Du lịch xanh - giải pháp phát triển du lịch bền vững của huyện đảo Phú Quốc

ThS. NGUYỄN THỊ THAO (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, lượng du khách đến Phú Quốc ngày càng tăng. Điều này đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội cho Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Tuy nhiên, khi lượng du khách ngày càng tăng, vấn đề môi trường của Phú Quốc trở nên đáng báo động. Do đó, huyện đảo Phú Quốc cần có những giải pháp phát triển du lịch một cách bền vững. Du lịch xanh - hướng tiếp cận tích cực đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững - được xem là một giải pháp hợp lý. Từ việc phân tích thực trạng phát triển du lịch của Phú Quốc, kết quả của nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp phát triển du lịch xanh tại Phú Quốc - Kiên Giang theo hướng bền vững.

Từ khóa: Du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững, Phú Quốc.

1. Đặt vấn đề

Huyện đảo Phú Quốc với tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng cùng với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, hấp dẫn đã được quy hoạch thành điểm đến du lịch sinh thái chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế trên quan điểm bền vững từ những năm 2000. Lượng khách du lịch đến Phú Quốc gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2018, Phú Quốc đón trên 4 triệu lượt khách, tăng 35,75% so với năm 2017. Về doanh thu, Phú Quốc đạt trên 5.517 tỷ đồng (tăng 39.5%), tương ứng với 86.58% tổng thu nhập du lịch của Kiên Giang [7]. Tuy nhiên, cùng với lợi ích về sự phát triển kinh tế và xã hội, du lịch là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường của huyện đảo Phú Quốc. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch sinh thái chất lượng cao với những sản phẩm du lịch xanh hấp dẫn, đạt đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, Phú Quốc cần có những giải pháp nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết về du lịch xanh

Khái niệm “Du lịch xanh” đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào về du lịch xanh được đưa ra làm cơ sở lý luận chung cho ngành Du lịch trên thế giới. 

Năm 1992, Chính phủ Nhật Bản xác định "du lịch xanh là hoạt động giải trí để tận hưởng thiên nhiên và văn hóa các điểm đến du lịch và tương tác với người dân địa phương ở các vùng nông thôn có phong cảnh thiên nhiên phong phú" [10]. Còn theo Chương trình nghị sự 21 về Du lịch: Hướng tới phát triển bền vững về môi trường thì “Du lịch xanh” là hướng tiếp cận tích cực đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Du lịch xanh còn được coi là chìa khóa để phát triển du lịch bền vững [1].

Như vậy, du lịch xanh được hiểu là “hình thức phát triển du lịch thân thiện với môi trường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc: Thứ nhất, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch; Thứ hai, hạn chế tác động từ hoạt động du lịch đến môi trường tự nhiên; Thứ ba, ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường tự nhiên mà trọng tâm là du lịch sinh thái” [2].

3. Thực trạng phát triển du lịch của huyện đảo Phú Quốc

  • Công tác quản lý nhà nước về du lịch

Công tác quản lý nhà nước về du lịch của Phú Quốc trong thời gian qua được tăng cường và củng cố nhằm phát triển du lịch gắn với giữ gìn cảnh quan và môi trường sinh thái, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Sở Du lịch đã triển khai các văn bản để hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm. Tỉnh đã có những chính sách đặc thù để góp phần đưa Phú Quốc trở thành “Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường để phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, du khách bằng nhiều hình thức. Trong đó, chiến dịch “Du lịch xanh” là hoạt động đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường du lịch của đảo vẫn còn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách. Điều này là do Phú Quốc chưa có chính sách xây dựng những sản phẩm du lịch “xanh”, tính “xanh” trong các dịch vụ du lịch chưa được lồng ghép vào trong các tour du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó,nhận thức của các nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách về phát triển “Du lịch xanh” còn hạn chế.

  • Tình hình kinh doanh du lịch

Theo thống kê, tổng lượt khách đến Phú Quốc tăng qua các năm. Năm 2014, Phú Quốc đón gần 162 nghìn lượt du khách quốc tế, tăng 31,6% so với năm 2013. Tiếp nối thành công, năm 2015, số lượng du khách đến Phú Quốc đã tăng thêm 586.525 lượt so với năm 2014 - là mức tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2016, Phú Quốc có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đạt khoảng 61,89% so với năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2017 và năm 2018, du lịch Phú Quốc có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, chỉ đạt 11,77% và 35,75% [7].

Khách du lịch quốc tế của đảo Phú Quốc đến từ nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, nhưng tập trung nhiều là thị trường Tây Âu và Mỹ (chiếm 65%); khách du lịch Nhật Bản chiếm 30% số lượng khách của thị trường Châu Á tới đảo. Gần đây, thị trường khách Nga có xu hướng tăng nhanh. Điển hình năm 2018, lượng khách đến từ thị trường này đạt 58.000 lượt khách, tăng 300% so với năm 2017 (chỉ là gần 14.000 lượt khách) [9]. Trong khi đó, thị trường khách du lịch nội địa có sự đa dạng thành phần từ nhiều vùng miền khác nhau. Khách du lịch đến Phú Quốc chủ yếu là qua các phương tiện giao thông tàu biển và hàng không. Trong đó, du lịch tàu biển tăng nhanh. Nếu như trước năm 2014 có 03 chuyến với 924 khách quốc tế đến huyện Phú Quốc, đến nay đã có trên 6 chuyến đến Phú Quốc với trên 10.000 hành khách, thuyền viên và nhân viên phục vụ [7].

Trong giai đoạn 2012 - 2016, thu nhập du lịch của Phú Quốc chiếm khoảng 75% đến 84% trong tổng thu nhập du lịch của Tỉnh [5]. Đến năm 2018, doanh thu du lịch của Phú Quốc đạt 5.518 tỷ đồng, tăng 39,5% so với năm 2017, tương ứng với 86.58% tổng thu nhập du lịch của Kiên Giang [7]. Điều này cho thấy, huyện đảo Phú Quốc giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang.

  • Nguồn nhân lực du lịch

Hiện nay, đảo Phú Quốc có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ có liên quan. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này số lao động làm việc trong lĩnh vực này ở Phú Quốc chỉ khoảng 11.000 người, đáp ứng chưa tới một nửa nhu cầu [3]. Với đà tăng trưởng cao về lượt du khách, Phú Quốc cần những chính sách thiết thực để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

  • Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Về cơ sở lưu trú, tính đến tháng 7 năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú du lịch của Phú Quốc là 726 cơ sở, với 22.654 phòng. Trong đó, 9 cơ sở được xếp hạng 4 sao, với 1.218 phòng và 10 cơ sở được xếp hạng 5 sao, với 6.861 phòng; còn lại là cơ sở được xếp hạng 1, 2, 3 sao, cùng các nhà nghỉ và các loại hình cơ sở lưu trú khác.[9]. Ngoài ra, còn nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao sắp đưa vào hoạt động nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách.

Về cơ sở dịch vụ ăn uống, số lượng du khách tăng dẫn đến số lượng nhà hàng tăng theo. Với lợi thế về tiềm năng tài nguyên biển nên sản phẩm của các nhà hàng đa dạng, phong phú về các món ăn được chế biến từ thủy hải sản. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia, nghệ nhân trong lĩnh vực ăn uống còn rất ít nên chưa tạo được nhiều sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu riêng. Nhìn chung, Phú Quốc vẫn còn thiếu những nhà hàng có chất lượng cao.

Về dịch vụ vui chơi giải trí, nổi bật là khu vui chơi giải trí Vinpearl Safari Phú Quốc, Vinpearl Land Phú Quốc, Sailing Club,… Dịch vụ vui chơi giải trí được ưa chuộng nhất là du lịch tham quan trên biển, tại các đảo kết hợp với câu cá, câu cá mực ban đêm, lặn ngắm san hô,... Nhìn chung, các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí còn ít về số lượng so với tốc độ tăng của du khách và hạn chế về chất lượng so với nhu cầu. Do đó, Phú Quốc cần khai thác những lợi thế để tổ chức các loại hình vui chơi giải trí đa dạng hơn nữa.

Về vận chuyển khách du lịch, các phương tiện vận chuyển bằng đường thuỷ, đường hàng không và đường bộ đều được khai thác. Đối với vận chuyển bằng đường hàng không, sân bay quốc tế Phú Quốc khai thác tốt các tuyến nội địa và phát triển các tuyến quốc tế kết nối tới các thị trường trọng điểm như Nga, Ý, Siêm Riệp (Camphuchia), Quảng Châu (Trung Quốc),… Về vận chuyển đường biển, có hơn 40 phương tiện chở khách và 15 phương tiện tàu phà chở ô tô kết nối từ cảng Rạch Giá hoặc Hà Tiên với huyện đảo Phú Quốc [6]. Về vận chuyển đường bộ, các tuyến đường đã và đang được chỉnh trang để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải khách du lịch tham quan các khu, điểm du lịch,...

  • Sản phẩm du lịch

Với tiềm năng du lịch phong phú, Phú Quốc đã phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển - đảo, văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh tại các địa bàn trọng điểm. Du lịch biển đang là thế mạnh của tỉnh nhưng vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các đảo ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, chất lượng của nguồn nước và giảm đi sự thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Theo kết quả điều tra 292 du khách, mục đích du khách lựa chọn Phú Quốc để đi du lịch là để “nghỉ ngơi, thư giãn” chiếm tỷ lệ cao nhất (21.30%), tiếp theo là “khám phá vẻ đẹp tài nguyên thiên nhiên” (chiếm 20.47%),... Bên cạnh đó, loại hình du khách ưa thích nhất khi đến Phú Quốc là du lịch nghỉ dưỡng. Du lịch sinh thái xếp thứ 2 mà du khách lựa chọn khi đến Phú Quốc. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái - một loại hình du lịch thân thiện với môi trường.

Hơn thế nữa, khi được hỏi về các xu hướng lựa chọn của du khách khi đi du lịch có một tỷ lệ cao du khách đồng ý tham gia vào việc bảo vệ môi trường khi đi du lịch (chiếm 78.77%), sẵn sàng tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng địa phương khi đi du lịch (chiếm 80.14%) và ưu tiên lựa chọn điểm đến quan tâm bảo vệ môi trường trong khi phát triển du lịch (chiếm 85.54%). Tuy nhiên, khi trong chương trình du lịch có hoạt động bảo vệ môi trường và giúp ích cho cộng đồng địa phương mà giá tour cao hơn thì tỷ lệ đồng ý có giảm nhưng vẫn ở mức tương đối cao (chiếm 71.23%).

Tất cả những điều trên chứng tỏ khả năng du khách tham gia du lịch xanh là rất cao. Phú Quốc cần thực hiện những biện pháp cụ thể nhằm thu hút du khách tham gia vào hoạt động du lịch còn mới này.

  • Đầu tư phát triển du lịch

Đến nay, huyện Phú Quốc có 256 dự án đầu tư du lịch, với quy mô 9.704 ha và tổng vốn đầu tư là 327.395 tỷ đồng. Trong đó có 38 dự án đang triển khai xây dựng, 40 dự án đi vào hoạt động [9]. Các dự án đưa vào hoạt động đã giúp Phú Quốc trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất trong nước và khu vực. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang vẫn tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch gắn với chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và môi trường.

  • Hoạt động liên kết, hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch

Sở Du lịch Kiên Giang đã tăng cường liên kết với du lịch quốc tế và các vùng trong nước. Sở đã hợp tác với các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Lâm Đồng, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ký kết và triển khai thực hiện một số chương trình liên kết về du lịch với các tỉnh, thành của Vương quốc Campuchia và Thái Lan. Ngoài ra, Sở Du lịch cũng thực hiện các chương trình xúc tiến và quảng bá về tiềm năng tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc.

Theo kết quả khảo sát du khách, Phú Quốc được du khách biết đến thông qua rất nhiều kênh thông tin. Trong đó, internet là kênh thông tin mà du khách chọn nhiều nhất (chiếm 26.39%). Tiếp theo là các sách/báo/tạp chí và ti vi (chiếm lần lượt là 21.26% và 16.86%); công ty du lịch (chiếm 15.40%), người thân (chiếm 12.76%). Vì vậy, để hình ảnh điểm du lịch Phú Quốc đến được với du khách, các bộ phận liên quan cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

  • Môi trường du lịch: 

Về môi trường đất, huyện Phú Quốc có tổng diện tích đất tự nhiên là 58.936,63 ha, trong đó đảo Phú Quốc là 56.165ha. Diện tích đất có vị trí thuận lợi gắn liền với tài nguyên du lịch thuận lợi để phát triển du lịch chiếm 1/3 tổng số đất trên đảo. Tình hình đô thị hóa đã tác động đến môi trường đất chủ yếu ở sự thay đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp, lâm nghiệp sang mục đích xây dựng quy hoạch du lịch

Về môi trường nước, nguồn nước mặt của Phú Quốc đang có nguy cơ ô nhiễm bởi rác thải và trầm tích. Hiện nay, ô nhiễm nhất là bãi biển ấp Bãi Vòng, nằm trên địa bàn xã Hàm Ninh, nơi có bến tàu khách Phú Quốc - Rạch Giá. Bãi biển thứ hai đang bị ô nhiễm nặng là bãi biển Gành Dầu, đặc biệt là dọc theo bờ biển đoạn ngang qua ấp Chuồng Vít. Bãi biển Dinh Cậu, nơi hàng ngày có rất nhiều người dân và khách du lịch đến tham quan, tắm biển cũng là một trong số bãi tắm trên đảo bị ô nhiễm rác thải. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới cảm nhận của du khách về môi trường của Phú Quốc.

Về môi trường khí, theo các báo cáo về hiện trạng môi trường trên đảo Phú Quốc qua các năm cho thấy chất lượng không khí trên đảo Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, tại các bãi biển du lịch vào các mùa cao điểm, độ ồn, nồng độ bụi và hàm lượng các chất ô nhiễm cũng có nguy cơ tăng vượt mức cho phép, do tập trung số lượng lớn du khách.

Về đa dạng sinh học, đảo Phú Quốc là một phần trong khu vực bảo tồn sinh quyển của tỉnh Kiên Giang với diện tích hơn 1,1 triệu ha. Tuy nhiên, hiện nay diện tích rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc đang bị suy giảm vì nạn chặt phá rừng khai thác gỗ quý hay lấn chiếm rừng để sử dụng vào các mục đích khác. Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển gồm các rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng lõi Khu bảo tồn biển Phú Quốc được đánh giá là tương đối tốt cũng bị ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng bởi hoạt động đánh bắt quá mức.

Về chất thải rắn, đây là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển nói chung, phát triển du lịch nói riêng của Huyện. Rác thải ra từ hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân ngày càng nhiều, nhưng công tác thu gom và xử lý chưa đạt kết quả cao. Theo thống kê, mỗi ngày, Huyện đảo phát sinh khoảng gần 200 tấn rác và 18.000 m3 nước thải, trong khi đó, năng lực thu gom chỉ đạt hơn 60%. Số rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng [8]. Hiện nay, Phú Quốc chưa có khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch. Chủ yếu rác thải được tập kết tại 2 bãi rác An Thới (thị trấn An Thới) và Ông Lang (xã Cửa Dương). Tại các bãi rác này, rác thải được tập kết lộ thiên và phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp hở, hầu hết đều mang tính chất tạm thời, không hợp vệ sinh, không xử lý mùi hôi và nước rỉ rác, không có chống thấm đáy, không có tường bao xung quanh bãi rác. Theo dự báo, chất thải rắn sinh hoạt sẽ phát sinh của huyện Phú Quốc ngày càng tăng, đến năm 2030 là 718 tấn/ngày [4]. Nếu chính quyền Kiên Giang không tìm hướng giải quyết sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến du lịch Phú Quốc.

4. Các giải pháp phát triển du lịch xanh tại huyện đảo Phú Quốc

Để phát triển du lịch xanh tại huyện đảo Phú Quốc cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một, tỉnh Kiên Giang cần xây dựng chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hóa; quy định về xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom, tái chế chất thải trong các cơ sở kinh doanh; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thực hiện sản xuất sạch hơn bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường. Song song đó, tỉnh Kiên Giang cần đánh giá mức độ tác động đến kinh tế - môi trường - xã hội của các dự án, kiên quyết từ chối những dự án ảnh hưởng đến môi trường và không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ngoài ra, Tỉnh cần có chính sách đào tạo cán bộ của Sở Du lịch về quản lý phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Ngoài ra, cũng cần có chính sách đào tạo đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sinh thái, nhân viên trong các doanh nghiệp lữ hành,... để nâng cao hiểu biết và thực hành về du lịch xanh. Các kiến thức về bảo vệ môi trường du lịch, du lịch xanh, kỹ năng giao tiếp cũng cần được lồng ghép vào chương trình đào tạo, huấn luyện nhân lực của huyện, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chương trình, hoạt động kêu gọi du khách và nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch xanh. Tỉnh cần chú trọng phát triển các chính sách bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Đây là biện pháp giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, qua việc tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào du lịch với hình thức du lịch sinh thái cộng đồng.

Hai, tạo điều kiện cho các công ty tổ chức các sản phẩm du lịch xanh, các tour chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch với hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, du khách giữ vai trò chủ đạo đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực như trồng cây gây rừng, nhặt rác trên bãi biển, phát túi nilon tự hủy,…

Ba là, huyện Phú Quốc cần tổ chức xây dựng phát triển các sản phẩm “Du lịch xanh”, chủ yếu là loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, như: xác định tiềm năng tài nguyên du lịch xanh, thực hiện khảo sát nghiên cứu thị trường, khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và trong các dịch vụ du lịch. Thực hiện liên kết - hợp tác với các tỉnh, vùng trong xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái, cập nhật thường xuyên những thông tin của hoạt động du lịch xanh, các điển hình phát triển du lịch xanh, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh, các doanh nghiệp hoạt động theo hướng du lịch xanh và các tour du lịch xanh, cũng như những hoạt động du lịch khác có công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường,... Một số sản phẩm du lịch sinh thái cần khai thác và phát triển là sản phẩm du lịch sinh thái tự nhiên (du lịch sinh thái biển đảo, du lịch sinh thái vườn hồ tiêu,…) và sản phẩm du lịch sinh thái nhân văn (du lịch sinh thái gắn với làng chài, làng nước mắm, nuôi cấy ngọc trai, văn hóa truyền thống cách mạng,…).

Cuối cùng, để thực hiện tốt việc phát triển du lịch xanh tại huyện đảo Phú Quốc, cần chú trọng nâng cao sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong Tỉnh và địa phương để xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thanh Lê (2012). Du lịch xanh: Chìa khóa của du lịch bền vững. Nguồn http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/10471, truy cập ngày 15/01/2017.
  2. Phạm Trung Lương (2015). Phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bài báo được trình bày tại Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ngày 12/11/2015, Hà Nội.
  3. Khoa Nam - Như Bình (2019). Phú Quốc thiếu gay gắt nhân lực du lịch. Nguồn:https://tuoitre.vn/phu-quoc-thieu-gay-gat-nhan-luc-du-lich-20191111080823418.html, truy cập ngày 23/12/2019.
  4. Tứ Quý (2019). Bức tranh toàn cảnh đáng buồn của đảo ngọc Phú Quốc. Nguồn:http://kenh14.vn/dao-ngoc-phu-quoc-bi-de-doa-boi-rac-thai-20191026114145676.chn, truy cập ngày 10/01/2020.
  5. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang (2017). Kết quả hoạt động du lịch. Lưu hành nội bộ.
  6. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang (2019). Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển du lịch 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch 5 năm 2021-2025. Lưu hành nội bộ
  7. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang (2019). Khách du lịch đến Kiên Giang năm 2018. Nguồn: https://sdl.kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/116/756/Khach-du-lich-den-Kien-Giang-nam-2018.html, truy cập ngày 20/12/2019
  8. Nguyễn Thế (2019). Huy động nguồn lực thu gom, xử lý rác thải tại huyện đảo Phú Quốc.

Nguồn: http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Huy-động-nguồn-lực-thu-gom,-xử-lý-rác-thải-tại-huyện-đảo-Phú-Quốc--49876, truy cập ngày 05/01/2020.

  1. Phong Vân (2019), Phú Quốc - Kiên Giang đang là điểm sáng của ngành Du lịch Việt Nam. Nguồn: http://baodulich.net.vn/Phu-Quoc---Kien-Giang-dang-la-diem-sang-cua-nganh-Du-lich-Viet-Nam-03-19686.html truy cập ngày 03/01/2020.
  2. Anowar Hossain Bhuiyan, Chamhuri Siwar, Shaharuddin Mohamad Ismail (2012). Green tourism for sustainable regional development in east coast economic region (ECER), Malaysia. Source:  http://www.ssrn.com/link/OIDA-Intl-Journal-Sustainable-Dev.html, accessed on 03/12/2019.

 

 GREEN TOURISM – THE SOLUTION TO DEVELOP PHU QUOC ISLAND’S TOURISM SUSTAINABLY

Master. NGUYEN THI THAO

Van Lang University

ABSTRACT:

Phu Quoc island has experienced an increase in the number of visitors. The tourism industry’s growth has significantly contributed to the socio-economic development of Phu Quoc island in particular and Kien Giang Province in general. However, the increase in the number of visitors has negatively affected the environment of Phu Quoc island. Hence, it is necessary for Phu Quoc island to have solutions to develop its tourism sustainably. Green Tourism, which is an active approach to ensure sustainable tourism development, is considered as a feasible solution for Phu Quoc island. This study is to analyze the current development status of Phu Quoc island’s tourism, hence proposing solutions for developing the green tourism in Phu Quoc island towards sustainability.

Keywords: Green tourism, sustainable tourism development, Phu Quoc island.