Theo quy định, EVFTA sẽ cần phải được Quốc hội của 2 bên phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực, đi vào thực thi. Do vậy, trước mắt EVFTA vẫn còn phải trải qua một chặng đường nữa, dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.

an toan thuc pham
EU quan tâm đến các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm

 

FTA Việt Nam – EU là Hiệp định đầu tiên của EU với một nước đang phát triển trong khu vực. Để Hiệp định được hiện thực hóa có hiệu quả, ta phải chứng minh được Việt Nam có khả năng thực thi các tiêu chuẩn cao của FTA. Trong đó có 3 lĩnh vực được EU rất quan tâm:

+ Thứ nhất, EU rất quan tâm đến phát triển bền vững và yêu cầu tất cả các đối tác thương mại cũng cần cùng hành động vì các mục tiêu toàn cầu. Quan ngại này đã được giải tỏa phần nào khi tại kỳ họp tháng 5-6 vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đồng thời thảo luận theo hướng tích cực dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã được lấy ý kiến công khai trước đó. Đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, dự luật này dự kiến cũng sẽ được phê chuẩn tại kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội. 

+ Thứ hai là vấn đề kiểm dịch động thực vật. Trong Hiệp định FTA, EU cam kết sẽ mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của ta nhưng cũng cần ta có hợp tác với EU để đảm bảo hàng của ta sang EU đảm bảo được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện hai bên đang tích cực thảo luận để thống nhất được cơ chế hợp tác kỹ thuật trước khi Hiệp định được chính thức phê chuẩn.

+ Thứ ba là chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU). Vừa qua ta bị EU rút thẻ vàng do còn một số vi phạm. Đây là lĩnh vực cũng cần có tiến bộ trước khi Hiệp định được phê chuẩn.

Về phía Bộ Công Thương, với quá trình dài thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đã có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng chính sách gắn với phục vụ doanh nghiệp, người dân và hướng dẫn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng bộ hồ sơ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA để sớm đưa Hiệp định này vào đời sống.

Song song với việc đó, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung, cam kết, trách nhiệm và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong Hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa Hiệp định EVFTA cho phù hợp các cam kết đã ký và xây dựng các cơ chế, mô hình liên kết để quản lý nhà nước gắn với doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.