Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam dù chưa phải đưa ra cam kết về giảm phát thải song trong thời gian tới, sẽ phải có trách nhiệm báo cáo về tình trạng giảm phát thải định lượng, theo xu thế của quốc tế và lộ trình pháp lý mới sẽ hình thành sau Nghị định thư Kyoto (năm 2012). Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững. Đề án cần đánh giá về việc giảm phát thải ở Việt Nam, mức độ tham gia của Việt Nam trong thị trường tín chỉ cacbon, đề xuất việc quản lý hoạt động giảm phát thải cũng như định hướng phát triển thị trường tín chỉ cacbon, cả chính thống và tự do… “Đề án sẽ nhanh chóng được lấy ý kiến các Bộ ngành, trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 5 tới. Nếu chậm trễ thực hiện việc quản lý phát thải và hình thành thị trường mới mẻ này, ta sẽ mất cơ hội”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm. 

Hiện cả nước có 112 dự án CDM được công nhận với khoảng gần 6,75 triệu chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số lượng dự án CDM. Về việc tổ chức thu, quản lý lệ phí bán/ chuyển Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CER), Việt Nam đã có quyết định, thông tư, Quỹ Bảo vệ môi trường tiếp nhận hồ sơ và thu lệ phí. Từ năm 2008 đến nay, tổng số lệ phí thu được là 40 tỷ đồng.