháp phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới, như định hướng phát triển sản phẩm du lịch; sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý di tích; xúc tiến, quảng bá, “thổi hồn” vào di tích; cơ chế chính sách; đầu tư phát triển du lịch; liên kết phát triển du lịch tâm linh…

Với tỉnh Quảng Ninh, sức hút của các điểm di tích lịch sử văn hóa trong mùa lễ hội đầu xuân rất lớn, nhưng thời gian còn lại trong năm hầu như không khai thác được. Để khắc phục yếu tố mùa vụ này, vài năm trở lại đây, một số điểm di tích lịch sử văn hoá của Quảng Ninh như: Khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Cái Bầu, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, một số điểm di tích trên địa bàn TX Quảng Yên, Đông Triều đang dần tìm biện pháp đầu tư nâng cao hiệu quả du lịch tâm linh trong tất cả các tháng của năm.

Do đó, các khu di tích này đã có nhiều đổi mới, vẫn duy trì được lượng du khách đến tham quan vãng cảnh vào các thời điểm khác trong năm. Tuy lượng du khách đến không đông như dịp đầu năm nhưng nhiều điểm di tích đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các tour du lịch đưa khách đến Quảng Ninh. Trong đó, phải kể đến Khu di tích danh thắng Yên Tử. Khoảng 2 năm trở lại đây, khu du lịch này đã đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ để phục vụ khách tham quan du lịch như: Làng hành hương, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, khu nghỉ dưỡng cao cấp Legacy... Đồng thời cũng có chính sách thu hút khách du lịch như: Miễn vé cáp treo cho học sinh, sinh viên, người già vào mùa hè (mùa thấp điểm). Ngoài mùa lễ hội, du khách đến Yên Tử có thể đến tham quan, tham gia các khóa học thiền, tìm hiểu sâu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; về văn hóa truyền thống, lịch sử, thưởng ngoạn cảnh quan, thưởng thức đặc sản địa phương.

Để phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch tâm linh tại các địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng để giữ chân du khách được lâu hơn và tạo điều kiện cho du khách chi tiêu nhiều hơn; Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch tâm linh nhằm phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong loại hình du lịch này. Đồng thời, tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch tâm linh; làm tốt công tác xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tâm linh, gắn du lịch tâm linh với những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút và giữ chân du khách.

Nhóm phóng viên