Đức sẽ không vội mở cửa nền kinh tế trở lại

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier vừa cho rằng Đức không nên vội vàng nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 bất chấp sức ép về mở cửa nền kinh tế do lo ngại một làn sóng lây nhiễm mới.
Bộ trưởng Kinh tế Đức
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết Đức không nên vội vàng mở cửa nền kinh tế trở lại do lo ngại xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới (Ảnh: DW)

Trong ngày 16/2, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nước Đức không nên vội vàng nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa dịch Covid-19 vì có nguy cơ dẫn đến một làn sóng lây nhiễm khác. Ông Peter Altmaier nhấn mạnh các hoạt động kinh tế không thể phát triển nếu như nước Đức rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ 3. Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone)

Phát biểu của ông Peter Altmaier được đưa ra khi ngày càng nhiều hiệp hội ngành nghề tại Đức lên tiếng đòi dỡ bỏ tình trạng phong toả hiện tại. Đức đã áp dụng chính sách đóng cửa kể từ tháng 11/2020 khi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 tấn công nước này và các biện pháp phong toả này được kéo dài đến ngày 7/3 tới đây nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng và cơ sở giải trí buộc phải đóng cửa và người dân phải tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt.

Ông Peter Altmaier thừa nhận nhiều ngành nghề đang mong mỏi chờ đợi ngày tình trạng phong tỏa hiện tại được dỡ bỏ, nhưng nước Đức đang cảnh giác trước lo ngại về các biến thể mới của virus Covid-19 gây ra dịch ở các nước láng giềng.

Ông Peter Altmaier cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ nhóm họp với 16 thống đốc bang trong thời gian tới để ra quyết định tiếp theo về các biện pháp phong toả. Trong tuần trước, giới lãnh đạo Đức đã nhất trí cho phép các tiệm làm tóc được mở cửa từ ngày 1/3, trong khi các cửa hàng bán lẻ và các dịch vụ khác phải đợi đến sớm nhất là ngày 7/3. Các nhà máy, văn phòng và siêu thị vẫn mở cửa trong suốt thời gian phong tỏa.

Thủ tướng Đức và các thống đốc bang cũng nhất trí thắt chặt điều kiện để từng bước tái mở cửa nền kinh tế bằng việc đặt mục tiêu tốc độ lây nghiễm đạt dưới 35 ca nhiễm mới trên mỗi 100.000 dân trong 7 ngày, thay vì 50 ca như trước. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức đã giảm trong vài tuần trở lại đây, xuống còn 3.856 ca trong ngày 16/2, hay 59 ca trên mỗi 100.000 dân.

Theo báo cáo kinh tế hàng tháng do Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (BMWi) mới công bố, việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 đang tiếp tục đè nặng lên kinh tế Đức trong quý 1/2021.

BMWi lưu ý rằng đà phục hồi kinh tế của Đức sau đợt phong toả lần 1 của năm ngoái đã giảm xuống do đợt đóng cửa thứ hai. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), nền kinh tế Đức trong quý 3/2020 đã tăng 8,5% nhưng sau đó giảm còn 0,1% trong quý 4/2020.

BMWi nhận định triển vọng kinh tế của Đức đang đan xen giữa hai gam màu sáng – tối trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhưng lĩnh vực dịch vụ lại vật lộn trước các biện pháp phong toả chống đại dịch Covid-19. BMWi nhấn mạnh đà tăng trưởng của nền kinh tế Đức sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Hiệp hội Nghiên cứu Dự báo Kinh tế Vĩ mô châu Âu (Euroframe) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone sẽ đạt 4,9% trong năm nay. Dự kiến từ quý 2/2021, triển vọng kinh tế khu vực Châu Âu sẽ bắt đầu phục hồi đáng kể khi phần lớn dân số được tiêm chủng và các ca mắc Covid-19 giảm mạnh.

Quang Đặng (Theo Reuters)