Biểu tình Brexit
 Người dân Anh biểu tình đòi xem xét lại việc tách khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) (Ảnh: BBC)

Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cáo buộc Vương quốc Anh đang đòi hỏi một thoả thuận thương mại thời hậu Brexit cho phép nước này duy trì vị thế kinh tế - thương mại như khi còn là một thành viên của EU. Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU sau 47 năm gắn bó vào ngày 31/01/2020.

Anh và EU hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm duy trì trạng thái quan hệ hiện tại, đặc biệt là về thương mại và thuế quan; giai đoạn chuyển tiếp dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020. Hiện Anh và EU đang đàm phán để đạt được một thoả thuận thương mại sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán thoả thuận thương mại của EU, cho biết “Chính phủ Anh đang đòi hỏi rất nhiều từ EU (trong thoả thuận thương mại) so với Canada, Nhật Bản hoặc các đối tác thương mại khác. Chúng tôi (EU) không thể và cũng không cho phép Anh tham lam làm như thế.”

Ông Michel Barnier cũng nhấn mạnh Chính phủ Anh không thể theo đuổi việc đạt được lợi ích kép, ám chỉ vừa rời khỏi EU để không chịu các ràng buộc của liên minh mà vẫn hưởng các ưu đãi như khi còn là thành viên trong khối.

Ông Michel Barnier kỳ vọng Chính phủ Anh sẽ trở nên linh hoạt hơn trong đàm phán thoả thuận thương mại với EU trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Vương quốc Anh hiện là một trong những quốc gia có số người chết và nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.

Sau vòng đàm phán mới nhất diễn ra hôm 5/6 vừa qua, tiến trình đàm phán thoả thuận thương mại tự do hậu Brexit giữa EU và Vương quốc Anh chỉ đạt được rất ít tiến triển do quan điểm cứng rắn của hai bên về nhiều vấn đề. Theo ông Michel Barnier, các bất đồng còn tồn tại chủ yếu ở 4 vấn đề chủ chốt, gồm chia sẻ các ngư trường đánh cá của Anh với EU, vai trò của Toà án Công lý Châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về thiết lập “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng lớn về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội.

Nghị viện Châu Âu hiện thúc giục Chính phủ Anh “khẩn cấp đánh giá lại vị thế đàm phán” của nước này trong tiến tình đàm phán thoả thuận thương mại. EU hiện cũng sẵn sàng kéo dài thời gian chuyển tiếp cho Vương quốc Anh nếu như hai bên không đạt được thoả thuận thương mại kịp vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johson đã liên tục từ chối ý tưởng trên. Ngày 11/6, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tăng cường các cuộc đàm phán với EU trong tháng 7/2020 với mục tiêu đạt được thoả thuận thương mại với EU vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, một thỏa thuận khung phải đạt được trước ngày 31/10/2020 để kịp phê chuẩn trước cuối năm nay, nhằm tránh việc vị thế thương mại – kinh tế của Anh tại EU chấm dứt vào ngày 31/12/2020 mà không có thoả thuận thương mại nào.

Ông Stefaan de Rynck, một cố vấn thuộc đoàn đàm phán thương mại EU, cho biết tuyên bố của Chính phủ Anh cho thấy có triển vọng EU đạt được thoả thuận thương mại với Anh nhưng Chính phủ Anh cần phải thực tế hơn về những gì mà nước này có thể đạt được. Ông Stefaan de Rynck cũng cho biết Chính phủ Anh đã lảng tránh việc thảo luận một số vấn đề và thế bế tắc trong đàm phán cần được tháo gỡ.

Với quỹ thời gian còn rất hạn hẹp và các bất đồng lớn như hiện nay, việc tìm kiếm một sự tiến bộ đáng kể giữa hai bên vào phiên đàm phán tiếp theo trong ngày 1/7 tới đây sẽ khó có thể trở thành hiện thực và rủi ro về một Brexit không thoả thuận đang ngày càng hiện hữu rõ hơn. Brexit không có thoả thuận có thể là một cú sốc kinh tế không chỉ đối với Vương quốc Anh mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.