EU khó có thể cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, giá dầu thô giảm nhẹ

Chốt phiên giao dịch ngày 22/3 (theo giờ địa phương), giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm nhẹ sau khi giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu có những ý kiến trái chiều về việc cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Nga.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 21/2 đến 23/3/2022 (Đồ hoạ: oilprice.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 22/3 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2023 đã giảm nhẹ 0,2% xuống mức 115,48 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 0,3% xuống 111,76 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu do  giới đầu tư cho rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó có thể cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Nga sau khi giới chức lãnh đạo EU có những ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này không ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) giáng đòn trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga bởi việc này gây rủi ro lớn cho nguồn cung năng lượng tới Hungary. Trước đó, Đức và Bulgaria cũng lên tiếng phản đối ý tưởng cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

Giá dầu thô thế giới đã tăng vọt 7% trong phiên giao dịch ngày 21/3 sau khi xuất hiện các thông tin về việc EU đề xuất cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga như Hoa Kỳ đang thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết sản lượng xuất khẩu dầu thô qua tuyến đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) có thể sụt giảm tới 1 triệu thùng/ngày trong vòng 2 tháng khi Nga tiến hành sửa chữa phần đường ống nằm trên khu vực Biển Đen. Tuyến đường ống CPC do Nga và Kazakhstan vận hành là một trong những tuyến đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới để xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan ra thị trường quốc tế.

Ngoài khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Nga, giá dầu thô thế giới hiện vẫn đang tiếp tục được hỗ trợ bởi các rủi ro thiếu hụt nguồn cung từ khu vực Trung Đông. Nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đã tấn công các cơ sở năng lượng và công nghiệp của Ả-rập Xê-út vào cuối tuần trước.

Trong ngày 21/3, Ả-rập Xê-út đã lên tiếng cảnh báo nước này sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu thô toàn cầu nào bắt nguồn từ việc phiến quân Houthi tấn công nước này. Phiến quân Houthi được cho là có sự quan hệ mật thiết với Iran. Giới quan sát nhận định cảnh báo này báo hiệu sự thất vọng ngày càng gia tăng của Ả-rập Xê-út đối về các chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran và Yemen.

Hiện thị trường tập trung quan sát báo cáo lượng dự trữ dầu thô hàng tuần của Hoa Kỳ. Báo cáo do Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) thực hiện được công bố vào cuối ngày 23/2 và báo cáo chính thức do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thực hiện sẽ được công bố trong ngày 24/2 (theo giờ địa phương). Giới phân tích dự báo lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần vừa qua có thể sẽ tăng nhẹ.

Tường Vy