Đúng hẹn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Công nghiệp nền tảng là chìa khóa duy nhất

Làm chủ các ngành công nghiệp nền tảng sẽ làm chủ nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, từ đó tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, các ngành công nghiệp mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Qua nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. 

Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể - Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. 

Công nghiệp cũng trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, và cũng là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong khi các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế, và bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm.

Tuy nhiên, sản xuất trong nước còn phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.

Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 164,5 tỷ USD nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, chiếm 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, sau khủng hoảng đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tập đoàn đa quốc gia đã phải nhìn nhận lại cách tiếp cận về phát triển chuỗi cung ứng, theo hướng rút ngắn chuỗi, cắt giảm các khâu trung gian, tăng tỷ lệ nội địa hoá, tăng tỷ lệ thu mua trong nước, và đa dạng hoá nhà cung ứng nhằm tránh rủi ro đứt gãy chuỗi. Xu thế tái cấu trúc lại chuỗi giá trị toàn cầu và sự quay trở lại của bảo hộ mậu dịch sẽ ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng. 

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách phát triển công nghiệp để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cần có cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; khuyến khích phát triển hài hòa/hợp lý các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc CMCN 4.0.

Các chính sách vĩ mô cần được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho các nguồn lực xã hội (vốn, nguồn nhân lực…) hướng vào lĩnh vực sản xuất nói chung và các ngành công nghiệp nền tảng nói riêng. Sản xuất công nghiệp hiện nay được tổ chức theo chuỗi giá trị (thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn) rất chặt chẽ, do đó, ưu tiên của việc phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng là tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của ngành, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần định hướng mở rộng từ các cơ chế, chính sách truyền thống như ưu đãi tín dụng và miễn giảm thuế sang cơ chế, chính sách mới như hỗ trợ ngân sách. Định hướng xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế để xác định và phát triển mạnh mô hình cụm liên kết ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên biệt cho một số ngành công nghiệp nền tảng, dựa trên mức độ tập trung công nghiệp và tính kết nối theo chuỗi sản xuất để hình thành hệ sinh thái tổng thể cho ngành công nghiệp nền tảng phát triển, từ đó tạo tác động lan toả sang các ngành liên quan.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án làm Trưởng đoàn, Bộ Công Thương đề xuất mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta trong thời gian sắp tới sẽ là “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng công nghiệp vững chắc, năng suất lao động xã hội cao, nội lực trong nước mạnh, phát triển bền vững và bao trùm gắn với vai trò của Nhà nước kiến tạo”.

Khánh Thy